Trà sữa lên ngôi trên app gọi món, đẩy cơm xuống vị trí thứ hai
Theo báo cáo của Qandme, GrabFood đang là dịch vụ giao đồ ăn phổ biến nhất ở Việt Nam khi 55% (quá bán) số người khảo sát cho biết họ chọn dịch vụ giao đồ ăn của Grab mỗi khi phát sinh nhu cầu.
Mới đây Grab đã công bố dữ liệu về sự thay đổi của thói quen người dùng trong mua dịch bệnh, đặc biệt là thời gian giãn cách xã hội. Dữ liệu chỉ ra sự thắng thế của nhóm đồ ngọt.
"Trong dịch COVID-19, người dùng Việt có vẻ thích ăn ngọt hơn hẳn trước đó. Số lượng đơn hàng các món tráng miệng trong dịch COVID-19 tăng đến 52% so với thời điểm trước khi có dịch, và đây cũng là mức tăng cao nhất trong số các nước Đông Nam Á!", Grab Việt Nam cho biết.
Ngoài các món tráng miệng, trà sữa cũng là một trong những mặt người tiêu dùng quan tâm. Trước khi dịch bùng phát, trà sữa là mặt hàng phổ biến thứ hai về số lượng đặt hàng qua GrabFood. Tuy nhiên khi dịch bệnh bùng phát, trà sữa bỗng nhiên nhảy vọt về nhu cầu và vươn lên vị trí số 1.
Về lí thuyết, nhu cầu gọi cơm có tần suất cao hơn (thông thường một người có thể ăn 2-3 bữa một ngày nhưng rất hiếm khi một người uống nhiều hơn một đơn trà sữa/ngày). Song lí thuyết ấy chỉ đúng ở thời điểm trước dịch COVID-19. Trong dịch, cơm đã phải nhường lại vị trí số một cho trà sữa.
Việc trà sữa thay thế cơm ở vị trí dẫn đầu cũng là thay đổi đáng chú ý duy nhất trong nhóm các mặt hàng đặt nhiều nhất qua GrabFood. Các vị trí kế tiếp lần lượt thuộc về bún & mì (hạng 3); thức ăn nhanh (hạng 4) và trà, cà phê, nước ép (hạng 5).
Lí giải về sự lên ngôi của trà sữa, Grab cho rằng việc học sinh rời trường học và nhân viên công sở làm việc online đã dẫn đến nhu cầu tăng đột biến của trà sữa. Học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng là nhóm đối tượng mục tiêu của rất nhiều chuỗi trà sữa.
Ngoài "đẩy mạnh" mua trà sữa trong những ngày dịch bệnh, khách hàng GrabFood còn rất mạnh tay chi tiền trong thời gian này. Giá trị trung bình của một đơn hàng GrabFood đã tăng tới 26% so với thời điểm trước dịch.
Sự "bạo chi" của người tiêu dùng trong thời gian dịch COVID-19 lây lan xuất phát từ tình trạng các thành viên trong gia đình thường xuyên dùng bữa với nhau. Do đó mỗi đơn hàng sẽ gồm nhiều món hơn và giá trị đơn hàng trung bình cũng tăng theo.
Trước dịch, khách hàng mua nhiều đồ ăn hơn vào bữa chiều. Xu thế ấy không còn tiếp diễn khi nhiều gia đình ăn tối cùng nhau trong mùa dịch. Do đó, bữa tối đã "soán ngôi" bữa chiều trở thành khoảng thời gian mà khách hàng GrabFood chi tiêu nhiều nhất cho một đơn hàng.
Bên cạnh thói quen chi tiêu trong mùa dịch, thói quen sử dụng tiền mặt cũng thay đổi lớn.
Khách hàng Grab có hai lựa chọn khi thanh toán, bằng tiền mặt hoặc phi tiền mặt thông qua ví điện tử Moca. Hiện tại, Moca đang là một trong ba ví điện tử có thị phần lớn nhất tại Việt Nam, bên cạnh ZaloPay và Momo.
Dữ liệu của Moca cho thấy số người lần đầu thanh toán phi tiền mặt khi sử dụng các dịch vụ của Grab đã tăng tới 22,5% trong tháng 3 - mức tăng trưởng cực kì hứa hẹn.
Do nhiều người dùng mới thanh toán phi tiền mặt, tỉ lệ thanh toán qua ví điện tử trên nền tảng Grab đã tăng lên 43%. Riêng dịch vụ Grabmart, tỉ lệ này lên đến 70%.