Khu nông nghiệp công nghệ cao là gì? Thuận lợi và khó khăn
Khu nông nghiệp công nghệ cao
Khái niệm
Khu nông nghiệp công nghệ cao trong tiếng Anh tạm dịch là: High-tech agricultural park.
Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hay còn gọi là Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (NNCNC). Khái niệm khu NNCNC được hiểu như sau:
- Đối với các quốc gia phát triển, khu NNCNC có hai công năng chủ yếu: Phục vụ thưởng thức cảnh quan và nâng cao sự hiểu biết của người dân và thay đổi phương thức nghỉ ngơi, tạo điều kiện cho những người lao động hàng ngày ở trong văn phòng tiếp xúc với lao động chân tay.
- Đối với các quốc gia đang phát triển: Việc hình thành các khu NNCNC với mục tiêu chính là sản xuất. Trong khu NNCNC người ta trình diễn các loại nông sản có giá trị cao, các thiết bị sản xuất có hàm lượng chất xám cao; ở đây còn thực hiện chức năng đào tạo và chuyển giao công nghệ.
- Ở Việt Nam, khu NNCNC là khu công nghệ cao tập trung thực hiện hoạt động nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp.
Như vậy, khu NNCNC là lãnh thổ xác định, không quá lớn về diện tích nhưng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nên cho năng suất và chất lượng nông sản cao, sức cạnh tranh lớn và hiệu quả kinh tế cao.
Tựu chung lại, khu NNCNC có những chức năng chủ yếu là điểm để trình diễn những sáng tạo khoa học công nghệ; nơi hội tụ nhân tài và thu hút đầu tư; là địa điểm để đổi mới công nghệ, khu ươm tạo và đào tạo công nghệ.
Vai trò
Khu NNCNC là khu vực khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản; là một trong những hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp mới;
Vai trò là hạt nhân của sự phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, là mô hình tổ chức nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hỗ trợ, dẫn dắt, định hướng cho nhà đầu tư, các hợp tác xã, nông hộ cá thể học tập và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào trong sản xuất.
Đầu những năm 1980, Hoa Kỳ đã có hơn 100 khu NNCNC; ở Anh quốc, năm 1988 đã có 38 khu vườn KHCN với hơn 800 doanh nghiệp tham gia. Còn ở Phần Lan năm 1996 đã có 9 khu khoa học NNCNC.
Trong những năm 1980, Israel đã xây dựng 10 khu NNCNC đầu tiên, Trung Quốc đến nay có hơn 500 khu và 4000 trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên khắp đất nước.
Thuận lợi và khó khăn
Hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các khu này có những thuận lợi như đảm bảo được tính đồng bộ liên hoàn trong các hoạt động; hàng hóa tập trung, kiểm soát được chất lượng nông sản, giảm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho một đơn vị diện tích;
Được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước như chi phí thuê đất và thuế xuất khẩu nông sản thấp, hỗ trợ KHCN, hỗ trợ về lao động.
Bên cạnh những thuận lợi, việc hình thành và phát triển khu NNCNC gặp phải những khó khăn như: vốn đầu tư cao, thu hồi chậm, các doanh nghiệp có nguồn vốn thấp khó có thể tham gia, không thích hợp với một số đối tượng cây con đòi hỏi khoảng không gian cách li lớn.
(Tài liệu tham khảo: Kinh nghiệm quản lí, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở một số nước và giá trị tham khảo, ThS. Nguyễn Thu Phương, Tạp chí Công thương, 2018)