|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Căng thẳng Nga - Ukraine kéo theo dây chuyền giá nhiều mặt hàng nông sản tăng mạnh

14:50 | 28/02/2022
Chia sẻ
Theo trang Washington Post, căng thẳng Nga và Ukraine có thể đẩy giá lương thực tại nhiều quốc gia tăng cao do đây là một trong những khu vực sản xuất lúa mỳ và dầu thực vật lớn nhất thế giới. Và sự gián đoạn có thể kéo dài trong vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm vì vụ mùa mới sẽ mất rất lâu nữa mới có thể bắt đầu trở lại.

Cú sốc lạm phát mới này ập đến trong bối cảnh thị trường toàn cầu vẫn đang chịu tác động bởi đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch COVID-19.

Bà Katie Denis, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông và nghiên cứu của Hiệp hội Các thương hiệu tiêu dùng Mỹ (CBA), nhận định xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine gây tác động trên quy mô toàn cầu. 

“Giá năng lượng liên tục tăng và hợp đồng tương lai của các mặt hàng như lúa mỳ và ngô cũng tăng theo. Điều này dẫn đến một vài lo ngại khi chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa vẫn đang ở ngưỡng kỷ lục và nhu cầu tiêu dùng đang ở mức cao nhất kể từ tháng 3/2020”, bà Katie Denis nhận định.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà làm bánh Mỹ (ABC) Robb MacKie cho biết người  tiêu dùng bắt đầu nhận thấy giá các thực phẩm làm từ ngũ cốc đều tăng. Điều này đồng nghĩa giá bánh mì, bia, ngũ cốc và thức ăn chăn nuôi tăng cao.

“Trong trường hợp cả chuỗi giá trị đang chịu tác động, nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài trong vài tuần nữa, giá thực phẩm sẽ tăng cao”  ông MacKie nhận định. 

Giá một số mặt hàng trên sàn giao dịch Chicago đã chạm mốc cao nhất kể từ năm 2012, trong đó có ngô và đậu tương.

Có rất nhiều yếu tố tác động đẩy giá các mặt hàng này tăng cao. Trong đó, các cuộc tấn công gây trở ngại cho hoạt động vận chuyển ở Biển Đen nơi phần lớn các tàu xuất khẩu lúa mì ở khu vực đi qua. Đồng thời, nông dân Ukraine cũng không thể trồng trọt và thu hoạch trong năm nay.

Ông Michael Swanson, chuyên gia kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính Wells Fargo nhận định tác động của căng thẳng Nga - Ukraine sẽ kéo dài trong nhiều năm. 

Theo đó, nông dân Ukraine không thể bắt đầu vụ mùa mới. Còn tại Nga, mặc dù vụ mùa vẫn diễn ra bình thường nhưng có thể sẽ phải đổi mặt với lệnh trừng phạt từ nhiều thị trường. Những vấn đề này không thể giải quyết quyết “một sớm một chiều”.

Ukraine là quốc gia sản xuất ngô và đậu tương lớn thứ 4 thế giới. Đồng thời quốc gia này cũng là nhà cung cấp hàng đầu hạt hướng dương, thành phần quan trọng sản xuất dầu ăn. Hai nước Nga và Ukraine cung cấp 29% tổng lượng lúa mì xuất khẩu và 75% lượng dầu hạt hướng dương xuất khẩu toàn cầu, nhà phân tích Kelly Goughary cho biết. 

Vị này cho rằng việc thiếu hụt hạt hướng dương từ Nga và Ukraine có thể đẩy giá một số loại hạt khác cũng là nguyên liệu chế biến dầu ăn như đậu nành, cọ. 

Nga là ông lớn cung cấp khí gas tự nhiên - nguyên liệu để sản xuất phân bón. Giá gas tăng và nguồn cung suy giảm sẽ đẩy giá phân bón tăng thêm. Nga đồng thời nằm trong top nước xuất khẩu 3 nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón là nitơ, phốt pho và kali. Việc cắt giảm nguồn cung có thể làm tăng giá phân bón.

Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu phân bón của Việt Nam từ Nga tăng mạnh hơn 30% so với năm 2020 lên 143 triệu USD. Đặc biệt trong tháng cuối năm năm, kim ngạch tăng tới gần 500% so với tháng 11. Kim ngạch nhập khẩu phân bón từ Nga chiếm tỷ trọng khoảng 10% trong tổng nhập khẩu mặt hàng này năm 2021.

Do mối quan hệ giữa năng lượng và giá nông sản, xung đột sẽ tác động đến nông nghiệp và nguồn cung cấp lương thực trên toàn cầu. Điều này tác động rất lớn đến quyết định của nông dân trong việc trồng gì? và trồng với số lượng bao nhiêu?

Giá phân bón tăng cao đồng nghĩa với chi phí trồng ngô (dùng làm thức ăn chăn nuôi) tại Mỹ cũng sẽ nâng lên và người nông dân khó lòng có lãi.

Chuyên gia phân tích Todd Hultman cho rằng chi phí chăn nuôi tiếp tục tăng cao có thể ảnh hưởng tới nguồn cung thịt bò, thịt heo. 

Tại thời điểm nhu cầu vẫn cao và nguồn cung đã giảm vì các vấn đề như hạn hán vào mùa hè năm ngoái, sự gia tăng các bệnh do vi rút ở heo và cả những ách tắc tại các cơ sở chế biến thịt khi bắt đầu đại dịch khiến một số người chăn nuôi gia súc và heo không có nơi để giết mổ gia súc.

Sự tắc nghẽn khiến các công ty thịt lớn trả ít hơn cho các chủ trang trại, do đó khiến nhiều người trong số họ phải thu hẹp đàn.

Kyle Holland, một nhà phân tích định giá về hạt và ngũ cốc tại Mintec, chuyên phân tích dữ liệu giá hàng hóa thực phẩm, cho biết mối quan tâm chính của nhiều nhà kinh tế hiện nay là một cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine sẽ làm thay đổi dòng chảy thương mại.

“Nếu bạn không thể mua ngũ cốc từ Ukraine và Nga, bạn sẽ tìm nguồn cung cấp ở đâu? Chúng tôi thực sự không biết câu trả lời, ” Ông nói.

“Chẳng hạn như nếu Nga phong tỏa các cảng, nhiều nước sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu phổ biến nhất của Nga. Điều đó có thể tạo ra tình huống các nước không thể nhập khẩu lúa mỳ từ Nga . Vậy các nước sẽ nhập khẩu từ đâu?”.

H.Mĩ