|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao chứng khoán lao dốc về vùng thấp nhất hơn một tháng?

17:56 | 24/06/2024
Chia sẻ
Theo một số chuyên gia phân tích, thị trường chứng khoán gặp áp lực bán mạnh trong phiên 24/6 đến nhiều yếu tố, bao gồm thông tin chưa chính thức về việc hệ thống KRX chưa thể sớm triển khai.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đỏ lửa trong phiên 24/6. VN-Index đánh rơi gần 28 điểm, về 1.254 điểm. Độ rộng thị trường ghi nhận 714 mã giảm (39 mã sàn), áp đảo so với 283 mã tăng và 149 mã tham chiếu.

Thanh khoản lên cao trong phiên đầu tuần. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1,4 tỷ đơn vị, tương đương giá trị khoảng 35.900 tỷ đồng. Áp lực bán xuất hiện ngay đầu phiên giao dịch khi đa số các nhóm ngành đều điều chỉnh, dẫn đầu là nhóm chứng khoán.

Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), TTCK giảm điểm phiên 24/6 đến từ nhiều yếu tố, bao gồm thông tin chưa chính thức về việc hệ thống KRX có khả năng sớm chưa được triển khai. Tuy vậy, thị trường khó thể sớm phục hồi trong ngắn hạn.

Quan điểm của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC, đợt điều chỉnh ngắn hạn cần thiết. Vùng hỗ trợ quan trọng là 1.240 - 1.250  điểm. Nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ cổ phiếu ở mức độ vừa phải, đặc biệt ở các ngành nghề có thể cần dài hạn và hưởng lợi trong giai đoạn đầu phục hồi của chu kỳ kinh tế.

Để làm rõ thêm những nhận định, người viết đã có cuộc trao đổi với hai nhà quan sát trên.

 VN-Index kết phiên 24/6 tại vùng thấp nhất kể từ 15/5. (Biểu đồ: TradingView).

Thưa ông, TTCK Việt Nam đã xuất hiện phiên giảm điểm sâu 24/6 cùng thanh khoản lên cao. Đâu là nguyên nhân của diễn biến này, thưa ông? Có thông tin cho rằng hệ thống KRX vẫn chưa thể vận hành như dự kiến, ông có nhận định gì về thông tin này?

Ông Trần Đức Anh: TTCK Việt Nam điều chỉnh mạnh trong phiên 24/5 xuất phát từ ba nguyên nhân chính. Đầu tiên, mặt bằng lãi suất huy động tăng trên diện rộng (dù chưa mạnh) dưới áp lực của tỷ giá khiến nhà đầu tư lo ngại động lực chính hỗ trợ xu hướng hồi phục của thị trường từ cuối 2022 đến nay đã suy yếu.

Thứ hai, động thái bán ròng dồn dập của khối ngoại từ đầu năm đến nay, với mức bán ròng đột biến trong hơn một tháng trở lại đây gây áp lực mạnh lên tâm lý nhà đầu tư, cũng như dòng tiền trên TTCK.

Lý do sau cùng đến từ những thông tin chưa chính thức về việc hệ thống KRX có khả năng sẽ chưa sớm được triển khai. Trong khi hai nguyên nhân đầu phản ánh những thực tại đang diễn ra trên thị trường và được đánh giá chưa sớm có chuyển biến tích cực, nguyên nhân thứ ba hiện chưa thể khẳng định mức độ chính xác do chưa được thông tin chính thức.

Ông Bùi Văn Huy: TTCK vẫn neo cao sau khi đã tăng mạnh trong thời gian dài hơn hai tháng. Thị trường hiện đi vào vùng trũng thông tin và việc điều chỉnh để lấy đà là việc rất bình thường, cần chờ đợi những thông tin mới và việc tích lũy trước khi mùa kết quả kinh doanh quý II cũng như các số liệu vĩ mô 6 tháng đầu năm được công bố là hoàn toàn hợp lý.

Khối ngoại tiếp tục bán róng mạnh và việc rút vốn là hoàn toàn bình thường với chênh lệch lãi suất lớn như hiện tại. Cuối cùng là tin đồn liên quan đến hệ thống KRX khiến nhóm chứng khoán rơi sâu.

Đối với thông tin KRX, hiện tại tôi chưa nhận được thông tin chính thức nào. Nhưng thông tin không chính thức thì KRX có thể tạm ngưng và giao cho một đơn vị trong nước. Nếu thông tin này là thật có thể còn tốt hơn do đây có thể là hướng mới để nâng cấp hệ thống giao dịch. Tóm lại theo hướng nào, tôi đều thấy sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và luôn có giải pháp để hoàn thiện sớm nhất các hạng mục.

Theo ông, VN-Index sẽ tiếp tục điều chỉnh hay chỉ là rung lắc nhất thời?

Ông Trần Đức Anh: Ngay cả khi thông tin về hệ thống KRX là không chính xác, tôi cho rằng các yếu tố nền tảng hỗ trợ đà tăng của thị trường đã suy yếu trước động thái bán ròng của khối ngoại và xu hướng tăng của mặt bằng lãi suất huy động.

Theo đó, đây khó có thể là rung lắc nhất thời và xu hướng tăng sẽ không ngay lập tức quay trở lại. Một kịch bản tích cực là thị trường sẽ biến động sideway (đi ngang) giằng co tích luỹ sau 1 - 2 phiên điều chỉnh mạnh để tìm điểm cân bằng, chờ đợi những chuyển biến mới ở câu chuyện áp lực tỷ giá, xu hướng lãi suất huy động hay động thái của khối ngoại.

Ông Bùi Văn Huy: Tôi cho rằng đây là đợt điều chỉnh ngắn hạn cần thiết. Vùng hỗ trợ quan trọng là 1.240 – 1.250  điểm. 2 - 3 tuần điều chỉnh kèm biên độ điều chỉnh như vậy là sự chuẩn bị phù hợp cho một sóng tăng mới.

Các thông tin về lợi nhuận doanh nghiệp trong mùa kết quả kinh doanh quý II hoặc thông tin vĩ mô liên quan đến đà phục hồi kinh tế sẽ hâm nóng thị trường.

Định giá của thị trường và các nhóm cổ phiếu đã có sự thay đổi như thế nào trong thời gian qua? Đâu là những ý tưởng đầu tư tiềm năng, thưa ông?

Ông Trần Đức Anh: Định giá thị trường thời điểm hiện tại không thực sự rẻ với mức P/E chỉ số VN-Index là 16,1 lần, cao hơn mức bình quân hai năm gần nhất ở 14,8 lần (theo dữ liệu Bloomberg). Điều này có thể lý giải là do mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm mạnh trong hai năm gần đây, giúp thị trường xứng đáng được định giá ở mức cao hơn.

Dù vậy, câu chuyện định giá sẽ cần xem xét kỹ lại trong bối cảnh lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại, một mức tăng nhiều hay ít sẽ quyết định đến mức định giá phù hợp của chỉ số trong tương lai. Trong kịch bản cơ sở, tôi cho rằng lãi suất huy động bình quân sẽ không tăng quá mạnh (trên dưới 1% từ đáy cuối tháng 3/2024), đưa lãi suất huy động quay về mức nền thấp giai đoạn COVID-19. Theo đó, cơ hội đầu tư trung dài hạn vẫn tương đối rõ nét.

Trong ngắn hạn, áp lực lên thị trường vẫn sẽ tiếp diễn như đã nhận định ở trên, nhà đầu tư chỉ nên tập trung vào các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tăng trưởng rõ nét trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II tới đây.

Ông Bùi Văn Huy: Phân tích của DSC cho rằng định giá hiện tại tương đối phân hóa. Bức tranh mùa kết quả kinh doanh quý II có những diễn biến tương tự với quý I theo hướng cùng là tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng lợi nhuận theo sự phục hồi của nền kinh tế.

Các nhóm ngành nổi bật có thể kể đến là công nghệ thông tin, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng, du lịch và giải trí, bán lẻ, viễn thông, thực phẩm đồ uống, dệt may, gỗ, phân bón… vì số liệu cho thấy đà phục hồi kinh tế vẫn tiếp tục diễn ra tích cực. Trong khi đó đối với các doanh nghiệp bất động sản hay ngân hàng sẽ còn nhiều khó khăn khi mà hiện nay tình hình thị trường bất động sản vẫn còn khá ảm đạm và phải chờ những cú hích từ các chính sách mới.

Với bối cảnh hiện tại, ông có lời khuyên nào gửi gắm đến các nhà đầu tư?

Ông Trần Đức Anh: Dù duy trì đánh giá tích cực với triển vọng thị trường trong trung dài hạn với nhận định mặt bằng lãi suất huy động vẫn sẽ duy trì ở mức thấp sau nhịp tăng hiện tại, và động lực đến từ tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết trong hoạt động kinh doanh cốt lõi, tôi cho rằng biến động thị trường trong ngắn hạn là tương đối rủi ro do câu chuyện tỷ giá, lãi suất và khối ngoại bán ròng gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư.

Theo đó, nhà đầu tư chỉ nên duy trì tỷ trọng ở mức an toàn, hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy tài chính (margin), chờ đợi điểm mua hợp lý ở nhóm cổ phiếu tăng trưởng cơ bản tốt.

Ông Bùi Văn Huy: Về chiến lược chung, có thể nói những phiên giảm điểm chưa làm thay đổi xu hướng trung và dài hạn. Do đó, nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ cổ phiếu ở mức độ vừa phải, đặc biệt ở các ngành nghề có thể cần dài hạn và hưởng lợi trong giai đoạn đầu phục hồi của chu kỳ kinh tế.

Cám ơn chuyên gia trả lời phỏng vấn!

Xuân Nghĩa