|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hội đồng quản trị (Board of Directors - BOD) là gì? Đặc điểm và vai trò

10:14 | 02/06/2020
Chia sẻ
Hội đồng quản trị (Board of Directors, viết tắt: BOD) là một nhóm các cá nhân được bầu đại diện cho các cổ đông, họp thường xuyên để thiết lập các chính sách quản lí và giám sát doanh nghiệp.
Hội đồng quản trị (Board of Directors - BOD) là gì? Đặc điểm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Nypha.

Hội đồng quản trị

Khái niệm

Hội đồng quản trị tiếng Anh là Board of Directors, viết tắt là BOD.

Hội đồng quản trị (BOD) là một nhóm các cá nhân được bầu đại diện cho các cổ đông. Hội đồng quản trị là một bộ phận quản lí, tổ chức các cuộc họp thường xuyên để thiết lập các chính sách quản lí doanh nghiệp và giám sát. 

Mỗi công ty niêm yết đại chúng đều phải có một hội đồng quản trị. Một số tổ chức tư nhân và phi lợi nhuận cũng có hội đồng quản trị.

Đặc điểm của Hội đồng quản trị

Nhìn chung, hội đồng quản trị đưa ra quyết định với tư cách là người ủy thác thay mặt cho các cổ đông. Các vấn đề mà hội đồng quản trị cần cân nhắc bao gồm tuyển dụng và sa thải các giám đốc điều hành cấp cao, chính sách cổ tức, chính sách quyền chọn và chính sách lương của cấp điều hành. 

Ngoài những nhiệm vụ đó, hội đồng quản trị có trách nhiệm giúp một tập đoàn đặt ra các mục tiêu rộng lớn, hỗ trợ các nhiệm vụ điều hành và đảm bảo công ty có các nguồn lực được quản lí tốt.

Cấu trúc và quyền hạn của hội đồng quản trị được xác định bởi qui định của tổ chức, ví dụ như qui định về số lượng thành viên hội đồng quản trị, cách thức bầu ra hội đồng quản trị (ví dụ: bằng cách bỏ phiếu cổ đông tại cuộc họp thường niên) và tần suất hội đồng quản trị họp. 

Mặc dù không có số lượng thành viên cụ thể qui định cho một hội đồng quản trị, nhưng số lượng thành viên hầu hết từ 3 đến 31 thành viên. Một số nhà phân tích cho rằng số lượng thành viên lí tưởng là 7.

Hội đồng quản trị nên đại diện cho cả lợi ích của cả cấp quản lí và cổ đông, và bao gồm cả các thành viên hội đồng quản trị nội bộ và thành viên hội đồng quản trị độc lập.

Thành viên hội đồng quản trị nội bộ là thành viên quan tâm đến các cổ đông lớn, cán bộ và nhân viên, và có kinh nghiệm trong công ty. Thành viên hội đồng quản trị nội bộ thường không được trả lương khi hoạt động trong hội đồng quản trị, vì họ thường là một giám đốc điều hành cấp cao, cổ đông lớn hoặc các bên liên quan khác, ví dụ như đại diện công đoàn.

Thành viên hội đồng quản trị độc lập không tham gia vào các hoạt động nội bộ hàng ngày của công ty. Các thành viên hội đồng này thường được trả thêm thù lao khi tham dự các cuộc họp. Thành viên hội đồng quản trị độc lập mang đến một cái nhìn khách quan, độc lập để đề ra mục tiêu và giải quyết bất kì tranh chấp nào của công ty. Họ đóng vai trò rất quan trọng trong việc đạt được sự cân bằng giữa các thành viên nội bộ và thành viên độc lập trong hội đồng quản trị.

Cấu trúc hội đồng quản trị có thể khác nhau tùy theo vị trí địa lí. Ở một số quốc gia châu Âu và châu Á, quản trị doanh nghiệp được chia thành 2 tầng: ban điều hành và ban giám sát. 

Ban điều hành bao gồm những thành viên được bầu bởi các nhân viên và cổ đông và được lãnh đạo bởi CEO hoặc cấp quản lí. Ban điều hành phụ trách các hoạt động kinh doanh hàng ngày. Hội đồng giám sát được lãnh đạo bởi một người khác không phải là giám đốc điều hành và giải quyết các vấn đề tương tự như hội đồng quản trị.

(Theo Investopedia)

Hoàng Vy

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.