Khu vực tư nhân (Private Sector) là gì?
Khu vực tư nhân (Private Sector)
Định nghĩa
Khu vực tư nhân trong tiếng Anh là Private Sector.
Khu vực tư nhân là một phần của nền kinh tế được điều hành bởi các cá nhân và doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, không do nhà nước kiểm soát.
Do đó, khu vực tư nhân bao gồm tất cả các doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, không thuộc quyền sở hữu hoặc điều hành của Chính phủ.
Các công ty và tập đoàn do Chính phủ điều hành là một phần của khu vực công cộng (còn gọi là khu vực công hay khu vực Chính phủ). Trong khi đó, các tổ chức từ thiện và các tổ chức phi lợi nhuận khác là một phần của khu vực tự nguyện.
Đặc trưng của khu vực tư nhân
- Khu vực tư nhân là một nhánh của nền kinh tế quốc gia. Khu vực tư nhân được sở hữu, kiểm soát và quản lí bởi các cá nhân hoặc doanh nghiệp.
- Khu vực tư nhân hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận và sử dụng nhiều lao động hơn khu vực công. Tổ chức thuộc khu vực tư nhân được tạo ra bằng cách hình thành doanh nghiệp mới hoặc tư nhân hóa tổ chức thuộc khu vực công.
- Các giao dịch trong khu vực kinh tế tư nhân có thể thực hiện kín đáo hoặc công khai. Các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân giảm giá hàng hóa và dịch vụ để cạnh tranh với nhau nhằm lôi kéo người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ của mình thay vì hàng hóa, dịch vụ của đối thủ.
Về lí thuyết, khách hàng không muốn trả nhiều tiền hơn cho một thứ gì đó khi họ có thể mua cùng một mặt hàng đó ở nơi khác với chi phí thấp hơn.
- Trong hầu hết các nền kinh tế tự do, khu vực tư nhân chiếm một phần lớn trong nền kinh tế. Ngược lại, đối với các quốc gia có sự kiểm soát mạnh mẽ của nhà nước, khu vực công có qui mô lớn hơn khu vực tư nhân.
Ví dụ, Hoa Kỳ có khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ vì Hoa Kỳ có một nền kinh tế tự do, trong khi đó ở Trung Quốc, nơi nhà nước thực hiện quyền kiểm soát nhiều tập đoàn, khu vực công có qui mô lớn hơn.
(Tài liệu tham khảo: Investopedia)