|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thanh khoản chứng khoán Việt Nam chờ 'điểm bùng nổ' từ hệ thống công nghệ

08:51 | 16/07/2024
Chia sẻ
Kể từ ngày 27-28/5 tại TTCK Hoa Kỳ, Canada, Mexico cũng đã chính thức chuyển từ chu kỳ thanh toán “T+2” sang “T+1”, trong bối cảnh hiện tại BSC Research thực hiện báo cáo đánh giá sơ bộ, tổng hợp một số góc nhìn về chu kỳ thanh toán, giao dịch chứng khoán trong ngày.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trông đợi từ lâu về việc sớm triển khai nhiều sản phẩm mới như: cho phép giao dịch chứng khoán trong ngày (Daytrading), bán chứng khoán chờ về, bán khống… để tăng tính hấp dẫn cũng như đa dạng sự lựa chọn cho nhà đầu tư trên thị trường.

Xét trong khu vực châu Á, một số quốc gia có TTCK phát triển (Developed market) cũng đã triển khai cơ chế giao dịch chứng khoán trong ngày, tuy nhiên cũng có một số thị trường mới nổi (Emerging market) vẫn thận trọng và chưa xem xét áp dụng.

 

Theo lãnh đạo Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), việc rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán không chỉ phụ thuộc vào VSD mà đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các bên liên quan như các thành viên thị trường, ngân hàng thanh toán... trong đó bao gồm khả năng cải tiến về năng lực hệ thống, quy trình nghiệp vụ, quản trị rủi ro của thành viên thị trường, sự thông suốt của hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng để đảm bảo cho hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt, tránh xảy ra trường hợp mất khả năng thanh toán.

Chu kỳ thanh toán giao dịch cổ phiếu T+2 hiện nay của Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế và thời gian rút ngắn từ T+3 xuống T+2 thậm chí còn sớm hơn một số TTCK lớn trong khu vực như Nhật Bản (2017), Thái Lan, Singapore đến năm 2018 mới rút ngắn xuống T+2. Có thể nói đây là những nỗ lực lớn của cơ quan quản lý, tổ chức vận hành thị trường cũng như thành viên thị trường và ngân hàng thanh toán.

Nhìn lại vào quá trình phát triển của TTCK Hoa Kỳ, chu kỳ thanh toán đã được rút ngắn đáng kể với các mốc thời gian cụ thể như sau, kể từ năm 1993 Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Hoa Kỳ (SEC) đã thay đổi thời hạn thanh toán T+5 thành T+3. Tháng 3/2017, SEC tiếp tục rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống còn T+2 nhờ những cải tiến về công nghệ. Mới đây nhất, kể từ ngày 28/5, SEC tiếp tục rút ngắn từ T+2 xuống còn T+1, trong khi đó Canada và Mexico cũng đã áp dụng chu kỳ thanh toán mới kể từ ngày 27/5.

Theo BSC, việc áp dụng giao dịch chứng khoán trong ngày (day-trading) phụ thuộc lớn vào nền tảng công nghệ hạ tầng, cơ sở vật chất của từng quốc gia cũng như quan điểm điều hành của cơ quan quản lý.

Một số nước trong khu vực châu Á như: Indonesia (thuộc khối ASEAN), Ả-rập-xê-út mặc dù đã được xếp hạng TTCK mới nổi theo phân loại của FTSE/MSCI nhưng vẫn chưa cho phép "day trading".

Ở chiều ngược lại, một số thị trường khác đã triển khai hoạt động này từ sớm như Hàn Quốc (1996), Hong Kong (2013), Đài Loan + UAE (2014) và gần đây nhất là Thái Lan (2017). 

Đối với hoạt động day-trading, các Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi cổ phiếu để xem xét áp dụng day-trading nhằm đảm bảo sự vận hành ổn định trước khi áp dụng phổ biến trên toàn thị trường.

Đơn cử như SGDCK Đài Loan (TWSE) chỉ cho phép giao dịch “mua trước bán sau” kể từ ngày 1/1/2014 đối với 150 cổ phiếu được chọn. Sau 6 tháng, TWSE tiếp tục cho phép giao dịch trong ngày “bán trước và mua lại sau” và kể từ ngày 1/6/2015, số lượng cổ phiếu được phép giao dịch tăng từ 150 lên gần 400.

Theo xu hướng phát triển của các nước trên thế giới, việc triển khai hoạt động giao dịch trong ngày sẽ gia tăng thêm lựa chọn cho nhà đầu tư, đồng thời cũng là tiền đề để triển khai các sản phẩm mới trên thị trường – cải thiện năng lực cạnh tranh khi so sánh tương quan với các TTCK khác trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, việc áp dụng day-trading sẽ cần tiến hành một cách thận trọng, có lộ trình, chọn lọc từng bước đối với các cổ phiếu trước khi tiến hành trên toàn bộ thị trường tránh những rủi ro có thể xảy ra khi thị trường xảy ra biến động mạnh.

 

Liên hệ đối với TTCK Việt Nam, BSC Research đánh giá kể từ năm 2020 đến nay cơ quan quản lý đã nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, sửa đổi các quy định, quy trình nhằm phát triển thị trường chứng khoán hướng đến các quy chuẩn, thông lệ quốc tế.

Trong thông báo tháng 6/2024 của Bộ Tài chính mới ban hành cũng nhấn mạnh về việc sớm giải quyết các nút thắt trong quá trình nâng hạng và sẽ cập nhật tình hình hệ thống KRX tới thị trường, mặt khác UBCKNN và các thành viên thị trường cũng đang tích cực trao đổi thông tin để giải quyết nút thắt về “pre-funding”.

Tổng công ty lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam cùng các đơn vị thành viên đã nắm bắt và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai mô hình đối tác bù trtrung tâm (CCP) cho TTCK cơ sở.

Theo đó,BSC Research đánh giá việc sớm đưa hệ thống giao dịch mới vào vận hành sẽ giúp TTCK Việt Nam đạt được rất nhiều mục tiêu trong thời gian tới, thanh khoản TTCK cải thiện đáng kể và các phiên giao dịch nhiều tỷ USD sẽ xuất hiện thường xuyên trên thị trường.

Hoàng Linh