|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Căng thẳng Nga - Ukraine đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao càng cao, doanh nghiệp vào thế khó xử

14:28 | 15/03/2022
Chia sẻ
Việc giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao trong khi giá bán thành phẩm không thể tăng tương ứng để giữ chân khách hàng đã đẩy doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vào thế "tiến thoái lưỡng nan".

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn chưa hạ nhiệt

Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang kéo theo giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như lúa mỳ, ngô, đậu tương tiếp tục đà tăng mạnh kéo dài từ năm ngoái.

Theo đó, giá đậu tương, ngô...tăng hơn 20% so với cuối tháng 12/2021. Giá ngô và đậu tương hiện đang đứng ở ngưỡng đỉnh 10 năm.

Căng thẳng Nga - Ukraine đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao càng cao, doanh nghiệp vào thế khó xử - Ảnh 1.

Diễn biến giá đậu tương từ năm 2021 đến nay. Nguồn: Tradingeconomic

Trong khi đó, giá lúa mỳ cũng đã ở ngưỡng cao nhất mọi thời đại bởi nguồn cung từ Ukraine - nơi được coi là rổ bánh mỳ của thế giới, bị tác động bởi cuộc xung đột với Nga.

Căng thẳng Nga - Ukraine đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao càng cao, doanh nghiệp vào thế khó xử - Ảnh 2.

Giá lúa mỳ đang ở ngưỡng cao kỷ lục trước căng thẳng Nga - Ukraine leo thang. (Nguồn: Tradingeconomic)

Ngoài ra, lạm phát của thế giới tăng cao, chi phí logistics tăng mạnh do giá xăng dầu tăng, giá thuê container hiện đang ở mức cao càng đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao hơn.

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đẩy doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vào thế “bí” khi khó lòng tăng giá bán thành phẩm tương ứng với tốc độ tăng của giá nguyên liệu vì để giữ chân khách hàng. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm mới tăng khoảng 35 - 40% trong khi giá nguyên liệu liên tục lập đỉnh.

Trong bối cảnh ngành chăn nuôi vẫn còn đang chịu lỗ bởi chịu tác động dịch COVID-19 khiến nhu cầu thịt heo giảm mạnh, nhiều người lo ngại rằng nếu giá thức ăn chăn nuôi tăng tương ứng với giá nguyên liệu thì số hộ bỏ chuồng sẽ càng cao, đồng nghĩa các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng mất khách hàng.

Thế nhưng nếu không tăng giá bán thì biên lợi nhuận của doanh nghiệp lại bị co hẹp.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus cho biết trước mắt công ty vẫn có thể kiểm soát được mức độ ảnh hưởng của giá nguyên liệu tăng bởi vẫn còn hàng tồn kho dự trữ trước đó.

“Tuy nhiên, chỉ trong vài tuần tới khi phải nhập đợt hàng mới với giá cao hơn thì sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Đại diện của De Heus cho hay hiện vẫn chưa có đánh giá cụ thể việc tăng giá nguyên liệu ảnh hưởng thế nào đến biên lợi nhuận của công ty bởi phải chờ các đợt tăng giá tiếp theo. Thế nhưng, mức tăng giá bao nhiêu để người chăn nuôi vẫn có thể chịu đựng được trong khi đảm bảo sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ là bài toán khó

“Chúng tôi vẫn chưa rõ mức tăng sắp tới bao nhiêu bởi các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi còn “nhìn nhau” để tăng giá vì liên quan đến vấn đề cạnh tranh và tác động đến khách hàng. Hiện các công ty cũng đang cố gắng gồng mình để hỗ trợ khách hàng”.

Thời gian qua, De Heus tập trung nhiều vào mở rộng phân khúc khách hàng lớn. Do đó, khi các khách hàng nhỏ (các trang trại nuôi nhỏ lẻ) lần lượt bỏ chuồng vì chi phí nuôi quá cao trong khi giá thịt quá thấp.

Tuy nhiên, theo đại diện công ty nếu thời gian tới tiếp tục tăng giá cao quá thì cả khách hàng lớn và khách hàng nhỏ cũng đều không trụ được. Do đó, chiến lược của công ty này thời gian tới vẫn tiếp tục phải kìm giá.

Nhằm giảm gánh nặng chi phi đầu vào, cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã giảm thuế tối huệ quốc (MFN) đối với lúa mì từ 3% xuống còn 0% và ngô từ 5% xuống 2%.

Tuy nhiên, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Xuân Dương, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng mức giảm này không đủ để hạ nhiệt chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay. Cách tốt nhất để đảm bảo lợi nhuận cho cả người chăn nuôi và doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lúc này đó là tăng giá thịt.

“Chúng ta phải chấp nhận giá thịt tăng lên thì doanh nghiệp và người chăn nuôi không chịu lỗ. Giá thịt nhiều nước trên thế giới đã tăng rồi, Việt Nam chắc chắn phải tăng. Việc tìm mọi cách giảm giá thức ăn nuôi là đúng nhưng không đầy đủ. Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi không có khả năng chịu thiệt hại mãi”, ông Dương nói.

Vị này dẫn chứng, giá heo hơi cần phải đạt ít nhất 60.000 đồng/kg thì mới đảm bảo các bên cùng hưởng lợi. Hiện tại giá heo hơi đang dao động trong khoảng 52.000 - 54.000 đồng/kg, tuỳ khu vực.

Tuy nhiên, dù muốn tăng giá bán nhưng nhu cầu hiện vẫn còn thấp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều bếp ăn tập thể vẫn chưa hoạt động trở lại.

Tìm đến nguồn cung nguyên liệu trong nước

Trong bối cảnh hiện nay, câu chuyện về ý tưởng phát triển nguồn nguyên liệu lại được đưa lên bàn thảo luận. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang nghiên cứu đề án phát triển công nghiệp hoá ngành thức ăn chăn nuôi tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu trong 10 năm tới sản lượng thức ăn tinh là 40 triệu tấn và thức ăn thô xanh là 144 triệu tấn, ưu tiên khuyến khích nông dân một số vùng mở rộng diện tích trồng cỏ, ngô sinh khối.

Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tận dụng phụ phẩm, phế phẩm từ nông nghiệp như bã bia, rơm, bã sắn, bã bía làm thức ăn chăn nuôi.

Ông Hiếu cho biết De Heus đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm thức ăn chăn nuôi trong vòng 2 - 3 năm tới. Hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 - 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty.

Việc tận dụng nguồn phế, phụ phẩm đã giúp doanh nghiệp “tránh bão” giá trong giai đoạn hiện nay. Trả lời phỏng vấn VTV, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP T&T 159 cho biết công ty ông tận dụng rơm, thân ngô sau đó ủ trộn với vi sinh để trở thành thức ăn cho bò. Chi phí chăn nuôi giảm 10 - 20% nhờ việc chủ động nguồn thức ăn.

Theo ông Dương cần có cơ chế về ưu đãi thuế để khuyến khích các doanh nghiệp tận thu phụ phẩm trong nước. Qua đó, ngành chăn nuôi sẽ bớt phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu.

Mặc dù vậy, vấn đề xử lý nguyên liệu cũng còn nhiều vấn đề. Ông Phan Ngọc Ấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp BaF cho biết nguồn nguyên liệu ngô trong nước có thể đáp ứng một phần nhưng về chất lượng chưa đảm bảo bởi quá trình phơi sấy chưa đạt chất lượng.  

Còn về ngắn hạn, nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu và cơn bão giá sẽ vẫn còn kéo dài.

Cục Chăn nuôi cho biết dự kiến giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022. Theo đó, giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 là ngô khoảng 11.000 đồng/kg, khô dầu đậu tương trên 17.000 đồng/kg.

Để đáp ứng mục tiêu phát triển chăn nuôi tại Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhu cầu thức ăn tinh của cả nước sẽ là khoảng 37 và 44 triệu tấn.

"Như vậy, nguồn nguyên liệu thức ăn tinh trong nước sẽ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu trong giai đoan 2021-2025 và các năm tiếp theo", Cục Chăn nuôi cho biết.

H.Mĩ