|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hiệp hội thực phẩm chức năng (The Viet Nam Association of Functional Food - VAFF) là gì?

15:11 | 11/11/2019
Chia sẻ
Hiệp hội thực phẩm chức năng (tiếng Anh: The Viet Nam Association of Functional Food - VAFF) là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực về thực phẩm chức năng và các lĩnh vực khác có liên quan.
e814c553f2e1e15c4762cec68e2176e6a12a2447

Hình minh họa (Nguồn: news4)

Hiệp hội thực phẩm chức năng

Khái niệm

Hiệp hội thực phẩm chức năng trong tiếng Anh gọi là: The Viet Nam Association of Functional Food - VAFF.

Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (sau đây gọi là Hiệp hội) được thành lập theo Quyết định số 1425/QĐ-BNV ngày 14 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, là:

Tổ chức xã hội nghề nghiệp của các doanh nghiệp, tổ chức và công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ về thực phẩm chức năng và các lĩnh vực khác có liên quan.

Mục đích

Hiệp hội được thành lập nhằm mục đích tập hợp, kết nối các doanh nghiệp, tổ chức và công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thực phẩm chức năng và các lĩnh vực liên quan nhằm:

Hợp tác hỗ trợ, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên, hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng đúng đắn, khoa học; 

Đồng thời hỗ trợ, liên kết các hội viên cùng tham gia sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng có chất lượng và giá trị cao để mang lại lợi ích tối đa cho người tiêu dùng;

Mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; từng bước xây dựng lĩnh vực thực phẩm chức năng thành một lĩnh vực mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Nhiệm vụ 

1. Tập hợp và kết nạp doanh nghiệp, tổ chức và công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm chức năng và lĩnh vực có liên quan tự nguyện vào Hiệp hội.

2. Tổng hợp ý kiến hội viên để kiến nghị với cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề có liên quan tới sự phát triển Hiệp hội và lĩnh vực Hiệp hội hoạt động theo qui định của pháp luật.

3. Phổ biến kiến thức về thực phẩm chức năng cho cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho người dân nâng cao nhận thức và tiếp cận với việc sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng để bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật và kéo dài tuổi thọ; 

Vận động người dân sử dụng thực phẩm chức năng; vận động người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc trong lĩnh vực thực phẩm chức năng cũng như lĩnh vực có liên quan đóng góp xây dựng Hiệp hội và thực hiện các hoạt động quốc tế phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội và theo qui định của pháp luật.

4. Giúp đỡ hội viên trau dồi đạo đức, nghề nghiệp, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; 

Vận động hội viên chấp hành nghiêm quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các qui định của pháp luật về thực phẩm chức năng. Vận động hội viên đoàn kết, tích cực đóng góp để xây dựng và phát triển Hiệp hội theo qui định của pháp luật.

5. Tổ chức nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng nghiệp vụ về chuyên ngành thực phẩm chức năng cho hội viên; 

Tham gia giới thiệu và thực hiện xúc tiến thương mại, các dịch vụ quảng cáo, kiểm nghiệm, chứng nhận, công nhận, bình chọn, xét thưởng, kiểm tra, giám sát, đánh giá nguy cơ và các vấn đề liên quan đến thực phẩm chức năng theo qui định của pháp luật.

6. Thực hiện khai thác, nuôi trồng, di thực nguồn nguyên liệu thực phẩm chức năng để sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng có chất lượng cao theo qui định của pháp luật phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

7. Tổ chức các loại hình đào tạo, truyền thông, tập huấn, hội nghị, hội thảo trong nước, quốc tế thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học về thực phẩm chức năng theo qui định của pháp luật.

8. Bảo trợ và giúp đỡ các hội viên trong chuyển giao, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo nguồn nguyên liệu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm thực phẩm chức năng Việt Nam.

9. Liên kết và phối hợp hoạt động giữa các hội viên trên cơ sở tự nguyện, cùng có lợi.

10. Xây dựng cơ sở vật chất và mở rộng địa bàn hoạt động của Hiệp hội; xây dựng và phát triển thực phẩm chức năng Việt Nam thành một ngành kinh tế y tế mang tính dân tộc, khoa học, hiện đại và hội nhập theo qui định của pháp luật.

11. Xuất bản, phát hành báo, tạp chí và các ấn phẩm khác về thực phẩm chức năng theo qui định của pháp luật.

(Tài liệu tham khảo: Điều lệ Hiệp hội thực phẩm chức năng)

Tuyết Nhi