|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

De Heus lên kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên

13:48 | 18/03/2022
Chia sẻ
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng nếu còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, lời giải bài toán giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá heo giảm vẫn là một ẩn số. Đồng quan điểm, De Heus Việt Nam cũng sẵn sàng hỗ trợ vùng nguyên liệu trong nước nhà máy sơ chế, kho trữ.

Không thể phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu

Câu chuyện giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá heo hơi giảm, nông dân chăn nuôi không có lãi vẫn là thách thức với ngành chăn nuôi trong giai đoạn 2020 đến nay.

Tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi heo và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, các đại biểu cho rằng lời giải cho bài toán này chính là từng bước chủ động sản xuất nguồn nguyên liệu trong nước, giảm áp lực nhập khẩu về thức ăn chăn nuôi.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Chúng ta mới chủ động được 35% có nghĩa rằng 65% nhập từ nước ngoài. Chính vì thế phải tái cơ cấu trong hệ thống cây trồng để làm sao có cánh đồng đủ lớn để áp dụng công nghệ cơ giới hóa và đưa giống ngô, đậu tương năng suất cao để phục vụ cho phát triển thức ăn chăn nuôi.

Nếu không sẽ phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu sẽ rất khó để chủ động. Mục tiêu phải phấn đấu chủ động được khoảng 50%".

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó TGĐ Tập đoàn De Heus Việt Nam cho biết bản thân các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi rất khó khăn vì giá nguyên liệu, logistics phi mã.

"Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT thông tin cho doanh nghiệp về kế hoạch xây dựng vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi trọng điểm, vùng nào trồng cây gì để doanh nghiệp chủ động liên kết với địa phương.

De Heus sẵn sàng phối hợp, xây dựng nhà máy sơ chế, kho trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi", ông Hiếu nói.

Trong mảng chăn nuôi heo, De Heus đang có vùng chăn nuôi, nhà máy giết mổ quy mô 2.500 con/ngày ở tỉnh Nam Định. Doanh nghiệp đang hướng đến xuất khẩu thịt heo tươi và sản phẩm chế biến nhưng vẫn chưa có nhiều thông tin về thị trường và tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

De Heus mong muốn Bộ NN&PTNT sớm cung cấp thông tin để các doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, xúc tiến xuất khẩu.

Ông Hiếu cho biết De Heus đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm thức ăn chăn nuôi trong vòng 2 - 3 năm tới. Hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 - 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty.

Đau đầu vì giá thức ăn phi mã, giá heo giảm 

Tại hội nghị, ông Tống Xuân Chinh cho biết giai đoạn 2015 - 2020 giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước tương đối ổn định, thậm chí có thời điểm giảm dần.

Tuy nhiên, giá các mặt hàng này bắt đầu tăng mạnh và liên tục từ 10/2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kèm theo diễn biến thiếu hụt nguồn cung sau căng thẳng Nga – Ukraine đầu năm 2022.

Đỉnh điểm vào đầu tháng 3, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phi mã, trong đó nhóm ngũ cốc có đà tăng mạnh nhất. Hiện, ngô hạt đang ở mức 10.200 đồng/kg, tăng 29%, khô dầu đậu tương khoảng 16.500 đồng/kg, tăng 33%, DDGS (bã ngô) khoảng 10.300 đồng/kg, tăng 23%, lúa mì ở mức 9.850 đồng/kg, tăng gần 50%.

Ngoài ra, giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 với ngô khoảng 11.000 đồng/kg, khô dầu đậu tương trên 17.000 đồng/kg.

De Heus sẽ hỗ trợ vùng nguyên liệu trong nước nhà máy sơ chế, kho trữ, kìm đà tăng của giá thức ăn chăn nuôi - Ảnh 1.

(Số liệu: Cục Chăn nuôi, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao cho đến hết năm 2022.

Do giá nguyên liệu tăng mạnh nên giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở thị trường trong nước cũng tăng theo. So với tháng 3/2021, giá thức ăn cho heo thịt xuất chuồng 12.500 đồng/kg, tăng 18 - 22%.

"Dù giá heo giống đã hạ xuống khá hợp lý, từ 2,6 triệu giảm xuống còn 1,2 triệu/con nhưng giá thức ăn thành phẩm phi mã đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi heo giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ.

Bởi thực tế, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi, giống chiếm tỷ trọng nhỏ hơn", ông Chinh cho biết.

De Heus sẽ hỗ trợ vùng nguyên liệu trong nước nhà máy sơ chế, kho trữ, kìm đà tăng của giá thức ăn chăn nuôi - Ảnh 2.

(Nguồn: Cục Chăn nuôi)

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, đầu tháng 3, giá heo hơi xuất chuồng có xu hướng giảm xuống còn 50.000 – 53.000 đồng/kg sau khi duy trì ở mức cao khoảng 54.000 – 57.000 đồng trong tháng 2.

Ông Tống Xuân Chinh đánh giá giá heo hơi xuất chuồng của 3 miền biến động khá thống nhất, không có chênh lệch lớn giữa các vùng. Tuy nhiên, do khả năng cung ứng khác nhau, giữa các tỉnh có sự chênh lệnh trong khoảng 2.000 – 4.000 đồng/kg.

Cú sốc giá heo hơi giảm mạnh vào quý III/2021 đã tác động đến nhu cầu tiêu thụ heo giống, giá giảm từ 2,4 triệu đồng/con vào nửa đầu năm 2021 xuống 1,1-1,3 triệu đồng/con như hiện nay.

Trong bối cảnh giá thức ăn tăng, giá heo giảm, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết hiện nay cứ 100 kg heo hơi xuất chuồng, nông dân lỗ 300.000 – 500.000 đồng, chăn nuôi nông hộ đang ngày càng thu hẹp lại. Dù giá heo thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt giá cao.

Do vậy, bà Khanh cho rằng trong bức tranh tổng thể ngành nông nghiệp giai đoạn 2030 – 2050 cần có chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ, hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra bền vững, cải thiện giá bán.

Phạm Mơ