|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phó TGĐ De Heus phân trần về lý do tăng giá thức ăn chăn nuôi sau Tết

16:51 | 17/02/2022
Chia sẻ
Giá một số mặt hàng nguyên liệu đã tăng 5-6% khiến De Heus buộc phải tăng giá bán thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm... Dù ngô, lúa mì được giảm thuế MNF nhưng hai mặt hàng này chỉ chiếm một lượng nhỏ trong cấu thành thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó TGĐ Tập đoàn De Heus phân trần.

Mới đây, Tập đoàn De Heus thông báo điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi cho heo và gà thịt tăng thêm 300 đồng/kg, thức ăn gia cầm và heo con tăng 240 đồng/kg, các loại khác tăng 200 đồng/kg. Mức tăng này áp dụng kể từ ngày 16/2.

Điều này trái với kỳ vọng của người chăn nuôi sau khi giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, kể từ ngày 30/12/2021, Chính phủ điều chỉnh giảm thuế tối huệ quốc (MFN) của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%.

Phó TGĐ De Heus phân trần về lý do tăng giá thức ăn chăn nuôi sau Tết - Ảnh 1.

De Heus vừa tăng giá thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, bò, dê và thỏ. (Ảnh: De Heus)

Lý giải nguyên nhân tăng giá, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus cho biết sau Tết Nguyên đán, giá một số mặt hàng nguyên liệu đã tăng 5-6%, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá bán sản phẩm.

"Để sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp cần rất nhiều nguyên liệu, song chỉ một số mặt hàng được giảm thuế, chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu giá thành sản xuất. Chưa kể, doanh nghiệp đang phụ thuộc tới 85% nguyên liệu nhập khẩu", ông Hiếu nói.

Phó TGĐ De Heus dự báo giá nguyên liệu và thức ăn hỗn hợp có thể tiếp tục leo thang khi các nước Nam Mỹ, Bắc Mỹ và châu Âu đối mặt với hiện tượng thời tiết cực đoan khiến sản lượng các loại nguyên liệu giảm, đẩy giá lên cao hơn.

Bên cạnh đó, những yếu tố như lạm phát trên thế giới ở mức cao, chi phí logistics, xăng dầu phi mã, thiếu container, tắc cảng… tác động mạnh đến thị trường nguyên liệu.

"Việc giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi là khó khăn chung của doanh nghiệp và người chăn nuôi. Chúng tôi sẽ cân đối làm sao hài hòa lợi ích giữa các bên, không để giá bán tăng sốc.

Bởi nếu giá cám quá cao, người chăn nuôi không mặn mà tái đàn, tăng đàn thì doanh thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ngoài ra có thể mất khách hàng", ông Hiếu nói.

Phạm Mơ