|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá ngô nhập khẩu hạ nhiệt nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn sẽ còn tăng?

07:12 | 19/11/2021
Chia sẻ
Việc giá nguyên liệu tăng 16 - 36% khiến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng 15 - 20% so với cuối năm 2020. Cùng với đà tăng của hàng hóa, lương thực trên toàn cầu, giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa hạ nhiệt.

Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô trong tháng 10 đạt 819 nghìn tấn ngô, kim ngạch đạt 234 triệu USD tăng 14% về lượng, tăng 6% về giá trị so với tháng 9.

Lũy kế 10 tháng, nhập khẩu ngô của cả nước đạt 8,5 triệu tấn, tương đương 2,4 tỷ USD, giảm 15% về lượng và tăng 21% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng nếu Việt Nam tiếp tục 'ăn đong' nguyên liệu của thế giới - Ảnh 1.

Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) Việt Nam đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Tuy nhiên, ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc 90% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi. 

Kể từ cuối năm 2020, giá nguyên liệu tăng 16 - 36% khiến giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng 8 - 9 đợt, tương đương 15 - 20%. 

Mới đây, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) công bố giá lương thực tăng 30% trong năm qua vì nhu cầu tiêu thụ tăng trong khi sản lượng giảm do yếu tố thời tiết bất lợi.

Giá ngô nhập khẩu trong tháng 10 đạt 286 USD/tấn, giảm nhẹ 7% so với đợt tăng giá cao điểm từ tháng 6 – 9, nhưng vẫn tăng 55% so với tháng 10/2020.

Giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng nếu Việt Nam tiếp tục 'ăn đong' nguyên liệu của thế giới - Ảnh 2.

Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh.

Dù giá ngô nhập khẩu bắt đầu hạ nhiệt nhưng chưa tương xứng với chi phí sản xuất khi giá hàng hóa, xăng dầu, gas tăng phi mã.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus dự báo: "Giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn một đợt tăng nhẹ nữa".

Để hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi, De Heus tăng mua nguyên liệu sẵn có tại Việt Nam như bột cá tra, basa, cám gạo, sắn, ngô... Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng nguyên liệu của Việt Nam chưa lớn vì sản lượng không đủ cung cấp cho nhà máy. 

Đại diện De Heus cho biết doanh nghiệp đã xúc tiến với các tỉnh ở Tây Nguyên khuyến khích người dân trồng ngô và thu mua cho nông dân. Còn với cây nguyên liệu khác, De Heus chưa tính đến vì còn phụ thuộc vào quy hoạch của nhà nước.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm, ngô được nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu từ ba thị trường Argentina, Brazil và Ấn Độ.

Giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng nếu Việt Nam tiếp tục 'ăn đong' nguyên liệu của thế giới - Ảnh 3.

Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh.

Đáng chú ý, nhập khẩu ngô từ Ấn Độ tăng vọt trong 10 tháng đầu năm với 1 triệu tấn, tương đương 306 triệu USD, tăng 556 lần về lượng và tăng 489 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 13% lượng nhập khẩu ngô của Việt Nam.

Ngoài ra, nhập khẩu từ Argentina, thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam đạt 4,7 triệu tấn, tương đương 1,4 tỷ USD, giảm 22% về lượng, giảm 10% giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 17% lượng nhập khẩu ngô của Việt Nam.

Sau Argentina, nhập khẩu ngô từ Brazil đạt 1,4 triệu tấn, tương đương 334 triệu USD, tăng 2,2 lần về lượng, tăng 2,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 31% lượng nhập khẩu ngô của Việt Nam.

Hoàng Anh