|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cơ hội và thách thức khi chứng khoán Việt Nam được nâng hạng

19:40 | 02/07/2024
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán được nâng hạng đạt được nhiều lợi ích nên thách thức lớn nhất là đảm bảo thị trường tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, duy trì xếp hạng và tránh bị hạ cấp xếp hạng.

Thách thức lớn nhất khi được nâng hạng là đảm bảo duy trì được xếp hạng, tránh bị hạ cấp

Trong hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” diễn ra chiều ngày 2/7,  ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chỉ ra những cơ hội khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng. 

Bao gồm, khẳng định vị thế và nâng cao hình ảnh không chỉ của riêng thị trường chứng khoán Việt Nam mà còn của cả nền kinh tế đối với cộng đồng quốc tế; Gia tăng số lượng và chất lượng nhà đầu tư với sự tham gia của các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư quốc tế lớn với mục tiêu đầu tư dài hạn.

Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp doanh nghiêp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với môi trường kinh doanh quốc tế; Hỗ trợ hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Thúc đẩy phát triển thị trường vốn cổ phần – M&A và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Trong hội thảo, ông Vũ Chí Dũng cho biết theo báo cáo đánh giá tháng 12/2020 của Ngân hàng Thế giới, việc Việt Nam được nâng hạng có thể thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD trong một năm. Dòng vốn này chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Theo Morgan Stanley, dự kiến tỷ trọng dòng vốn vào Việt Nam sẽ tăng 0,3% trên tổng quy mô của thị trường mới nổi (bao gồm vốn chủ động và thụ động), riêng nguồn vốn thụ động đạt khoảng 6 tỷ USD, nguồn vốn chủ động sẽ đi theo nguồn vốn thụ động tham gia vào thị trường Việt Nam.

Ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ trong hội thảo. (Nguồn: Báo Lao Động).

Về thách thức khi thị trường được nâng hạng, ông Vũ Chí Dũng cho biết thị trường được nâng hạng đạt được nhiều lợi ích nên thách thức lớn nhất là đảm bảo thị trường tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, duy trì xếp hạng và tránh bị hạ cấp xếp hạng.

Ví dụ, một thị trường bị hạ cấp do không còn đáp ứng yêu cầu duy trì trạng thái hiện tại như Argentina, thị trường này bị MSCI cân nhắc hạ từ nhóm 3 xuống nhóm 4 vào kỳ đánh giá tháng 6/2022 do các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rằng không thể tiếp cận thị trường chứng khoán trong nước kể từ khi Chính phủ nước này áp đặt việc kiểm soát vốn nghiêm ngặt vào tháng 9/2019.

Hoặc không đáp ứng được sự thay đổi tiêu chí của các tổ chức xếp hạng như Peru, nước này đã bị FTSE hạ cấp từ nhóm 2 sang nhóm 3 do không còn có thể đáp ứng các tiêu chí về vốn hóa thị trường tối thiểu và số lượng chứng khoán mới vào tháng 9/2020. Hay gần đây nhất là Pakistan, theo báo cáo đánh giá vào tháng 6 vừa qua, thị trường này đang được theo dõi, xem xét hạ từ nhóm thị trường mới nổi xuống nhóm thị trường cận biên.

Thách thức tiếp theo là dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường có thể gây tác động đến mức độ biến động của thị trường do tác động đến tâm lý thị trường. Khi dòng vốn vào hoặc rút ra có biến động mạnh, gây ra hiệu ứng tâm lý hoặc dây chuyền đến các nhà đầu tư, cũng như gây áp lực cho thị trường ngoại hối do gia tăng nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ. 

“Để một thị trường chứng khoán phát triển bền vững phải là một thị trường thực sự khoẻ mạnh, minh bạch và đảm bảo công bằng cho tất cả nhà đầu tư trên thị trường. Với vai trò là cơ quan quản lý trực tiếp và giám sát trên thị trường, về phía UBCKNN đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ để đưa ra những giải pháp phù hợp, đáp ứng được các tiêu chuẩn của các tổ chức xếp hạng thị trường, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường, đặc biệt hướng tới nâng hạng dựa trên các tiêu chí của FTSE Russell", ông Vũ Chí Dũng chia sẻ.

Bổ sung thêm về mặt cơ hội, ông Đinh Minh Trí – Trưởng phòng Phân tích Khối khách hàng cá nhân Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết theo thống kê của công ty, thị trường thường có mức tăng khá mạnh mẽ trong vòng 6 tháng đến một năm trước khi được nâng hạng chính thức. Ví dụ gần đây nhất là Rumani, Arab Saudi và Qatar đều là những thị trường có bước tăng trưởng tốt.

Bên cạnh đó, quy mô vốn hoá và giá trị giao dịch cũng sẽ có sự tăng trưởng mạnh sau thời điểm nâng hạng. Theo đó, giá trị giao dịch có thể tăng gấp 2, 3 lần sau khoảng 2, 3 năm tham gia thị trường chứng khoán chính thức.

Việt Nam được nâng hạng có thể thu hút khoảng 25 – 30 tỷ USD vốn đầu tư mới cho đến năm 2030

Cũng trong hội thảo, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu của Chứng khoán MB (MBS) cho biết  theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nếu Việt Nam được nâng hạng có thể thu hút khoảng 25 – 30 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế (bao gồm cả đầu tư thụ động và chủ động) cho đến năm 2030, dòng vốn mới này kỳ vọng sẽ cải thiện quy mô thanh khoản của thị trường Việt Nam.

Thống kê trong giai đoạn 2010 – 2020, hầu hết các thị trường đều tăng điểm mạnh mẽ trong vòng một năm sau khi được công bố nâng hạng từ nhóm thị trường cận biên sang mới nổi. Ví dụ, được nâng hạng vào tháng 6/2013, thị trường UAE và Qatar tăng lần lượt 39% và 51% sau một năm, tương tự Pakistan tăng 39% (tháng 6/2016), Saudi Arabia tăng 14% (tháng 6/2018). Ngoại trừ Kuwait giảm 7,6% (tháng 12/2019) chủ yếu do trùng với thời điểm dịch bệnh COVID-19.

Thị trường Kuwait được chấp thuận nâng hạng vào tháng 12/2019 và có hiệu lực từ tháng 12/2020. Thời điểm thị trường này được nâng hạng bị chi phối bởi những yếu tố bất ngờ trong ngắn hạn, tuy nhiên về dài hạn các yếu tố tích cực vẫn còn nguyên vẹn. Thị trường chứng khoán Kuwait đã tăng 39% sau ba năm được công bố nâng hạng. Định giá thị trường P/E cũng thay đổi từ 12,5x trước khi được công bố nâng hạng (2015 – 2019) lên 15,7x (tăng 26%) sau khi được công bố nâng hạng (2020 – nay).

Nhìn ở góc độ doanh nghiệp, dòng vốn mới từ các nhà đầu tư quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện định giá, tăng tính đầu tư bền vững và nâng cao năng lực quản trị. 

Về thách thức của doanh nghiệp sau khi nâng hạng, bà Trần Thị Khánh Hiền cho biết quy mô vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam còn bé, do đó số lượng cổ phiếu đáp ứng đủ các tiêu chí MSCI EM Index không nhiều. Minh chứng là trong rổ phân loại thị trường cận biên hiện tại của MSCI, tỷ trọng Việt Nam chiếm lớn nhất với mức 26%, tuy nhiên Việt Nam chỉ đóng góp hai cổ phiếu trong Top 10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số này.

Một thách thức khác là độ mở của thị trường càng lớn, biến động của các yếu tố bên ngoài sẽ gia tăng tác động lên thị trường Việt Nam nói chung và các cổ phiếu niêm yết nói riêng. Bên cạnh đó, gia tăng sự cạnh tranh với các cơ hội đầu tư tại các thị trường khác.  

Diệu Nhi

DATA TALK: 'Đầu tư vào vàng, chứng khoán hay bất động sản nửa cuối năm?' sẽ diễn ra vào 15h ngày 5/7
Cập nhật các chuyển biến vĩ mô, các chuyên gia sẽ cùng phân tích và đưa ra dự dự báo về triển vọng các kênh đầu tư nửa cuối 2024 gồm thị trường chứng khoán, bất động sản và vàng, kèm các khuyến nghị phân bổ nguồn vốn vào các lớp tài sản như thế nào để đảm bảo an toàn và hiệu quả tối ưu.