Khó có vắc xin ngừa SARS-CoV-2 trong 18 tháng tới
Khi còn là một nhà nghiên cứu trẻ tuổi vào cuối những năm 1980, Michael Kinch đã muốn giải câu đố bí ẩn nhất của giới y khoa lúc bấy giờ: làm thế nào để điều trị vắc xin ngừa HIV.
Hàng chục phòng thí nghiệm với cơ sở vật chất đầy đủ đã bắt tay vào mổ xẻ vấn đề, giải pháp thì dường như nằm trong lòng bàn tay và ông Kinch cứ thế hăng say nghiên cứu.
Hơn 30 năm trôi qua và 30 triệu người trên toàn cầu đã tử vong vì HIV/AIDS, thế giới vẫn chưa có một loại vắc xin ngừa HIV nào được phê duyệt.
Đây là lời cảnh báo cho bất kì ai đang mong đợi sẽ có vắc xin ngừa virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) trong năm tới, ông Michael Kinch - từng là chuyên gia điều chế thuốc và hiện là Phó Hiệu trưởng Đại học Washington (St. Louis, Mỹ), cho hay.
"Mọi người đang tin là sẽ sớm có vắc xin ngừa SARS-CoV-2", ông Kinch nói. "Chúng ta nên đi sâu vào nghiên cứu vắc xin với cái đầu lạnh".
Tính đến chiều ngày 1/4 (theo giờ Việt Nam), khi số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới phá ngưỡng 862.000 người, chính phủ, nhà đầu tư và công chúng trên khắp thế giới đang theo dõi sát sao cuộc đua khốc liệt để cho ra loại vắc xin có thể ngăn nguy cơ nhiễm bệnh trong tương lai.
Các nhà nghiên cứu được xem là vị cứu tinh có thể đưa ra phương pháp điều trị và vắc xin cần thiết để đánh bại SARS-CoV-2. Tổng thống Donald Trump cũng đã thúc giục các hãng dược nhanh chóng "hoàn thiện vắc xin".
Đối với đa phần công chúng, vắc xin được xem là rất an toàn và đơn giản: cho virus hoặc một bộ phận quan trọng của virus tiếp xúc với hệ miễn dịch để cơ thể sẵn sàng sản sinh ra kháng thể khi virus thực sự xâm nhập vào bên trong.
Thông thường, vắc xin rẻ hơn nhiều so với thuốc điều trị và có thể bảo vệ một cá nhân nhiều thập kỉ hoặc thậm chí là trong gần như suốt cuộc đời.
Tuy nhiên, hoàn thiện được vắc xin không hề dễ dàng. Hầu hết vắc xin đều phải trải qua nhiều năm thử nghiệm trước khi tung ra thị trường, do đó mốc thời gian 12 - 18 tháng mà ông Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, từng đưa ra là quá nhanh.
Lịch sử chứng minh vắc xin không dễ điều chế đến vậy
Các mũi vắc xin ngừa SARS-CoV-2 nhanh chóng xuất hiện thời gian gần đây được tạo ra với các công nghệ mới tinh, chưa được chứng minh là có tác dụng ở con người.
Ngay cả các loại vắc xin dựa trên phương pháp "tried-and-true" (đã được kiểm chứng) thường có tác dụng phụ, nên sẽ bị hạn chế hoặc cấm sử dụng.
Theo Bloomberg, vắc xin sốt xuất huyến của Sanofi có thể làm nặng thêm các triệu chứng ở một số bệnh nhân chưa nhiễm bệnh nên bị hạn chế sử dụng. Còn vắc xin ngừa bệnh Lyme do SmithKline Beecham (hiện đổi tên thành GlaxoSmithKline) phát triển đã bị thu hồi vào năm 2002 do lo ngại gây ra chứng viêm khớp.
Các chuyên gia xuất chúng nhất trong lĩnh vực này đã nhận thấy sự nguy hiểm của việc dự đoán trước thời điểm ra vắc xin.
Năm 1984, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ Margaret Heckler cho biết một mũi tiêm ngừa HIV sẽ sẵn sàng thử nghiệm trong vòng hai năm sau. Kể từ đó, các chuyên gia điều chế vẫn luôn theo đuổi mục tiêu trên nhưng chưa cho ra bất kì loại vắc xin ngừa HIV nào.
Lần này, các chuyên gia đang chuyển sang sử dụng các loại công nghệ có thể tăng tốc qui trình thử nghiệm vắc xin mà thông thường phải mất từ 10 năm trở lên.
Ông Fauci cùng một số nhà nghiên cứu khác đã dự đoán vắc xin ngừa SARS-CoV-2 có thể sẵn sàng trong 12 - 18 tháng tới. Hàng chục doanh nghiệp và trường đại học trên khắp thế giới đang chạy đua điều chế vắc xin, trong đó có hãng dược Sanofi, Johnson & Johnson, Moderna.
Một trong các phương pháp hàng đầu và nhận được hỗ trợ từ cơ quan của ông Fauci chính là công nghệ do hãng dược Moderna sử dụng, liên quan đến việc thêm vật liệu di truyền (RNA) của virus vào tế bào người, kích thích tế bào sản sinh protein để tạo phản ứng miễn dịch.
Hôm 16/3, Moderna cho biết hãng đã điều trị thành công cho bệnh nhân đầu tiên trong nghiên cứu ban đầu.
Ông Holden Thorp - tổng biên tập tạp chí y khoa Science kiêm Hiệu trưởng Đại học North Carolina, cho hay phương pháp mới này chưa được thử nghiệm sâu rộng.
Ông Thorp nhận thấy không có gì đảm bảo rằng loại vắc xin của Moderna cũng như các loại tương tự sẽ đạt được mục tiêu tham vọng là ngăn ngừa khả năng nhiễm COVID-19.
Nếu thất bại, các nghiên cứu vắc xin trên có thể gây tổn hại cho xã hội và khiến người dân mất lòng tin vào khoa học, ông Thorp nói.
"Lạc quan thận trọng"
Trong khi giới chuyên gia cũng có những lo ngại tương tự đối với các loại thuốc điều trị, kết quả thử nghiệm cho sản phẩm remdesivir của Gilead Sciences (ban đầu nhằm mục tiêu điều trị Ebola) sẽ được công bố vào tháng 4.
Hồi đầu tháng 3, hãng dược Regeneron Pharmaceuticals cho biết quá trình phát triển thuốc điều trị COVID-19 hoàn thành vượt tiến độ và họ có thể bắt đầu thử nghiệm trên người vào mùa hè năm nay.
Các hãng điều chế vắc xin sẽ phải dốc sức gấp đôi để có thể hoàn thành mục tiêu. Tổ chức Coalition for Epidemic Preparedness Innovations (CEPI) từng cho hay họ cần gần 2 tỉ USD để tiếp tục việc nghiên cứu vắc xin ngừa SARS-CoV-2. Hiện tại, CEPI đang tài trợ cho ít nhất 8 loại vắc xin tiềm năng.
Bà Melanie Saville - giám đốc bộ phận nghiên cứu vắc xin, nói rằng CEPI đã thiết lập sẵn các cơ sở sản xuất, chuẩn bị sẵn sàng nếu bất kì phương pháp nào được thông qua. Tuy nhiên, dù CEPI có sẵn vắc xin theo đúng kế hoạch đề ra, sản phẩm chưa chắc sẽ được phê duyệt chính thức và có thể chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Vắc xin phải đáp ứng nhiều yêu cầu cao hơn so với thuốc điều trị nhằm chứng minh chúng an toàn khi tiêm vào cơ thể người khỏe mạnh với mục đích ngăn ngừa khả năng nhiễm bệnh, ông Michael Kinch nói. Vị chuyên gia cảnh báo mọi người nên "lạc quan thận trọng" với vắc xin ngừa SARS-CoV-2.
Tuy vậy, các công ty chạy đua nghiên cứu vắc xin đang thúc đẩy tâm lí lạc quan của nhà đầu tư. Cổ phiếu của Moderna đã tăng khoảng 50% trong năm nay và của Inovio Pharmaceuticals (phát triển vắc xin dựa theo công nghệ ADN) tăng hơn 50%.
Inovio có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm vắc xin trên người tại Mỹ vào tháng 4, trong khi CanSio Biologics (có trụ sở tại Thiên Tân) cho hay họ đã nhận được phê duyệt của chính phủ Trung Quốc để tiến hành thử nghiệm tương tự.