|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng triệu việc làm tưởng chỉ biến mất tạm thời nhưng lại ra đi vĩnh viễn

06:59 | 16/06/2020
Chia sẻ
Nhiều người từng hi vọng rằng khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và các biện pháp kích thích được triển khai, việc làm sẽ tự động quay trở lại. Thực tế là hàng triệu lao động sẽ không dễ gì tìm lại được công việc như trước khi đại dịch ập đến.

Chàng thanh niên 20 tuổi William Lovely từng làm công việc giao đồ ăn cho chuỗi nhà hàng Jason's Deli ở thành phố Virginia Beach, Mỹ. Vì COVID-19, giờ đây anh đang khổ sở tìm cách trang trải cho cuộc sống của mình.

Khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng vào tháng 3, anh Lovely bị cho nghỉ việc. Từ chỗ có thu nhập ổn định, giờ đây anh Lovely đang phải làm các công việc tạm thời cho UberEats hay Instacart. Thi thoảng có ngày anh kiếm được 100 USD nhưng thông thường anh phải ra về tay trắng.

Các nhà hàng đang dần mở cửa trở lại nhưng anh Lovely cho rằng may mắn lắm thì anh sẽ có một công việc part-time và vẫn phải tiếp tục làm thêm việc hiện tại. "Tôi mất việc nhưng vẫn phải thanh toán các loại hóa đơn", anh Lovely nói.

Theo Bloomberg, đây chỉ là một ví dụ nhỏ về bài toán mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt trong giai đoạn mở cửa trở lại sau dịch: Bao nhiêu triệu việc làm đã vĩnh viễn mất đi và không bao giờ quay trở lại kể cả khi dịch đã được kiểm soát?

Những việc làm mãi mất đi

Nhiều người từng hi vọng rằng những biện pháp kích thích mà các chính phủ tung ra cuối cùng sẽ thúc đẩy nền kinh tế và khuyến khích doanh nghiệp thuê mướn trở lại, những lao động từng bị cho nghỉ việc sẽ sớm quay về văn phòng, công xưởng cũ.

Tuy nhiên, rủi ro ở đây là đại dịch COVID-19 đã gây ra một "cú sốc tái phân bổ", khiến cho các doanh nghiệp hay thậm chí là toàn ngành kinh tế phải chịu thiệt hại kéo dài. Những việc làm đã mất đi không quay trở lại và thất nghiệp duy trì ở mức cao.

Tình huống này sẽ buộc người lao động phải chuyển sang nghề khác hoặc chuyển tới nơi khác – cả hai đều là những lựa chọn khó khăn. Chính phủ cũng sẽ phải làm nhiều hơn chứ không chỉ đơn giản là vung tiền chi tiêu.

Hàng triệu việc làm tưởng chỉ hao hụt tạm thời nhưng thực ra lại mất đi vĩnh viễn - Ảnh 1.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng ghi nhận khó khăn về thị trường lao động khi đưa ra dự báo giữ lãi suất gần 0% cho tới hết năm 2022.

Theo ông Powell, nền kinh tế Mỹ "sẽ có nhiều triệu người không thể quay trở lại việc làm cũ. Thậm chí là cả ngành kinh tế sẽ không có công việc nào cho những lao động này trong một khoảng thời gian tương đối dài".

Theo phân tích của Bloomberg Economics, khoảng 30% số việc làm mất đi trong giai đoạn tháng 2 - tháng 5 có nguyên nhân là "cú sốc tái phân bổ". Nghiên cứu này dựa trên mối quan hệ giữa thuê mướn, sa thải, mở cửa kinh tế và tỉ lệ thất nghiệp cho thấy rằng thị trường lao động ban đầu sẽ hồi phục rất nhanh nhưng rồi sẽ đi ngang khi vẫn còn hàng triệu người thất nghiệp.

Lao động trong ngành khách sạn – du lịch như anh Lovely nằm trong nhóm gặp rủi ro lớn nhất, cùng với đó là ngành bán lẻ, giải trí, giáo dục và y tế. Nhiều khả năng đại dịch này sẽ tạo ra thêm thách thức cho những doanh nghiệp "gạch vữa" trong cuộc chiến cạnh tranh với các nền tảng thương mại trực tuyến như Amazon.

Theo các nhà kinh tế của Bloomberg, thị trường tài chính đã định giá rủi ro của thị trường việc làm. Tỉ suất sinh lợi của các nhóm ngành khác nhau và các qui mô doanh nghiệp khác nhau cho thấy nhà đầu tư đang đặt cược vào xu thế chuyển đổi lợi nhuận giữa các doanh nghiệp, tương tự như từng xảy ra sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Nhóm doanh nghiệp nào mất lợi nhuận thì cũng sẽ cắt giảm việc làm.

Một nghiên cứu khác của Viện Becker Friedman thuộc Đại học Chicago ước tính khoảng 42% số trường hợp bị nghỉ việc ở Mỹ trong dịch COVID-19 mang tính vĩnh viễn.

Bài toán khó cho chính phủ

Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định trong một nghiên cứu hồi tuần trước rằng chính phủ sẽ phải làm nhiều hơn bình thường để duy trì hoạt động doanh nghiệp và bảo vệ nhân công. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị trợ cấp tiền lương để khuyến khích nối lại sản xuất, đồng thời tiếp tục bảo lãnh tín dụng với các khoản vay mới.

Nghiên cứu của Bloomberg Economics cho thấy khó khăn trong việc khôi phục việc làm. Cụ thể, khoảng 50% số việc làm mất đi tại Mỹ là do các biện pháp phong tỏa và nhu cầu suy yếu, 30% là do cú sốc trong tái phân bổ công việc và 20% là do trợ cấp thất nghiệp cao khiến nhiều người muốn ở nhà hơn.

Những nguyên nhân thất nghiệp khác nhau đòi hỏi những biện pháp khắc phục khác nhau, thậm chí là xung đột lẫn nhau.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất là khi tình trạng mất việc từ tạm thời trở thành vĩnh viễn, nhiều kĩ năng lao động sẽ bị mất đi và tỉ lệ thất nghiệp cao sẽ trở thành thực tế bình thường mới.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia về thị trường lao động cho rằng các biện pháp ứng phó không nên chỉ bao gồm cải thiện hỗ trợ tài chính mà còn cần đảm bảo rằng người lao động có những kĩ năng cần thiết. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tuần trước kêu gọi các nước đẩy mạnh đầu tư công vào đào tạo những người bị mất việc.

Một phần mục tiêu của khoản đầu tư này là giúp người lao động sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo và những biến động đi kèm.

Đức Quyền

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.