|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chật vật tăng vốn ngành chứng khoán

09:23 | 16/09/2024
Chia sẻ
Tăng vốn là một trong những điều kiện giúp các công ty chứng khoán (CTCK) có thể phục vụ được số lượng lớn nhà đầu tư, đáp ứng quy mô giao dịch ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, không phải phương án nào cũng diễn ra suôn sẻ. Một số trường hợp không chào bán đủ khối lượng dự tính, hoặc bị trì hoãn, thậm chí hủy bỏ phương án.

Nguồn vốn CTCK cho vay ký quỹ (margin) thường được huy động từ các ngân hàng thương mại. Khi các công ty chứng khoán mở rộng đầu tư tự doanh và cho vay margin, tỷ lệ đòn bẩy và sự phụ thuộc vào vay ngân hàng sẽ tăng dần. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, nhiều đơn vị thực hiện huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu.

Về hiệu quả, trong khi mảng môi giới hướng đến zero-fee, cho vay margin và tự doanh sẽ đóng vai trò đem lại doanh thu, lợi nhuận đáng kể cho CTCK. Vì vậy, việc đẩy mạnh tăng vốn để tăng cường vào hai mảng này là tất yếu.

Hoạt động tăng vốn ngành chứng khoán còn để chuẩn bị đón đầu khi thị trường nâng hạng. Tại Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” tổ chức tháng 7, ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, Chứng khoán SSI, nhận định: “Năng lực tài chính của CTCK cũng rất quan trọng. Sau khi được nâng hạng thì dòng vốn lớn sẽ đổ vào thị trường. Các CTCK đã và đang tăng vốn năm 2024 - 2025 chính là chuẩn bị cho việc hỗ trợ thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài.”

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản cấm CTCK huy động tiền từ khách hàng (tức khách hàng gửi tiền nhận lãi tại CTCK).

Do đó, nhiều CTCK sẽ cần tìm kiếm nguồn vốn huy động từ thị trường để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, tập trung tại mảng tự doanh và cho vay margin.

Đa số các CTCK đều được ĐHĐCĐ thông qua các phương án tăng vốn (nếu có) cho giai đoạn 2024 - 2025. Từ đầu năm đến giữa tháng 9, nhiều đơn vị đã thực hiện một phần hoặc cả phương án, kể đến ACBS lên 7.000 tỷ đồng, HSC (HCM) lên trên 7.550 tỷ đồng, TPS (ORS) lên 3.360 tỷ đồng, VNDirect (VND) lên 15.223 tỷ đồng...

Tuy nhiên, không phải hoạt động tăng vốn nào cũng diễn ra suôn sẻ. Một số trường hợp không chào bán đủ khối lượng dự tính, hoặc từ bỏ/hoãn phương án tăng vốn.

Đơn cử như Chứng khoán VIX, CTCK thực hiện chào bán gần 636 triệu cp cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 95% (cổ đông sở hữu 100 cp được mua 95 cp mới), giá chào bán là 10.000 đồng/cp. Kết quả, VIX đã phân phối hơn 556 triệu cp, chiếm 87,5% lượng chào bán, tương ứng tổng số tiền thu được gần 5.562 tỷ đồng. Toàn bộ số cổ phiếu đã phân phối không bị hạn chế chuyển nhượng.

VIX còn dư gần 80 triệu cp không chào bán hết đợt này. Hội đồng quản trị quyết định chào bán với giá không đổi là 10.000 đồng/cp. Thời hạn đăng ký và nộp tiền mua từ ngày 13-19/9. Khác biệt là số cổ phiếu còn dư sau khi phân phối sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu nằm trong kế hoạch tăng vốn của VIX được ĐHĐCĐ thông qua trước đó. Tổng cộng, số cổ phiếu dự kiến phát hành thêm gần 790 triệu cp, gồm cổ phiếu trả cổ tức năm 2023 (66,9 triệu cp), thưởng cổ phiếu (66,9 triệu cp), chào bán cho cổ đông hiện hữu (gần 636 triệu cp) và ESOP (20 triệu cp). Nếu hoàn tất cả 4 phương án, vốn điều lệ VIX dự kiến nâng lên 14.593 tỷ đồng.

 ĐHĐCĐ thường niên 2024 của VIX thông qua tăng vốn lên gần 14.600 tỷ đồng. (Ảnh: HL).

Trường hợp CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), hội đồng quản trị vừa thông qua việc thay đổi kế hoạch triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo đó, thay đổi bao gồm nhưng không giới hạn (1) việc rút hồ sơ đăng ký phát hành đã nộp cho UBCKNN; (2) việc trình ĐHĐCĐ phê duyệt các nội dung liên quan đến phát hành, trong đó có việc sửa đổi phương án phát hành và phê duyệt toàn văn phương án sau sửa đổi; (3) thực hiện các công việc, thủ tục khác liên quan đến việc thay đổi kế hoạch triển khai phương án phát hành. TCBS sẽ nộp lại hồ sơ đăng ký phát hành cho UBCKNN sau khi đã hoàn tất các công việc nêu trên.

Theo phương án được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua, TCBS muốn phát hành hơn 1,74 tỷ cổ phiếu thưởng trong năm nay, tương ứng tỷ lệ 800% số cổ phiếu đang lưu hành. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ gấp 9 lần hiện tại lên thành 19.600 tỷ đồng.

VNDirect kết thúc đợt chào bán 243,6 triệu cp cho cổ đông hiện hữu ngày 12/7. Công ty báo cáo phân phối được 234 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 96,1% tổng lượng chào bán.

Còn lại hơn 9,5 triệu cp “ế”, VNDirect tiếp tục phân phối cho 5 nhà đầu tư cá nhân với giá 10.000 đồng/cp. Lượng cổ phiếu này chỉ có thể chuyển nhượng từ 14/7/2025.

Hội đồng quản trị CTCP Chứng khoán An Bình (ABS - Mã: ABW) thông qua việc tạm dừng đợt phát hành chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu. Phương án đã được ĐHĐCĐ thông qua tại cuộc họp thường niên hồi tháng 4 và Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 12/6. Lý do tạm dừng là đảm bảo lợi ích của cổ đông, tăng tính thành công của đợt chào bán khi triển khai tại một thời điểm khác phù hợp hơn.

Theo phương án, ABS muốn chào bán hơn 10,1 triệu cp (tỷ lệ 10:1) với giá 10.000 đồng/cp. Tổng giá trị dự kiến chào bán hơn 101 tỷ đồng. Đối tượng là cổ đông hiện hữu. Việc chào dự kiến thực hiện trong quý III, quý IV.

Với Chứng khoán SBS, CTCK đã loại nội dung phát hành riêng lẻ khỏi tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 3. Cụ thể, tài liệu họp do SBS công bố ban đầu có tờ trình phương án phát hành riêng lẻ 30 triệu cp trong năm 2024, chậm nhất đến hết năm 2025. Dự kiến thu về số tiền 300 tỷ đồng sẽ sử dụng cho các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, bao gồm hoạt động môi giới, margin và tự doanh.

Ban đầu, SBS có kế hoạch huy động đến 500 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong năm 2023 đến năm 2025, được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 và ĐHĐCĐ bất thường 28/11/2022. Tuy nhiên, phương án đã không được thực hiện, do nhiều yếu tố khách quan, chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp.

 ĐHĐCĐ thường niên 2024 của TCSC thông qua hủy phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu. (Ảnh: X.N).

Ở quan sát khác, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của TCSC (TCI) vào tháng 6 đã thông qua chấm dứt thực hiện phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành ESOP để huy động khoảng 560 tỷ đồng phục vụ cho vay margin.

Theo Phó Chủ tịch HĐQT TCSC Nguyễn Đông Hải lý giải, CTCK có nghị quyết tăng vốn vào năm 2022. Đây là giai đoạn đỉnh điểm của thị trường (VN-Index quanh 1.500 điểm), nhưng sau đó dần đi xuống. Việc tăng vốn vào thời điểm này có thể khiến cổ đông mất thêm tiền và vốn, đồng thời không tốt cho công ty. Do đó, phía TCSC quyết định ngừng phương án và đợi thị trường thuận lợi hơn sẽ cân nhắc thực hiện lại.

Tương tự TCSC, Chứng khoán BETA từng có phương án phát hành 12 triệu cp (10 triệu cp cho cổ đông hiện hữu và 2 triệu cp riêng lẻ), dự kiến thực hiện trong năm 2022. BETA muốn huy động 120 tỷ đồng với mục đích bổ sung vốn kinh doanh, nhằm nâng cao năng lực cho vay giao dịch ký quỹ, năng lực đầu tư.

Tuy nhiên, ĐHĐCĐ thường niên 2023 đã thông qua việc hủy phương án phát hành này, với lý do diễn biến khó khăn của thị trường vĩ mô nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng nên chưa phù hợp để thực hiện.

Xuân Nghĩa