|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: TTCK cần động lực mới để ‘ghi bàn’ trong tháng 7

08:32 | 01/07/2024
Chia sẻ
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank (MSVN), thị trường chứng khoán (TTCK) đóng cửa tháng 6 dưới 1.250 điểm thì khả năng đi lên lại trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn. Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC dự báo thị trường sẽ dần tạo đáy vào đầu tháng 7 và xuất hiện những nhóm ngành dẫn dắt mới.

Một cách ngắn gọn, ông đánh giá như thế nào về diễn biến TTCK tháng 6? Kịch bản nào khi thị trường bắt đầu bước qua nửa cuối năm?

Ông Phan Dũng Khánh: Thị trường đóng cửa tháng 6 - tháng quan trọng vì là đóng cửa tuần, tháng, quý và sơ kết 6 tháng đầu năm - dưới 1.250 điểm thì khả năng đi lên lại trong thời gian tới sẽ vất vả hơn.

Kịch bản nửa cuối năm theo hướng tích lũy nhiều hơn, mức độ tích cực vẫn có nhưng ko bằng 2023 và quý I/2024 do: thanh khoản vẫn yếu và nếu có tăng cũng khó nhanh được; khối ngoại duy trì bán ròng; các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, ngoại hối…thu hút dòng tiền.

Tuy vậy thị trường cũng sẽ ko đến mức tiêu cực nhờ: chính sách liên tục hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp; tỷ giá và giá vàng dần đi vào ổn định; tăng trưởng kinh tế dù không đến mức đột phá nhưng vẫn giữ nhịp đều đặn; các số liệu kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cải thiện.

Ông Bùi Văn Huy: TTCK tháng 6 chia làm hai nửa hoàn toàn trái ngược. VN-Index kết thúc tháng về sát 1.240 điểm tương đương với mức điều chỉnh 5% từ vùng đỉnh.

Thị trường đã “hụt hơi” trong nửa cuối tháng 6, theo đó cần có thêm những động lực và thông tin mới, một phần áp lực bán ròng từ khối ngoại là quá lớn. Về bối cảnh, nhìn chung không có gì quá áp lực ở cả trong và ngoài nước. Nhịp điều chỉnh trong tháng 6 được xem là rất bình thường.

Dự báo thị trường sẽ dần tạo đáy vào đầu tháng 7 và xuất hiện những nhóm ngành dẫn dắt mới. Vùng quanh 1.240 điểm có thể là vùng mua vào tiềm năng để khởi đầu cho sóng mới.

Những thông tin quan trọng trong và ngoài nước nào đáng chú ý trong tháng 7, thưa ông? Với mùa báo cáo tài chính quý II, đâu sẽ là những nhóm ngành mà nhà đầu tư cần quan tâm?

Ông Phan Dũng Khánh: Thông tin về kết quả kinh doanh quý II khá quan trọng vì sẽ bao gồm 6 tháng đầu năm để có bức tranh rõ nét hơn về hoạt động sản xuất kinh doanh và từ đó dự báo cho 6 tháng cuối năm tốt hơn. Do vậy xu hướng dòng tiền sẽ dần dịch chuyển vào các nhóm được dự báo tiềm năng cho phần còn lại của năm.

Tuy nhiên điều này cũng ko quá nổi bật do thị trường hiện quan tâm và kỳ vọng nhiều hơn ở các yếu tố khác, vd như nâng hạng thị trường, làn sóng AI, lạm phát, xu hướng nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, DXY… Do đó thị trường phải bao gồm thêm các yếu tố này tác động, nếu tốt thì thị trường mới có khả năng tích cực nhiều hơn.

Theo tôi, các nhóm ngành đáng chú ý gồm: công nghệ (đặc biệt về AI và bán dẫn), năng lượng (chủ yếu là năng lượng xanh, sạch), vận tải (chủ yếu đường hàng không), bất động sản, hàng tiêu dùng…

Ông Bùi Văn Huy: Thông tin ngoài nước vẫn là những diễn biến xoay quanh kỳ họp tháng 7 của Fed và những diễn biến liên quan; các động thái của các ngân hàng trung ương lớn như ECB, BOJ... Ngoài ra là những diễn biến mới quanh cuộc tranh cử ở Mỹ.

Trong nước, các thông tin vĩ mô quý II được công bố. Những thông tin mới nhận được về tăng trưởng, lạm phát… và các biến số vĩ mô khác, theo đánh giá là vừa đủ tích cực cho những kỳ vọng, nhưng không phải là quá lạc quan để phải lo ngại có sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ hay các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Quan điểm của tôi thích đầu tư trong một môi trường vĩ mô không quá xấu và chính sách tiền tệ lỏng vừa phải như hiện tại.

Với những khởi sắc vĩ mô, đặc biệt là về tăng trưởng, mùa kết quả kinh doanh quý II dự kiến tương đối tích cực. Động thái bán ròng của khối ngoại, theo tôi, không quá quan trọng vì khối ngoại chiếm dưới 20% khối lượng giao dịch. Tuy nhiên nếu khối ngoại giảm bán ròng, đó có thể xem là một diễn biến hỗ trợ cho thị trường.

Diễn biến tỷ trọng giao dịch nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh: Ông Bùi Văn Huy cung cấp).

Định giá hiện tại tương đối phân hóa. Bức tranh mùa kết quả kinh doanh quý II có những diễn biến tương tự với quý I theo hướng cung là tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng lợi nhuận theo sự phục hồi của nền kinh tế.

Các nhóm ngành nổi bật có thể kể đến là công nghệ thông tin, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng, du lịch và giải trí, bán lẻ, viễn thông, thực phẩm đồ uống… vì số liệu cho thấy đà phục hồi kinh tế vẫn tiếp tục diễn ra tích cực.

Trong khi đó đối với các doanh nghiệp bất động sản hay ngân hàng sẽ còn nhiều khó khăn khi mà hiện nay tình hình thị trường bất động sản vẫn còn khá ảm đạm và phải chờ những cú hích từ các chính sách mới.

Với ngành ngân hàng, kết quả kinh doanh quý II của nhóm này dự báo cũng sẽ có nhiều khó khăn, dưới sức ép của: tăng trưởng tín dụng chậm chạp giai đoạn nửa đầu năm 2024; biên lãi ròng từ hoạt động cho vay (NIM) bị thắt chặt khi lãi suất huy động tăng dần trong 2 - 3 tháng gần đây; chất lượng tài sản toàn ngành giảm, tỷ lệ nợ xấu tăng, bao phủ nợ xấu giảm; tín dụng lĩnh vực bất động sản đầu năm có cải thiện nhưng đến từ việc mua sản phẩm giá rẻ, dự kiến không ổn định, chờ cú hích từ luật Đất đai sửa đổi.

Đối với ngành thép tình hình sẽ dần khả quan hơn khi nhu cầu thép xây dựng đang trở lại. Một số khía cạnh có thể kỳ vọng như: Luật Đất đai sửa đổi được áp dụng từ tháng 8; áp dụng chống bán phá giá với thép Trung Quốc; và các thị trường tiêu thụ chính như Bắc Mỹ, châu Âu đồng loạt vào thời kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm.

Đối với nhóm bán lẻ, mặc dù nhu cầu tiêu thụ mảng ICT chưa có nhiều dấu hiệu hồi phục tuy nhiên các doanh nghiệp trong ngành như Thế Giới Di Động (MWG), FPT Retail (FRT) đều có những “vũ khí riêng” của mình như Bách Hóa Xanh hay Long Châu nên tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp này dự kiến vẫn khả quan trong quý II.

Đối với mảng phân bón, chính sách VAT mới sẽ giúp cho lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón như Đạm Cà Mau (DCM) có khả năng tăng 30 - 50%. Ngoài yếu tố kể trên, tôi cho rằng với việc giá urê bình quân năm 2024 sẽ cao hơn 6 - 8% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với nhóm xuất nhập khẩu và cụ thể là dệt may, triển vọng tăng trưởng trong năm nay là khá rõ ràng nhờ vào việc lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU đã suy giảm đáng kể cũng như là triển vọng về việc lạm phát tại các thị trường này đang hạ nhiệt sẽ thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng thời trang.

Đối với nhóm gỗ, đầu năm đến nay xuất khẩu gỗ đang tăng trưởng vượt kỳ vọng nhờ vào thị trường Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi.

Xuân Nghĩa