KOLs sắp hết thời vì thần tượng ảo
Tại Trung Quốc, xu hướng sử dụng các "thần tượng ảo" đang nổi lên như những chiến dịch tiếp thị mới nhắm vào Gen Z. Hầu hết các ngành hàng thời trang và đồ xa xỉ đã bắt đầu sử dụng những KOLs ảo ( KOLs - những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), theo SCMP.
Tháng 4, do một số vấn đề liên quan đến khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, chỉ trong vòng một tuần, có ít nhất 44 người nổi tiếng và vô số KOLs trên mạng xã hội đã chấm dứt mọi hình thức hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng bao gồm Adidas, Nike, Converse và những thương hiệu khác.
Trước đó, vào năm 2018 và 2019, tại Trung Quốc, Hồng Kông và Macao cũng diễn ra những sự việc tương tự khi hàng loạt người mẫu và người nổi tiếng hủy hợp đồng với các thương hiệu như Dolce & Gabbana, Versace, Givenchy và Coach sau những vụ lùm xùm của các thương hiệu này.
Sau những rắc rối trên, các chuyên gia cho rằng những KOLs ảo có thể là giải pháp thay thế đơn giản cho các thương hiệu. Ling, một KOLs ảo được tạo ra nhờ công nghệ CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) vào tháng 5/2020 bởi công ty Xmov là một ví dụ điển hình.
Ling có sự kết hợp giữa vẻ đẹp truyền thống của Trung Quốc với phong cách thời trang đường phố đương đại, qua đó thu hút sự chú ý của rất nhiều bạn trẻ. Cho đến nay, cô đã làm việc với các thương hiệu nổi tiếng như Tesla, Vogue và chuỗi cửa hàng trà Nayuki. Thậm chí, Ling còn sở hữu hơn 90.000 lượt theo dõi trên Weibo, mạng xã hội của Trung Quốc.
Arnold Ma, Giám đốc điều hành của Qumin, Cơ quan kỹ thuật số Trung Quốc cho biết sử dụng KOLs ảo đang là xu hướng mới nổi của các thương hiệu ở nước này.
"Ling, Luo Tianyi, Colonel Sanders, Aimee, PokaPoka và Mr Ou đều nổi tiếng với Gen Z tại Trung Quốc. Mặc dù việc sử dụng KOLs ảo tại Trung Quốc vẫn chưa đạt đến đỉnh cao, nhưng các doanh nghiệp có thể suy nghĩ thêm bởi tiềm năng của ngành này là rất lớn", ông chia sẻ.
Tuy nhiên, sự thay đổi từ con người sang KOLs ảo cũng để lại một số hoài nghi, đặc biệt là khi đề cập đến kết quả kinh doanh cụ thể. Elisa Harca, nhà đồng sáng lập công ty tư vấn bán lẻ Red Ant Asia cho biết vẫn còn quá sớm để xác định chính xác sự bùng nổ của việc sử dụng KOLs phù hợp.
"Có rất nhiều lời bình luận về KOLs ảo ở phương Tây và Trung Quốc trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, kể từ đó đã có những sự thay đổi, những buổi livestream đã hướng nhiều hơn về KOLs, KOCs (những khách hàng chính), nhờ đó ai cũng có thể trở thành tiếng nói cho thương hiệu", bà Elisa Harca chia sẻ.
Trên Bilibili, một nền tảng được yêu thích của Gen Z Trung Quốc, những KOLs cấp cao nhất trung bình có hơn 10 triệu lượt theo dõi. Con số tương tự với những KOLs ảo là khoảng 2 triệu lượt theo dõi. Hơn nữa, với việc các nền tảng số đang trở thành phương thức tương tác xã hội chính ở thời điểm hiện tại, tiếng nói của con người vẫn nhận được sự ủng hộ cao hơn.
"Ở Trung Quốc, những người có ảnh hưởng và KOLs sở hữu quyền lực lớn, vì họ vẫn là một cách hiệu quả để tiếp cận cộng đồng. Do đó, họ vẫn là nguồn tiếp thị hiệu quả nhất cho các thương hiệu trong hệ sinh thái kỹ thuật số", bà Elisa Harca nói thêm.
Theo SCMP, thay vì chỉ sử dụng KOLs ảo hoặc cắt bỏ hoàn toàn các cách tiếp thị thông qua KOLs, các thương hiệu nên thực hiện các hàng động để cải thiện mô hình tiếp thị của doanh nghiệp.