|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hội đồng cạnh tranh (Competition Council) là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn

10:47 | 15/01/2020
Chia sẻ
Hội đồng cạnh tranh (tiếng Anh: Competition Council) là cơ quan thực thi quyền lực nhà nước độc lập, có chức năng xử lí các hành vi hạn chế cạnh tranh.
Hội đồng cạnh tranh (Competition Council) là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: dynamicbusiness)

Hội đồng cạnh tranh

Khái niệm

Hội đồng cạnh tranh trong tiếng Anh được gọi là Competition Council.

Hội đồng cạnh tranh là cơ quan thực thi quyền lực nhà nước độc lập, có chức năng xử lí các hành vi hạn chế cạnh tranh.

Hội đồng cạnh tranh là một trong những chủ thể tham gia tố tụng cạnh tranh.

Hội đồng cạnh tranh là cơ quan do Chính phủ thành lập. Hội đồng cạnh tranh có từ mười một đến mười lăm thành viên do Thủ tướng Chính phỉ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Hội đồng cạnh tranh có nhiệm vụ tổ chức xử lí, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh theo qui định của Luật.

Như vậy, Hội đồng cạnh tranh của Việt Nam là một cơ quan thuộc hệ thống cơ quan hành pháp. Vị trí pháp lí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng cạnh tranh đã được qui định chi tiết tại Nghị định 05/2006/NĐ – CP ngày 09/1/2006.

Thuật ngữ liên quan

Tố tụng cạnh tranh là hoạt động điều tra, xử lí vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại quyết định xử lí vụ việc cạnh tranh theo trình tự, thủ tục qui định.

Cạnh tranh là sự đua tranh về kinh tế giữa các nhà kinh doanh có những lợi ích giống nhau trên cùng thị trường bằng các phương thức khác nhau để giành được nhiều nhất về phía mình khách hàng, thị trường và thị phần của một thị trường, qua đó thu lợi nhuận nhiều hơn.

Nhiệm vụ và quyền hạn

Hội đồng cạnh tranh có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

- Tổ chức xử lí các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh theo qui định của pháp luật;

- Thành lập Hội đồng xử lí vụ việc cạnh tranh để giải quyết một vụ việc cạnh tranh cụ thể;

- Yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao;

- Quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn hành chính sau khi tiếp nhận hồ sự vụ việc cạnh tranh theo qui định của pháp luật;

- Giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh theo qui định của pháp luật;

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo qui định của pháp luật.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Luật Thương mại, TS. Bùi Ngọc Cường, NXB Giáo dục. Luật cạnh tranh năm 2018. Luật cạnh tranh năm 2004)

Diệu Nhi