|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cà phê Việt có thể mất lợi thế so với Brazil trên thị trường Mỹ

16:39 | 10/04/2025
Chia sẻ
Các nhà xuất khẩu cà phê Brazil coi mức thuế đối ứng mới công bố của Tổng thống Donald Trump là cơ hội để tăng xuất khẩu cà phê robusta sang Mỹ khi các đối thủ khác, nhất là Việt Nam và Indonesia, bị áp mức thuế cao hơn, theo Reuters.

Theo biểu thuế đối ứng Chính quyền tổng thống Donald Trump mới công bố, hàng hóa của Brazil nhập khẩu vào Mỹ chỉ phải chịu thuế suất 10%, Indonesia, nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ 3 thế giới, chịu thuế suất 32%, trong khi Việt Nam, nước sản xuất lớn nhất cà phê robusta, phải chịu thuế suất lên đến 46%.

Hôm 7/4, Hội đồng Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) cho biết, cà phê Brazil sẽ có cơ hội lớn nếu ngành cà phê Mỹ không thể đưa mặt hàng này vào danh sách miễn thuế cũng như nếu Việt Nam không thể kéo giảm thuế đối ứng trong các cuộc đàm phán.

Cũng theo Cecafe, năm 2024, Mỹ là nước nhập khẩu cà phê lớn nhất của Brazil với 8,13 triệu bao (60kg), chiếm 16% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của Brazil. Trong khi đó, Mỹ nhập khẩu khoảng 2 triệu bao, chủ yếu là robusta, từ Việt Nam và Indonesia.

Cà phê arabica luôn chiếm tỷ trọng lớn hơn robusta trong tổng sản lượng cà phê hàng năm của Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán niên vụ 2025, sản lượng arabica của nước này giảm trong khi sản lượng robusta tăng đáng kể.

Theo ông Marcos Matos, Tổng giám đốc Cecafe, trong những thời kỳ đầy biến động, ví dụ như đại dịch Covid 19, cà phê là mặt hàng có xu hướng giao dịch tốt hơn các hàng hóa khác. Bên cạnh đó, ít nhất thì Brazil cũng chỉ chịu mức thuế thấp nhất đối ứng thấp nhất có thể và đang có vị thế thuận lợi trong việc duy trì thị phần tại Mỹ.

Ông Marcos Matos cũng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cứ mỗi USD giá trị cà phê nhập khẩu sẽ tạo ra 43 USD cho nền kinh tế Mỹ, cho biết thêm.

Về xuất khẩu cà phê của Việt Nam, theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê – Ca Cao Việt Nam (Vicofa), trong 15 ngày đầu tháng 3 năm nay, xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam đạt 82.262 tấn, trị giá 452,7 triệu USD, giảm 16,6% về khối lượng nhưng tăng 36,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, cà phê robusta chiếm 73.572 tấn, trị giá 396,7 triệu USD, giảm 20,6% về khối lượng nhưng tăng 31,6% về giá trị, xuất khẩu arabica đạt 5.661 tấn, trị giá 38,5 triệu USD, tăng 57,7% về khối lượng và tăng 88,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng kỳ, giá xuất khẩu cà phê vẫn duy trì ở mức tốt với robusta đạt 5.392 USD/tấn và arabica đạt 6.805 USD/tấn.

Vicofa dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, giá cà phê bình quân tháng 1-2/2025 đạt 5.574,5 USD/tấn, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 2, giá tăng lên 5.596 USD/tấn, cao nhất từ trước đến nay.

Đây là mức giá xuất khẩu cao nhất từng ghi nhận trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam. Theo Vicofa, nếu mức giá cao được duy trì được trong các quý tiếp theo, kim ngạch cà phê cả năm có thể đạt mốc kỷ lục 8 tỷ USD.

 

HT

Nhận định thị trường chứng khoán 14/4: Tiếp diễn xu hướng hồi phục
Theo dự báo của công ty chứng khoán, đà hồi phục ngắn hạn có thể tiếp diễn trong các phiên tới, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng trước thị trường đang có biên độ dao động rất lớn và giao dịch theo thông tin.