Công trình công cộng đô thị (Urban public works) là gì? Chức năng
Công trình công cộng đô thị
Khái niệm
Công trình công cộng đô thị trong tiếng Anh được gọi là Urban public works.
Công trình công cộng đô thị là các cơ quan hành chính, chính trị để điều hành và quản lí các hoạt động xã hội, các công trình phuc vụ giáo dục đào tạo, cung cấp các dịch vụ, chăm sóc sức khoẻ và các hoạt động văn hoá tinh thần, thể thao du lịch của người dân.
Xã hội càng phát triển thì hệ thống các công trình công cộng đô thị càng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội.
Mặt khác sự tạo lập và tổ chức các mối quan hệ xã hội của con người, số lượng và chất lượng phục vụ cũng như qui hoạch và xây dựng các công trình công cộng trong đô thị có ảnh hưởng đến sự phát triển các điều kiện sống, sinh hoạt của con người.
Chức năng
Chức năng chủ yếu của các công trình công cộng đô thị:
- Đảm bảo sự ổn định và phát triển của xã hội, tạo ra sự hài hoà, cân bằng và thống nhất giữa các hoạt động trong xã hội con người
- Đáp ứng những yêu cầu về vật chất và tinh thần của dân cư đô thị, tạo điều kiện tái tạo sức lao động và phát triển nhân cách toàn diện của con người
- Đáp ứng nhu cầu việc làm của một phần lớn lao động trong đô thị
- Tăng thêm vẻ đẹo thẩm mĩ kiến trúc, tổ chức không gian đô thị, làm cho hình khối, bộ mặt kiến trúc đô thị đa dạng và phong phú.
Nguyên tắc bố trí
Những nguyên tắc bố trí công trình công cộng trong đô thị:
- Các công trình có ý nghĩa chính trị và hành chính nên bố trí ở khu đất có địa hình thuận lợi trong các trung tâm.
- Những công trình thương mại dịch vụ nên bố trí phân tán trên các đường phố chính, các đường phố trực tiếp với các khu nhà ở và tiểu khu.
- Những công trình có chức năng đặc biệt: y tế, giáo dục thể thao vui chơi giải trí cần bố trí trên những khu đất riêng có chú ý đến cách li vệ sinh.
- Trong các khu trung tâm thành phố có qui mô lớn cần có những không gian dành riêng cho người đi bộ, trong đó bố trí các vườn hoa nhỏ hay các chỗ nghỉ ngơi.
- Giao thông vận chuyển hàng hoá cho trung tâm phải tách riêng với giao thông công cộng, với xe tư nhân và dòng người đi bộ đến trung tâm.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Qui hoạch Đô thị, KTS. Tô Văn Hùng, trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng, 2005)