Khẳng định giao món ăn trong trung bình 25 phút, GrabFood 'phủ sóng' thủ đô Hà Nội
GrabFood sắp đổ bộ vào thành phố Hồ Chí Minh |
Ngày 2/10, Grab chính thức triển khai dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood tại các quận của Hà Nội. Công ty đã thử nghiệm dịch vụ GrabFood tại Hà Nội từ 5/9. Sau gần một tháng thử nghiệm, số lượng đối tác kinh doanh GrabFood đã tăng gấp 8 lần.
Trước đó, tại TP HCM, dịch vụ GrabFood chính thức hoạt động vào tháng 6. Sau 4 tháng ra mắt tại TP HCM, số lượng đơn hàng GrabFood trong tháng 9 đã tăng gấp 2,3 lần so với tháng trước.
Dịch vụ mới của GrabFood tại Hà Nội có thể định hình cục diện mới trong thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam.
Từ trước đến nay, Now.vn (trước là DeliveryNow) thuộc hệ sinh thái Foody là “bá chủ” thị phần giao đồ ăn. Vietnamm cũng là ứng dụng khá phổ biến. Ngoài ra, người tiêu dùng còn biết tới một số dịch vụ khác như Eat.vn, Chonmon.vn hay Lala.
Khi tham gia vào thị trường giao món ăn, Grab có điểm mạnh hết sức rõ ràng. 5 năm hoạt động tại Việt Nam, Grab sở hữu đội ngũ đối tác khổng lồ - những tài xế thông thạo địa bàn và hiểu tâm lý khách hàng. Với lợi thế đặc biệt này, sự xuất hiện của GrabFood khiến mọi đối thủ phải dè chừng.
Tuy gia nhập thị trường sau nhiều đối thủ, GrabFood sở hữu nhiều lợi thế. Ảnh: GrabFood. |
Báo cáo của Euromonitor cho thấy thị trường đặt món trực tuyến tại Việt Nam có giá trị khoảng 33 triệu USD trong năm nay và có thể đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, nhận định giá trị thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam hiện nay lớn hơn nhiều so với con số 38 triệu USD.
Giống như cách mà Grab hay Uber từng xuất hiện, thay đổi tư duy người dùng và khai phá thị trường gọi xe công nghệ, Lim tin GrabFood sẽ tạo ra kỳ tích tương tự. Ông nhận định thị trường giao đồ ăn sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Ông Jerry Lim chia sẻ về sự kiện ra mắt GrabFood tại Hà Nội. Ảnh: Tuệ An. |
Hiện nay, khi người dùng đặt món ăn trên GrabFood, ứng dụng sẽ tự động xác định vị trí khách hàng rồi đề xuất danh sách nhà hàng gần đó. Khách hàng có thể theo dõi vị trí của tài xế ngay trên ứng dụng theo thời gian thực.
Bên cạnh đó, người đặt món có thể sử dụng tính năng GrabChat để trao đổi với đối tác tài xế về bất kỳ ghi chú nào cho món ăn, ví dụ món không cay, hoặc nhắn tin cho đối tác tài xế đến khi hoàn tất khâu thanh toán.
Khách hàng trả bằng tiền mặt khi nhận thức ăn và GrabFood không có yêu cầu về giá trị đơn hàng tối thiểu. Như vậy, khách hàng có thể đặt tất cả món ăn, từ chuỗi nhà hàng lớn đến các cửa hàng ẩm thực nhỏ.
Hình ảnh tại buổi ra mắt GrabFood tại Hà Nội. Ảnh: Tuệ An. |
Bà Demi Yu - giám đốc khu vực của GrabFood tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines - cho biết: “Không yêu cầu giá trị đơn hàng tối thiểu, khách hàng có thể đặt món từ danh mục nhà hàng của GrabFood và yên tâm chờ tài xế giao món ăn nhanh chóng, tận tay trong khoảng thời gian trung bình chỉ 25 phút".
Có thể thấy, vượt ra ngoài một ứng dụng gọi xe công nghệ, những động thái liên tiếp mới đây của Grab hướng tới các dịch vụ tiêu dùng khác như giao nhận hàng hoá (GrabExpress), giao đồ ăn (GrabFood)… đang khẳng định thông điệp của người đại diện Grab Việt Nam: "Chúng tôi không phải là công ty cung cấp dịch vụ taxi mà là một công ty công nghệ cung cấp hàng loạt dịch vụ tiêu dùng khác nhau".
Trong tháng 9, thu nhập trung bình của đối tác GrabBike tại TP HCM và Hà Nội đã tăng 20% so với tháng trước đó nhờ thu nhập từ việc giao nhận thức ăn, giao nhận hàng hóa bên cạnh thực hiện kết nối di chuyển.
“GrabFood là bước mở rộng tự nhiên của dịch vụ kết nối di chuyển mà Grab đang cung cấp. Khách hàng Việt Nam luôn hào hứng trải nghiệm những điều mới lạ, và sẽ lựa chọn nền tảng giao nhận thức ăn có dịch vụ đáng tin cậy nhất, cung cấp nhiều món ăn phong phú nhất với tốc độ giao hàng nhanh nhất và chi phí tiết kiệm nhất”, ông Jerry Lim khẳng định.