|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hoà Phát kiến nghị tiếp tục giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

20:41 | 18/03/2022
Chia sẻ
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát cho biết mặc dù thuế cũng hạ rồi nhưng trong bối cảnh giá nhập khẩu cao như vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục xem xét đề xuất giảm thuế nhập khẩu ở mức tốt hơn

Tại hội nghị chăn nuôi diễn ra sáng ngày 18/3, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát cho biết công ty đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và chi phí chế phẩm an toàn sinh học hiện nay tăng cao.

Để giảm bớt gánh nặng chi phí, ông Khánh kiến nghị tiếp tục giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

"Hiện nay chúng tôi có nhà máy sản xuất thức ăn gia súc. Mặc dù thuế cũng hạ rồi nhưng trong bối cảnh giá nhập khẩu cao như vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục xem xét đề xuất giảm thuế nhập khẩu ở mức tốt hơn", ông Khánh cho nói. 

Hoà Phát kiến nghị tiếp tục giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát (Ảnh chụp màn hình)

Trước đó,  hồi cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã giảm thuế tối huệ quốc (MFN) đối với lúa mì từ 3% xuống còn 0% và ngô từ 5% xuống 2% nhằm giảm gánh nặng chi phi đầu vào.

Tuy nhiên, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Xuân Dương, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng mức giảm này không đủ để hạ nhiệt chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cách tốt nhất để đảm bảo lợi nhuận cho cả người chăn nuôi và doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lúc này đó là tăng giá thịt.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus cho biết việc giảm thuế này chỉ giúp chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm 0,5 - 1%. 

Tại Việt Nam, hiện nay tỷ trọng thức ăn chăn nuôi công nghiệp (thức ăn được sản xuất tại các cơ sở có dây chuyền, thiết bị công nghiệp) chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành chăn nuôi, số còn lại (khoảng 30%) là do người chăn nuôi tận dụng từ nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có hoặc mua nguyên liệu về tự phối trộn.

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang kéo theo giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như lúa mỳ, ngô, đậu tương tiếp tục đà tăng mạnh kéo dài từ năm ngoái.

Theo đó, giá đậu tương, ngô...tăng hơn 20% so với cuối tháng 12/2021. Giá ngô và đậu tương hiện đang đứng ở ngưỡng đỉnh 10 năm. 

Căng thẳng Nga - Ukraine đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao càng cao, doanh nghiệp vào thế khó xử - Ảnh 1.

Diễn biến giá đậu tương từ năm 2021 đến nay. Nguồn: Tradingeconomic

Trong khi đó, giá lúa mỳ cũng đã ở ngưỡng cao nhất mọi thời đại bởi nguồn cung từ Ukraine - nơi được coi là rổ bánh mỳ của thế giới, bị tác động bởi cuộc xung đột với Nga. 

Căng thẳng Nga - Ukraine đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao càng cao, doanh nghiệp vào thế khó xử - Ảnh 2.

Giá lúa mỳ đang ở ngưỡng cao kỷ lục trước căng thẳng Nga - Ukraine leo thang. (Nguồn: Tradingeconomic)

Ngoài ra, lạm phát của thế giới tăng cao, chi phí logistics tăng mạnh do giá xăng dầu tăng, giá thuê container hiện đang ở mức cao càng đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao hơn. 

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đẩy doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vào thế "bí" khi khó lòng tăng giá bán thành phẩm tương ứng với tốc độ tăng của giá nguyên liệu vì để giữ chân khách hàng. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm mới tăng khoảng 35 - 40% trong khi giá nguyên liệu liên tục lập đỉnh.

Trong khi đó, 65% nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, lúa mỳ của Việt Nam đều phụ thuộc vào nhập khẩu.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chỉ khoảng 50%.

Để giải quyết tình hình hiện tại, một số doanh nghiệp đã tính đến việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước.

Ông Hiếu cho biết De Heus đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm thức ăn chăn nuôi trong vòng 2 - 3 năm tới. Hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 - 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty.

"Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT thông tin cho doanh nghiệp về kế hoạch xây dựng vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi trọng điểm, vùng nào trồng cây gì để doanh nghiệp chủ động liên kết với địa phương.

De Heus sẵn sàng phối hợp, xây dựng nhà máy sơ chế, kho trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi", ông Hiếu nói.


H.Mĩ

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.