|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia gợi ý chiến lược lựa chọn cổ phiếu giai đoạn 6 tháng cuối 2024

07:00 | 02/07/2024
Chia sẻ
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam và bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đồng thuận thị trường có xu hướng tăng điểm trong 6 tháng cuối năm, và chiến lược nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao được khuyến nghị. Các nhóm ngành cần chú ý kể đến ngân hàng, chứng khoán, các nhóm neo theo hồi phục kinh tế hay tăng trưởng dài hạn…

Thị trường chứng khoán (TTCK) có những yếu tố thuận lợi và khó khăn nào trong 6 tháng cuối năm?

Ông Nguyễn Thế Minh: Về thuận lợi, mặt bằng lãi suất dự kiến vân duy trì thấp. Sự đồng thuận của chính sách tiền tệ sẽ rõ ràng hơn, theo hướng nới lỏng trở lại. Giai đoạn cuối năm bên nới lỏng có thể thắt chặt lại một chút do áp lực tỷ giá tăng thời gian vừa qua. Mặt bằng lãi suất sẽ tạo thuận lợi cho TTCK trong cuối năm.

Thứ hai là đà hồi phục của nền kinh tế. Như đã thấy trong quý I, bức tranh hồi phục vẫn còn chậm. Dự báo mức độ hồi phục nửa cuối năm sẽ khả quan hơn. Các yếu tố có thể hỗ trợ cho câu chuyện hồi phục thời gian tới kể đến như làn sóng FDI, xuất khẩu của nước ta cũng có thể khả quan hơn khi đà hồi phục các nền kinh tế như Mỹ, châu Âu…

Tổng quan, các yếu tố về tăng trưởng dự kiến sẽ khởi sắc hơn so với 6 tháng đầu năm. Tín dụng 6 tháng đầu năm cho thấy tăng trưởng khoảng 3,9%, dự kiến 6 tháng cuối sẽ tốt hơn, qua đó giúp tăng trưởng của các doanh nghiệp tốt hơn.

Tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp năm nay dự kiến ở mức hai con số, đến từ xu hướng hồi phục, cùng với mặt bằng thấp của 2023. Theo đó, tăng trưởng trong 6 tháng cuối dự kiến đạt mức tốt, song không quá cao.

Ngược lại, về khó khăn, áp lực tỷ giá vẫn còn trong ngắn hạn tháng 7 và 8, gây ra làn sóng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt trong tháng 8 hoặc sau tháng 8, khi Fed có những động thái nới lỏng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có hành động, dẫn đến thu hẹp tỷ giá USD và VND. Trường hợp rủi ro Fed không giảm lãi suất, thì áp lực này vẫn kéo dài đến cuối năm, làm chậm lại đà tăng của TTCK.

Về trong nước, xu hướng lãi suất sẽ tăng, mức độ tùy thuộc vào từng ngân hàng. Khi lãi suất huy động tăng sẽ làm kém đi một phần đối với TTCK, song không quá lớn.

Một tồn đọng từ 2022 là vấn đề nợ xấu. Rủi ro trái phiếu của các doanh nghiệp bất động vẫn còn là bài toán cần giải quyết, chưa nói trước được gì. Kỳ vọng những chính sách của Nhà nước sẽ giải quyết được vấn đề của thị trường bất động sản, từ đó giải tỏa nợ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.

Mặt khác, nâng hạng là yếu tố giúp TTCK có nhiều câu chuyện tăng trưởng tốt hơn trong cuối năm. Tuy nhiên, lưu ý đây cũng có thể là yếu tố tiêu cực nếu trường hợp nâng hạng không đạt như kỳ vọng sẽ ảnh hưởng tâm lý NĐT, khi thị trường đã kỳ vọng rất nhiều từ đầu năm từ đây. Khi đó, mức độ ảnh hưởng dự báo không quá lớn đến mức giảm điểm trong cả 6 tháng cuối năm.

Hệ thống công nghệ KRX, theo tôi đánh giá ở mức trung tính, có cũng không sao mà không có cũng không sao. Thứ nhất, NĐT đã biết đến câu chuyện này từ lâu. Hiện thị trường đang vận hành bởi hệ thống của FPT, vẫn trơn tru, thanh khoản mỗi ngày trên dưới 1 tỷ USD. Rõ ràng, việc thay đổi hay không cũng không ảnh hưởng đến tâm lý nhà thị trường. NĐT đang quan tâm hơn đến câu chuyện nâng hạng.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam. (Ảnh: NVCC).

Bà Nguyễn Thị Phương Lam: Trong bối cảnh nền kinh tế cho thấy sự cải thiện về sản xuất, tiêu dùng, VDSC cho rằng lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn duy trì được xu hướng tăng trưởng trong nửa cuối năm.

Ở chiều ngược lại, thách thức về dòng tiền đang và sẽ là yếu tố bất lợi cho ngắn và trung hạn. Cụ thể, mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế sẽ gặp một chút áp lực trong đoạn cuối chu kỳ thắt chặt tiền tệ trên thế giới khi mà Fed vẫn giữ lãi suất cao thêm một thời gian ngắn. Điều này đang gây áp lực trở lại cho tỷ giá và dư địa hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.

Nâng hạng thị trường, gồm theo FTSE và MSCI, vẫn là mục tiêu được cơ quan điều hành ưu tiên và theo đuổi thực hiện. Dù vậy, việc có được nâng hạng theo kỳ vọng (vào năm 2025) hay không sẽ tùy thuộc vào khả năng giải quyết các điểm nghẽn liên quan đến "khả năng tiếp cận thị trường" của NĐT ngoại một khi các nhóm vấn đề được giải quyết, việc TTCK Việt Nam được nâng hạng trong rổ FTSE là hoàn toàn khả thi.

Áp lực bán ròng của khối ngoại đang là vấn đề chung ở các thị trường mới nổi và cận biên trong đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó khi đang được các tổ chức phân hạng vào thị trường cận biên. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai các giải pháp giúp nâng hạng thị trường đang chậm cũng có thể là chất xúc tác khiến dòng vốn ngoại bớt hứng thú với TTCK Việt Nam.

NHNN vẫn phải đối diện với áp lực về tỷ giá trong nửa cuối năm 2024. Nguyên nhân là sức mạnh của đồng USD được dự báo sẽ duy trì. Dựa trên triển vọng này, dự đoán NHNN có thể phải tiếp tục tiêu hao dự trữ ngoại hối nếu muốn kiểm soát tỷ giá.

Hiện tại, lãi suất phát hành tín phiếu và cầm cố trên thị trường mở đều là 4,5%/năm, tương đương với lãi suất tái cấp vốn. Do đó, trong kịch bản không cầm cự được tiếp với dự trữ ngoại hối, VDSC cho rằng NHNN sẽ nâng lãi suất điều hành thêm 25 - 50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2024.

Ngoài áp lực tỷ giá thì sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm nay cũng là một điểm cần lưu ý. Mặc dù tăng chậm trong nửa đầu năm, tín dụng sẽ phục hồi mạnh dần về cuối năm. Điều này cộng hưởng với lượng tiền hút ròng qua kênh bán ngoại tệ có thể tạo áp lực thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và môi trường lãi suất trong nửa sau năm 2024.

Diễn biến VN-Index từ đầu năm đến phiên sáng 1/7. (Biểu đồ: TradingView).

Đâu sẽ là những cơ hội đầu tư đáng chú ý cho giai đoạn 6 tháng cuối năm?

Ông Nguyễn Thế Minh: Cổ phiếu có hai nhóm ngành gồm tài chính và phi tài chính. Ở nhóm tài chính, ngành ngân hàng vẫn đóng vai trò dẫn dắt cho cơn sóng vào 6 tháng cuối năm nay, khi định giá của một số ngân hàng đang về mức hấp dẫn, NIM dự kiến tích cực hơn 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng. Ngoài ra, việc sáp nhập ngân hàng yếu kém hay việc tăng vốn cũng giúp cho cổ phiếu ngân hàng có thể hưởng lợi.

Thứ hai là nhóm chứng khoán. Sau một thời gian điều chỉnh, định giá của nhóm chứng khoán đã hợp lý trở lại. Câu chuyện về thanh khoản thị trường và đà tăng của thị trường cũng tác động tích cực nhóm này thời gian tới.

Ở nhóm phi tài chính cần chú ý đến những lĩnh vực neo theo đà hồi phục của nền kinh tế. Trong đó nhóm thực phẩm, vận tải, bán lẻ, hóa chất… dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận khả quan cho cả quý II và 6 tháng cuối năm.

Ngoài ra là một số cổ phiếu của doanh nghiệp có tính chất tăng trưởng dài hạn kể đến như dịch vụ dầu khí, công nghệ.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam: Diễn biến nền kinh tế trong nửa đầu năm vẫn đang cho thấy sự phục hồi khá tốt của các hoạt động về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, và bán lẻ của Việt Nam. Dù vậy, sự phục hồi về kết quả kinh doanh không nhất định tương xứng với mức định giá hiện tại của cổ phiếu.

Ở các nhóm ngành này, quan điểm VDSC sẽ ưu tiên tích lũy cổ phiếu có nền phục hồi vững chắc về lợi nhuận và mức định giá còn hợp lý.

Ngoài ra, ngân hàng là nhóm ngành lớn mà NĐT có thể cũng đang rất quan tâm. Sau nhịp tăng mạnh trong quý đầu năm, nhóm ngành này đang có sự chững lại về thị giá. Giai đoạn tích lũy hiện tại của cổ phiếu ngành ngân hàng được đánh giá là hợp lý khi nợ xấu vẫn là rủi ro lớn cần theo dõi.

Tuy nhiên, khi xem xét tương quan với tỷ lệ P/B, chỉ tiêu này của ngành vẫn đang loanh quanh ở vùng tương đương giai đoạn tái cơ cấu trước (2013 - 2016), hay nói cách khác, định giá hiện tại đang phản ánh hợp lý với những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai của ngành. Do đó, nếu tin vào sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế trong năm 2025, ngân hàng vẫn là nhóm ngành có thể tích lũy cổ phiếu.

NĐT nên có chiến lược như thế nào trong những tháng cuối năm?

Ông Nguyễn Thế Minh. (Ảnh: NVCC).

Ông Nguyễn Thế Minh: Theo tôi, NĐT vẫn nên theo chiến lược nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, thời điểm cuối quý IV, NĐT cần thận trọng vì đây là lúc NĐT bớt hưng phấn trở lại, rà soát danh mục và quan sát bức tranh kinh tế sau một năm và qua 2025.

Tóm lại, xu hướng tăng của TTCK vẫn là chủ yếu và NĐT nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục. Rủi ro mà chưa thể đo lường được là liệu Fed có giảm lãi suất vào 6 tháng cuối năm hay không. Trường hợp tổ chức này cắt giảm lãi suất thì thị trường có một đợt tăng nữa từ sau tháng 9. Ngược lại, nếu Fed không giảm lãi suất sẽ là rủi ro của thị trường sau tháng 9.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam: Mặc dù lãi suất huy động trong nền kinh tế đang tăng trở lại, song xu hướng này là tất yếu xét trong bối cảnh lãi suất thấp trong nửa cuối 2023 đến đầu 2024 là sự bất thường và phản ánh sức khỏe yếu của nền kinh tế. Việc lãi suất tăng trở lại, trong mức chấp nhận được (100 - 150 điểm cơ bản cho cả năm 2024), kết hợp với xu hướng tín dụng tăng trưởng nhanh hơn trong nửa cuối năm, nếu nhìn nhận từ khía cạnh tích cực thì cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang cải thiện.

Đây là tín hiệu đáng lạc quan hơn là e ngại. Do vậy, VDSC cho rằng giai đoạn hiện tại vẫn là giai đoạn phù hợp để NĐT tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu tích sản dài hạn, hơn là tâm lý đầu cơ cho ngắn hạn. Trong giai đoạn thị trường đang “tranh tối - tranh sáng” về mặt thông tin, NĐT nên hạn chế việc sử dụng đòn bẩy quá mức để có thể chủ động sức mua khi có “những nhịp điều chỉnh hấp dẫn” diễn ra.

Xuân Nghĩa