Công ty chứng khoán nhỏ tìm ngách
Khi quy mô thị trường liên tục mở rộng, nếu nhìn qua, không ít nhà đầu tư tưởng rằng các đơn vị đều được "chia phần" khi miếng bánh lớn dần lên. Minh chứng bằng việc giá trị giao dịch cổ phiểu đạt trên ngưỡng tỷ USD mỗi phiên và hàng trăm nghìn tài khoản mở mới hàng tháng. Nhưng cuộc chiến ngành chứng khoán bắt đầu khốc liệt hơn khi những đối thủ từ Hàn Quốc áp dụng chiến lược miễn phí giao dịch trên diện rộng.
Khi đó, nhiều ông chủ công ty chứng khoán phớt lờ câu chuyện miễn phí giao dịch bởi khác với dịch vụ ngân hàng, hoạt động đầu tư chứng khoán có giá trị gia tăng từ những khuyến nghị, tư vấn đầu tư từ nhân viên môi giới. Song, xu hướng áp dụng công nghệ, dữ liệu lớn và quyết định đầu tư chủ động khiến nhân tố con người không còn là lợi thế cạnh tranh.
Kết quả là, những cái tên mới nổi như VPS, TCBS hay nhóm công ty ngoại như Mirae Asset, KIS Việt Nam, KB Việt Nam đã chiếm được thị phần. TCBS, VPS liên tục vượt qua nhiều tên tuổi có nhiều năm kinh nghiệm bán lẻ, tức phục vụ nhà đầu tư cá nhân như SSI, HSC, VNDirect, ACBS. Để làm được điều này, không thể không nhắc đến chiến lược miễn phí giao dịch vừa kể trên.
Có người được, sẽ có người mất. Việc thị trường có các tên tuổi mới nổi lên, nhiều ông lớn mất dần đi vị thế. Thị phần của nhiều công ty giảm sâu như SSI, HSC, MBS, Vietcap, VNDirect. Vietcap là trường hợp điển hình. Họ từng nằm trong Top5 công ty có thị phần môi giới lớn nhất rớt xuống gần cuối bảng xếp hạng 10 công ty dẫn đầu trong năm 2023.
Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức đầu tháng 4 năm nay, ông Tô Hải, CEO Vietcap thừa nhận công ty đã sai lầm về chiến lược khi không nhận ra xu hướng tăng trưởng của nhà đầu tư cá nhân trong nước, bộ phận chiếm khoảng 90% thanh khoản hiện tại của thị trường. Từ chỗ chỉ là bộ phận thiểu số, phục vụ nhà đầu tư cá nhân trong nước không chỉ còn là “kiếm tiền lẻ” mà trở thành miếng bánh ngon được đặc biệt quan tâm.
Để giành lại phần chiếc bánh đã mất, chiến lược miễn phí được sử dụng triệt để trên diện rộng. Các công ty chạy đua tung ra các chương trình. Để “lấy lòng” thượng đế, các gói khuyến mại không chỉ dừng lại ở miễn phí giao dịch mà khách hàng mới còn được giảm lãi vay margin, thậm chí tặng tiền mặt trực tiếp vào tài khoản.
Từ cuối năm 2023 đầu 2024, lượng lớn công ty đã tung ra các chương trình như vậy. Hệ quả, biên lợi nhuận trong hoạt động môi giới của các công ty ngày càng thu hẹp. Khốc liệt hơn, những ông chủ doanh nghiệp chấp nhận hy sinh lợi nhuận, chịu lỗ trong mảng môi giới.
Song, chiến lược cạnh tranh cũng có sự phân hóa giữa các tổ chức bởi rào cản về vốn. Theo VIS Rating, những đơn vị có tổng tài sản dưới 7.000 tỷ đồng hiện được xếp vào nhóm quy mô nhỏ. Số đông tổ chức trong ngành nằm trong nhóm này, trong đó có cả những công ty con của các ngân hàng lớn.
Nhóm ngân hàng quốc doanh, tập đoàn không thể tham gia tăng vốn cho các công ty chứng khoán con đẩy những “cá mập” trong giai đoạn thị trường sơ khai nguy cơ trở thành những “bé hạt tiêu” trong ngành như Agriseco, VietinBank Securities, Chứng khoán Bảo Việt, Chứng khoán Dầu khí, Chứng khoán Đông Á…
Một chủ tịch công ty chứng khoán trong nhóm trên từng chia sẻ với người viết, do giới hạn nguồn lực nên các đơn vị chỉ có thể tìm những ngách đi riêng thay vì đương đầu cạnh tranh với những gã khổng lồ. Lợi thế từ hệ sinh thái ngân hàng mẹ giúp mang lại một nguồn khách hàng cho các công ty chứng khoán. Hoạt động bán chéo sản phẩm dịch vụ giúp các công ty chứng khoán con có được một lượng khách hàng.
Song song khách hàng cá nhân, các công ty chứng khoán còn khai thác tập khách hàng doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ từ các ngân hàng. Cụ thể, các đơn vị tham gia vào hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp, tái cấu trúc, bảo lãnh phát hành, chào bán cổ phần hoặc thoái vốn nhà nước.
Tuy vậy, thị trường trái phiếu ảm đạm sau những cú sốc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Novaland… cùng với hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa nhà nước gần như tê liệt kể từ khi đại dịch COVID-19 nổ ra khiến mảng tư vấn tài chính trở nên khó khăn hơn.
Trong xu hướng công nghệ được áp dụng rộng rãi, những fintech cũng gia nhập ngành. Đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo hay nền tảng đầu tư Finhay, Tititada đã “sắm” công ty chứng khoán. Nhóm này chủ yếu đang bán chéo sản phẩm trên tập khách hàng sẵn có khi quy mô vốn còn khá khiêm tốn, nếu không muốn nói đang bị xếp hạng ở quy mô “siêu nhỏ”.
Tuy nhà đầu tư cá nhân đang hoạt động rất sôi nổi, nhưng phải nói rằng, không ít tổ chức vẫn kiên định với chiến lược của họ. Khi bán lẻ không phải là thế mạnh, nhiều ông chủ vẫn theo đuổi nghiệp vụ truyền thống là tự doanh. Ở đây, tự doanh không chỉ gồm cổ phiếu mà còn bao gồm trái phiếu, phái sinh, chứng quyền, chứng chỉ tiền gửi.
Tất nhiên rằng, quy mô tự doanh còn phụ thuộc vào tiềm lực vốn. Những công ty chứng khoán đang đẩy mạnh tự doanh với quy mô lớn như VIX, SHS, Thiên Việt… Số khác đầu tư với quy mô nhỏ như Chứng khoán Bảo Minh, Chứng khoán Hòa Bình, Chứng khoán Hải Phòng.
Những ngách trên được bàn tới với nhóm tổ chức có năng lực tài chính, không tính đến chuyện mạnh yếu, quy mô lớn nhỏ. Nhưng sau giai đoạn nhộn nhịp mua bán đổi chủ, ngành chứng khoán vẫn tồn tại một bộ phận chỉ còn là những “cái vỏ” đúng nghĩa. Ở nhóm này, giới chủ của họ đang tìm kiếm những cổ đông chiến lược, hay nói đúng hơn là những khách hàng mua vốn. Hậu đổi chủ, khi khoác lên mình một tấm áo mới với tên gọi khác và vốn điều lệ tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng, sức cạnh tranh sẽ được tăng lên gấp bội.
Khi không còn lựa chọn nào khác, đổi chủ là ngách duy nhất để các công ty chứng khoán siêu nhỏ có thể tìm cho mình lối thoát sau thời gian dài chìm đắm.
(Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 6/2024)