|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Không chỉ là một ứng dụng đặt xe, từ giao hàng, đặt đồ ăn, thanh toán… đều có thể Grab

08:31 | 15/10/2018
Chia sẻ
Đặt mục tiêu trở thành siêu ứng dụng xuất phát từ dịch vụ cốt lõi là đặt xe công nghệ, liệu Grab -  “kỳ lân” Đông Nam Á sẽ làm nên thành công như những người đi trước hay không?
khong chi la mot ung dung dat xe tu giao hang dat do an thanh toan deu co the grab Grab lại đứng trước nguy cơ bị quản lý như taxi truyền thống

4 năm có mặt tại Việt Nam, Grab đã cắm rễ vào tâm trí đại bộ phận người thành thị khái niệm về ứng dụng đặt xe trực tuyến. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều sau cùng mà Grab mong muốn.

Như cái cách mà hàng triệu người dân Trung Quốc nói về Tencent – đơn vị sở hữu ứng dụng WeChat, Grab đang nỗ lực để làm điều tương tự.

Thay vì người dùng phải tải hàng chục ứng dụng cho hàng chục nhu cầu khác nhau trên một chiếc điện thoại dung lượng có hạn, tất cả được tích hợp, nằm trên một ứng dụng duy nhất - hay còn gọi là siêu ứng dụng.

Người Trung Quốc sử dụng WeChat để làm “bất cứ điều gì” - thực hiện cuộc gọi video, chơi trò chơi, chuyển tiền, gọi taxi, đặt đồ ăn, mua vé xem phim, đọc tin tức, và nhiều hơn thế nữa… Ở quốc gia 1,4 tỷ dân này, đây là ứng dụng đầu tiên họ mở vào buổi sáng và tắt màn hình cuối cùng trước khi ngủ.

Một mô hình siêu ứng dụng thường xuất phát từ việc cung cấp một dịch vụ cốt lõi, qua đó xây dựng được một nền tảng người dùng lớn. Từ đó, các dịch vụ đi kèm được phát triển nhằm đáp ứng những nhu cầu cần thiết khác cho mạng lưới người dùng có sẵn này.

Ở Việt Nam, cũng đã có những người tiên phong hướng đến mục tiêu xây dựng một siêu ứng dụng. Điển hình là Zalopay, phát triển từ nền tảng liên lạc nhắn tin. Tuy nhiên, sự chi phối quá lớn của Facebook đến thói quen liên lạc hằng ngày của người Việt khiến Zalopay khó lòng có thể xây dựng một siêu ứng dụng xuất phát từ mạng lưới người dùng nhắn tin.

Còn với Grab, xuất phát từ dịch vụ cốt lõi là đặt xe công nghệ, liệu “kỳ lân” Đông Nam Á có làm nên thành công như bậc tiền bối hay không?

Grab xây dựng tệp người dùng xuất phát từ một trong những nhu cầu căn bản nhất - nhu cầu đi lại. Vậy tệp người dùng ban đầu của Grab là những người có nhu cầu di chuyển bằng xe ôm/taxi công nghệ và đội ngũ đối tác lái xe ở Việt Nam lớn đến đâu?

Theo công bố của bà Tan Hooi Ling, đồng sáng lập Grab, hiện tại có 20% người dùng Việt Nam sử dụng dịch vụ của Grab và hãng có tới 175.000 đối tác tài xế. Đến năm 2020, Grab dự kiến một nửa người dân Việt sẽ dùng các dịch vụ của Grab. Nếu xây dựng được một nền tảng người dùng rộng lớn như vậy, mô hình siêu ứng dụng của Grab hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Bên cạnh đó, phải nói rằng 4 năm ở Việt Nam, Grab không khác gì một anh chàng đã đại gia (trường vốn) lại còn hiểu lòng đối tượng. Grab biết người dùng cần gì và thích gì? – Đó cũng là một phần lí do Uber phải chịu thua Grab trên địa bàn Đông Nam Á.

Vạch xuất phát từ dịch vụ đặt xe công nghệ

Hai năm sau khi ra đời tại Malaysia, Grab đặt chân vào thị trường Việt Nam – thị trường thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á. Vào năm 2014, sự xuất hiện của Uber và Grab tại Việt Nam tạo nên một khái niệm hoàn toàn mới, xuất phát từ nhu cầu đi lại dành cho bộ phận cư dân thành thị– dịch vụ đặt xe công nghệ.

khong chi la mot ung dung dat xe tu giao hang dat do an thanh toan deu co the grab
Gọi xe công nghệ đã trở thành thói quen của một bộ phận người dân thành thị ở Việt Nam, nhờ nỗ lực của Grab và nhiều hãng vận tải công nghệ khác.

Ông Anthony Tan, người đồng sáng lập Grab có lần từng chia sẻ với Forbes rằng: “Tôi không nhớ chính xác con số đầu tư vào thị trường Việt Nam, nhưng đây là một thị trường khó khăn, nên lúc đầu tôi có ném một ít tiền mà vẫn không giải quyết vấn đề. Là thị trường lớn thứ hai của Đông Nam Á, nên tôi đầu tư nhiều tiền vào Việt Nam”.

Khởi đầu từ dịch vụ GrabTaxi, GrabCar sau đó là kết nối xe ôm công nghệ GrabBike, giới truyền thông tốn không biết bao nhiêu giấy mực để nói về cuộc chiến giữa Uber và Grab, hay là cuộc chiến giữa dịch vụ đặt xe công nghệ và taxi/xe ôm truyền thống.

Mặc cho sự phản đối và hô hào của tuyến taxi truyền thống, ứng dụng gọi xe công nghệ ngày càng tăng trưởng như vũ bão. Phải mất hơn 5 năm để Grab khai phá thị trường và đạt được 1 tỷ chuyến xe trên toàn khu vực Đông Nam Á. Nhưng sau đó, chỉ mất 9 tháng sau để Grab đạt cột mốc 2 tỷ chuyến xe.

Cuộc đua tranh nhiều năm ròng rã của Grab và Uber phải đến tháng 4/2018 mới ngã ngũ bằng thương vụ sáp nhập Uber khu vực Đông Nam Á vào Grab. Đó là một chiến thắng lớn của Grab trên mặt trận Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hao tâm tổn sức với trận chiến với Uber, phải đến khi giành được vị trí độc tôn tại thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam, Grab mới có thể “dốc lòng” hiện thực hoá tham vọng tại các mảnh đất mới ngoài dịch vụ đặt xe công nghệ.

Vặn ga tăng tốc trên cuộc đua thị trường giao nhận

Từ giữa năm 2015, Grab đã tung ra dịch vụ giao nhận hàng hoá theo yêu cầu GrabExpress tại Việt Nam. Tuy nhiên trong ba năm, dịch vụ này vẫn hoạt động một cách cầm chừng.

Đến giữa năm 2018, khi trút được mối lo ngại Uber, GrabExpress bắt đầu xắn tay, tung ra dịch vụ chuyển hàng thu hộ (ship COD) – một dịch vụ phát triển thần tốc ở Việt Nam. Đó là dịch vụ tuyệt đối không thể bỏ qua nếu muốn giành thị phần giao nhận tại Việt Nam, nơi mà đại bộ phận người dân vẫn chưa thực sự chuộng thanh toán trực tuyến và thói quen mua hàng “tiền trao cháo múc”.

Và động thái mới nhất của GrabExpress là cái bắt tay với chợ thương mại điện tử Sendo, cho ra mắt dịch vụ giao hàng nhanh 3h. Đây là bước đi có ý nghĩa của Grab để thực sự bước chân vào thị trường giao nhận hàng hoá tại Việt Nam.

Nhìn thấy “gót chân Asin” của những người đi trước, tấn công vào trận địa giao đồ ăn

Tiếp theo là mặt trận giao đồ ăn, miếng bánh không thể lọt khỏi tầm ngắm của Grab. Sở hữu một đội ngũ tài xế hùng hậu nhất thị trường Việt, còn đó những áo xanh thong thả dựng xe tán gẫu bên đường. Trong khi đội quân giao hàng dẫn đầu bởi Now.vn vẫn đang tất bật giao hàng ngược xuôi, nhưng vẫn chưa thể làm hài lòng khách hàng bởi những đơn hàng chậm trễ đến cả tiếng đồng hồ.

Trong thị trường này, Grab có lợi thế để tạo nên sự khác biệt. Đó chính là đội ngũ tài xế tinh thông địa bàn, hiểu biết về dịch vụ khách hàng. Mật độ tài xế dày đặc tạo nên lợi thế về thời gian giao hàng – điều mà ngay cả hãng dẫn đầu thị trường giao đồ ăn như Now.vn vẫn chưa thực sự làm tốt.

Từ tháng 6, dịch vụ giao đồ ăn GrabFood chính thức ra đời tại TP HCM và có mặt tại Hà Nội sau 4 tháng. GrabFood không yêu cầu giá trị đơn hàng tối thiểu, khách hàng có thể đặt món từ danh mục nhà hàng của GrabFood và chờ tài xế giao món ăn nhanh chóng, tận tay trong khoảng thời gian trung bình 25 phút.

khong chi la mot ung dung dat xe tu giao hang dat do an thanh toan deu co the grab
Dịch vụ giao đồ ăn GrabFood.

Đi xe, giao hàng, mua đồ ăn … và thanh toán

Dựa trên loạt dịch vụ mà Grab cung cấp, nhu cầu thanh toán của người dùng là điều mà Grab nhắm đến. Tại Việt Nam, GrabPay xuất phát là hình thức thanh toán dịch vụ trên ứng dụng Grab bằng thẻ ngân hàng.

Bằng mối quan hệ hợp tác với ví điện tử Moca, Grab cho biết sẽ triển khai ví điện tử mới, dựa trên nền tảng dịch vụ thanh toán điện tử Moca.

Giám đốc của Grab cũng đã đề xuất với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, mở tài khoản ví điện tử mà không phải kết nối với tài khoản thanh toán tại ngân hàng, cho phép các đơn vị thanh toán như các cửa hàng tiện lợi được hỗ trợ lập tài khoản ví điện tử. Đồng thời, ví điện tử của Grab sẽ cho phép áp dụng tính năng nhận diện khách hàng trực tuyến (e-KYC), khách hàng sẽ không phải trình diện tại ngân hàng để giao dịch.

Những động thái mới của GrabPay cho thấy tham vọng của Grab tại thị trường thanh toán trực tuyến ở Việt Nam, không nằm ngoài bước tiến ở các thị trường khác. Còn quá sớm để đoán trước cục diện thị trường này tại Việt Nam. Những người đi trước như Momo, Moca, Zalopay… đã bỏ công bỏ sức để có thể giáo dục người dùng, hy vọng tạo nên cuộc cách mạng thanh toán bằng điện thoại nhưng dường như vẫn chưa ăn thua. Người đến sau Grab, liệu có làm nên chuyện?

Vượt khỏi chiếc bóng của một ứng dụng gọi xe, liệu giới văn phòng có đặt một ly trà sữa; cô nàng bán hàng online chuyển món hàng mỹ phẩm sao cho kịp trước giờ tan tầm; bà mẹ bỉm sữa giơ điện thoại để thanh toán trước khi ra khỏi cửa hàng…Tất cả chỉ bằng một ứng dụng Grab?

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tuệ An