|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Khoảng trống phá vỡ (Breakaway Gap) là gì? Khoảng trống phá vỡ và các khoảng trống giá khác

17:19 | 12/02/2020
Chia sẻ
Khoảng trống phá vỡ (tiếng Anh: Breakaway Gap) là một thuật ngữ được sử dụng trong phân tích kĩ thuật được sử dụng để xác định sự dịch chuyển giá mạnh mẽ phá đường hỗ trợ hoặc đường kháng cự.
Khoảng trống phá vỡ (Breakaway Gap) là gì? Khoảng trống phá vỡ và các Khoảng trống giá khác - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Tradersdna.com

Khoảng trống phá vỡ

Khái niệm

Khoảng trống phá vỡ trong tiếng Anh là Breakaway Gap.

Khoảng trống phá vỡ là một thuật ngữ được sử dụng trong phân tích kĩ thuật được sử dụng để xác định sự dịch chuyển giá mạnh mẽ phá đường hỗ trợ hoặc đường kháng cự. 

Khoảng trống giá là sự khác biệt giữa giá mở cửa và giá đóng cửa phiên trước đó của chứng khoán và không có hoạt động giao dịch nào diễn ra. Giá phá vỡ khỏi mức hỗ trợ hay mức kháng cự thông qua một khoảng trống giá, trái ngược với một phá vỡ trong ngày (Intraday Breakout). 

Khoảng trống phá vỡ thường sớm quan sát được trong một xu hướng khi giá dịch chuyển ra khỏi biên độ giao dịch hoặc theo sau một sự đảo chiều xu hướng.

Đặc điểm Khoảng trống phá vỡ 

Khoảng trống phá vỡ xảy ra khi giá dịch chuyển ra khỏi vùng hỗ trợ hoặc vùng kháng cự, tương tự như các khoảng trống giá được thiết lập trong biên độ giao dịch. 

Khi giá vượt ra khỏi biên độ giao dịch đã được thiết lập bởi một khoảng trống giá, khoảng trống đó là một khoảng trống phá vỡ.

Khoảng trống phá vỡ cũng có thể xuất hiện trong nhiều dạng mô hình biểu đồ giá, chẳng hạn như mô hình tam giác, mô hình nêm, mô hình cốc và tay cầm, mô hình đáy tròn hoặc đỉnh tròn và mô hình đầu và vai.    

- Khoảng trống phá vỡ liên quan đến việc xác nhận một xu hướng mới. Khoảng trống phá vỡ cho thấy sự thuyết phục mạnh mẽ từ phía người mua như trong hình, là một bằng chứng cho thấy sự tăng giá cao hơn ngoài điểm phá kháng cự.  

Khoảng trống phá vỡ (Breakaway Gap) là gì? Khoảng trống phá vỡ và các Khoảng trống giá khác - Ảnh 2.

Hình minh họa. Nguồn: IG.com

- Khoảng trống phá vỡ với khối lượng giao dịch lớn hơn mức trung bình, đặc biệt là khối lượng giao dịch cao, cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ của thị trường theo hướng khoảng trống giá.

Khối lượng giao dịch tăng với một khoảng trống phá vỡ giúp xác nhận rằng giá có thể sẽ tiếp tục dịch chuyển theo hướng phá vỡ (có thể là phá kháng cự hoặc phá hỗ trợ). Nếu khối lượng giao dịch thấp đi kèm với khoảng trống phá vỡ thì có khả năng phá vỡ giả cao.

Phá vỡ giả xảy ra khi giá tăng lên trên ngưỡng kháng cự hoặc dưới mức hỗ trợ nhưng không thể duy trì mà nhanh chóng quay trở lại biên độ giao dịch trước đó.   

Khoảng trống giá có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng thường thấy nhất là sau thông báo thu nhập hay các thông báo chính khác của công ty niêm yết.

Khoảng trống phá vỡ và các Khoảng trống giá khác

Không phải mọi xu hướng đều có khoảng trống phá vỡ, một số xu hướng có khoảng trống phá vỡ và chúng thường được quan sát sớm trong xu hướng khi giá tạo ra một bước nhảy đáng kể ra bên ngoài mô hình biểu đồ giá.

- Khoảng trống giá tiếp diễn/ khoảng trống đẩy giá (Runaway gap)

Khi xu hướng này tiếp tục, một loại khoảng trống giá khác gọi là khoảng trống giá tiếp diễn thường xuất hiện. Khoảng trống giá tiếp diễn là khi giá mở cửa cao hơn đáng kể so với giá đóng cửa phiên trước đó trong một xu hướng tăng giá đã được thiết lập.

Trong một xu hướng giảm giá, khoảng trống giá tiếp diễn là khi giá mở cửa thấp hơn đáng kể so với mức giá đóng cửa trước đó. Thông thường, giá sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng khoảng trống giá tiếp diễn trong vòng một vài tuần, đôi khi trong vài ngày.

Khoảng trống giá tiếp diễn không cần phải phá mức hỗ trợ hay mứuc kháng cự chính (như khoảng trống phá vỡ) nhưng nó phải xảy ra theo cùng hướng với xu hướng hiện tại.

- Khoảng trống giá suy kiệt (Exhaustion gap)

Khi một xu hướng tăng giá gần kết thúc, khoảng trống suy kiệt có thể xuất hiện. Khoảng trống suy kiệt xảy ra vào gần cuối xu hướng và bị gây ra bởi một nhóm người mua cuối cùng hối hận vì đã không mua trước đó giao dịch làm giá tăng lên.

Trong một xu hướng giảm giá, khoảng trống suy kiệt là khoảng trống giá do người bán gây ra. Khoảng trống suy kiệt cũng tương tự như khoảng trống giá tiếp diễn, ngoại trừ việc nó thường liên quan đến khối lượng giao dịch rất lớn.

Các nhà giao dịch nên theo dõi các khoảng trống suy kiệt để lấp giao dịch nhanh chóng do khoảng trống suy kiệt thường xảy ra ở gần cuối xu hướng.

- Khoảng trống giá thông thường (Common gap) 

Khoảng trống giá thông thường xảy ra khi có một sự khác biệt nhỏ giữa giá mở cửa và giá đóng cửa.

Khoảng trống giá thông thường xảy ra thường xuyên và hầu hết các nhà giao dịch coi chúng có ít ý nghĩa hơn so với các loại khoảng trống giá khác.

Ví dụ về Khoảng trống phá vỡ 

Biểu đồ giá của Apple (AAPL) dưới đây có ba khoảng trống giá được đánh dấu. Khoảng trống giá đầu tiên xảy ra khi giá hình thành một mô hình tam giác sau một xu hướng giảm giá.

Khoảng trống phá vỡ (Breakaway Gap) là gì? Khoảng trống phá vỡ và các Khoảng trống giá khác - Ảnh 3.

Hình minh họa. Nguồn: Investopedia.com

Giá sau đó tăng cao lên trên tam giác với khối lượng giao dịch lớn và tiếp tục tăng, đây là một khoảng trống phá vỡ liên quan đến một thông báo thu nhập của Apple.    

Trong xu hướng tăng tiếp theo, giá cổ phiếu cũng trải qua một số khoảng trống giá tiếp diễn. Khoảng trống giá tiếp diễn đầu tiên không liên quan đến thu nhập của công ty còn khoảng trống giá tiếp diễn thứ hai có liên quan đến thông tin thu nhập. 

Những khoảng trống giá này đều thường xảy ra với khối lượng giao dịch lớn.  

(Theo Investopedia)

Lê Thảo