Kinh tế thế giới vù vù lao xuống bằng thang máy, vật vã leo lên bằng thang bộ
Đầu năm 2020, đa phần các chuyên gia đều dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung được kì vọng sẽ củng cố niềm tin doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Trong thực tế, đại dịch COVID-19 xuất hiện bất thình lình đã đẩy toàn thế giới vào cuộc "Đại Phong tỏa". Chính phủ các nước phải nhanh chóng tung ra những gói kích thích tài khóa và tiền tệ trị giá hàng chục nghìn tỉ USD chưa từng thấy trong lịch sử để ngăn các thị trường tài chính sụp đổ và hỗ trợ cho người dân cho tới khi dịch bệnh qua đi.
Ngay cả với nỗ lực giải cứu khổng lồ này, nền kinh tế thế giới vẫn rơi vào cuộc khủng hoảng đáng sợ nhất kể từ thập niên 1930. Một số thước đo về sản xuất và bán lẻ tại các nền kinh tế lớn gần đây đã cho thấy dấu hiệu chuyển biến.
Tuy nhiên hi vọng về một cuộc hồi phục nhanh chóng theo hình chữ V đã tan thành mây khói khi quá trình tái mở cửa còn gặp nhiều trắc trở và nhiều việc làm tưởng chỉ ra đi tạm thời hóa ra lại biến mất vĩnh viễn.
Ông Thomas Barkin - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Richmond đã so sánh quĩ đạo của nền kinh tế thế giới mấy tháng qua là "lao xuống bằng thang máy nhưng leo lên từng bước bằng thang bộ".
Bloomberg dẫn lời bà Carmen Reinhart – Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) nói: "Hồi phục hoàn toàn nghĩa là nền kinh tế phải quay trở về trạng thái trước khi khủng hoảng bắt đầu và tôi nghĩ còn lâu chúng ta mới lấy lại được mốc này".
Thời kì bất định
Diễn biến kinh tế phụ thuộc nhiều vào mức độ lây lan của dịch bệnh và hiện nay vẫn chưa có vắc xin hiệu quả nào phòng ngừa được COVID-19.
Hiện nay đại dịch này đã khiến cho ít nhất 11 triệu người nhiễm và hơn 530.000 người tử vong nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo kịch bản tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước chứ chưa qua đi.
Ngay cả ở những quốc gia mà tình hình dịch bệnh có vẻ được kiểm soát, các ổ dịch mới vẫn thường xuyên xuất hiện.
Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo khoảng 170 quốc gia – tương đương 90% toàn thế giới – sẽ chứng kiến thu nhập bình quân đầu người suy giảm trong năm nay. Ngân hàng HSBC thì dự báo GDP toàn cầu năm 2021 vẫn sẽ thấp hơn năm 2019.
Các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương luôn sẵn sàng hành động. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận định triển vọng kinh tế Mỹ "cực kì bất định", còn Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde thì nói đến một sự hồi phục hạn chế khiến cho một bộ phận của nền kinh tế vĩnh viễn thay đổi.
Tin tức buồn vui lẫn lộn
Thế giới đang nhìn về châu Á – nơi đã kiểm soát được đại dịch – để học hỏi kinh nghiệm hồi phục kinh tế. Tuy nhiên quá trình phục hồi ở đây diễn ra không đồng nhất.
Chẳng hạn Hàn Quốc đã san phẳng đường cong đại dịch từ vài tháng trước nhưng một số ổ dịch mới xuất hiện đang khiến cho người tiêu dùng phải e dè.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc và một số quốc gia khác của khu vực cải thiện trong tháng 6, tuy nhiên số đơn hàng mới vẫn không mấy khả quan.
Ông Joerg Wuttke – Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho rằng triển vọng u ám nói trên đồng nghĩa với việc doanh nghiệp vẫn đang phải mò mẫm trong đêm tối. Ông dự đoán những bất định trong môi trường kinh doanh sẽ còn kéo dài vài năm nữa.
Hình răng cưa với nhiều đau đớn
Ông Joerg Wuttke nói thêm: "Quá trình hồi phục của nền kinh tế sẽ không diễn ra theo hình chữ V hay W mà sẽ là theo hình răng cưa. Lên, xuống, lên, xuống ... và đầy rẫy những đau đớn".
Các nền kinh tế mới nổi sẽ không còn là động lực tăng trưởng như trước đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán GDP của nhóm nước này năm 2020 sẽ giảm 2,5% - mức tồi tệ nhất kể từ khi có số liệu so sánh năm 1960. Khu vực Mỹ Latin giờ đây chính là khu vực đang chịu thiệt hại nặng nề nhất vì đại dịch.
Phải đến khi nào virus được kiểm soát hoàn toàn thì nền kinh tế mới có thể trở về trạng thái trước dịch, đặc biệt là với các ngành như du lịch, vận tải và giải trí.
Thiệt hại đối với thị trường lao động hóa ra lại nghiêm trọng hơn ước tính ban đầu và sẽ không thể khắc phục được trong nửa sau 2020 dù là với kịch bản lạc quan nhất. Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) mới đây ước tính số giờ làm việc của lao động trong quí II giảm khoảng 14% so với trước dịch, tức là thế giới mất đi khoảng 400 triệu việc làm toàn thời gian.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 4,8 triệu việc làm trong tháng 6 nhưng đến nay Mỹ mới chỉ lấy lại 30% số việc làm mất đi trong đại dịch. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp vẫn cao trên mốc 1 triệu trong tuần thứ 15 liên tiếp.
Nỗi lo nợ nần
Bloomberg dẫn lời ông Joachim Fels – Cố vấn kinh tế toàn cầu tại công ty quản lí quĩ Pacific Investment Management nhận xét: "Nhiều khả năng hoạt động kinh tế sẽ hồi phục trong ngắn hạn nhờ sự nới lỏng các biện pháp phong tỏa, nhưng chúng tôi cho là quá trình quay về trạng thái trước dịch sẽ kéo dài và đầy khó khăn".
Nợ nần cũng là một mối lo ngại. Các nước hiện nay đã cam kết gói hỗ trợ tài khóa tổng trị giá 11.000 tỉ USD. Vay mượn quá nhiều sẽ khiến chính phủ gặp khó tìm nguồn tiền để đưa ra các gói kích thích kinh tế mới.
Các quốc gia đang đau đầu nghĩ cách làm thế nào để kéo dài hay chấm dứt các biện pháp đảm bảo tiền lương và duy trì doanh nghiệp tốn kém trong ngắn hạn, đồng thời chuẩn bị cho các gói kích thích dài hơi hơn.
Một tác dụng phụ của việc chính phủ đi vay để chống lưng cho doanh nghiệp là nhiều công ty chỉ còn là cái xác sống (zombie) cũng sẽ tồn tại được.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất xuống đáy lịch sử, một số còn dùng đến lãi suất âm. Nhiều loại tài sản được mua vào để bơm tiền ra thị trường, các nhà hoạch định chính sách thì tiếp tục tìm kiếm những cách điều hành mới.
Morgan Stanley dự đoán đến cuối năm 2021, tổng giá trị bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương Mỹ, khu vực euro, Nhật Bản và Anh sẽ tăng tổng cộng 13.000 tỉ USD.
Tuy nhiên ông Kazuo Momma – cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận hành động của các ngân hàng trung ương có đủ để vượt qua khủng hoảng hay không.
"Cuộc khủng hoảng này còn lâu mới kết thúc", ông Kazuo Momma nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/