|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hàng hóa Nga loay hoay tìm lối thoát: Hàng không bị cấm, đường biển cũng bị cạch mặt

15:51 | 02/03/2022
Chia sẻ
Gần một nửa số tàu container của thế giới sẽ không còn đến và đi từ Nga, làm rối loạn dòng chảy thương mại của mọi loại mặt hàng, từ thực phẩm, kim loại đến quần áo và hàng điện tử.
Hàng hóa Nga loay hoay tìm lối thoát: Đường không bị cấm, đường biển cũng bị cạch mặt - Ảnh 1.

Đội tàu container của Maersk sẽ ngừng hoạt động tại Nga. (Ảnh: Reuters).

Hai công ty vận tải khổng lồ A.P Moller-Maersk và MSC Mediterranean Shipping cho biết họ đang tạm ngừng hoạt động ở Nga. Trước đó, hai ông lớn hàng hải khác là Hapag-Lloyd và Ocean Network Express cũng đã ngừng cung cấp dịch vụ ở Nga. Danh sách những công ty ngưng hoạt động hoặc rút khỏi Nga sau cuộc tấn công vào Ukraine ngày càng dài.

Loạt động thái trên có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng lên hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Nga, cũng như làm leo thang giá cả các hàng hóa quan trọng như nhôm. 

Tuy nhiên, điều đó cũng đồng thời khiến Nga ngày càng bị cô lập trên thị trường thế giới. Doanh nghiệp Nga sẽ phải tìm kiếm các con đường mới để nhập hàng cũng như xuất khẩu nguyên liệu thô, đe dọa gia tăng gánh nặng chi phí của người tiêu dùng toàn cầu.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết Maersk vốn chịu trách nhiệm vận chuyển một số đơn hàng hàng cho tập đoàn nhôm khổng lồ của Nga là United Co. Rusal International và việc đình chỉ dịch vụ gây rủi ro cho hoạt động xuất khẩu của Rusal. 

Một số hãng tàu khác đã từ chối vận chuyển các mặt hàng của Nga như nickel, nhưng tác động lên khối lượng cho đến nay là rất nhỏ, nguồn tin khác đánh giá.

Hàng hóa Nga loay hoay tìm lối thoát: Hàng không bị cấm, đường biển cũng bị cạch mặt - Ảnh 2.

Tổng cộng, Maersk, MSC, Hapag-Lloyd và One Network chiếm khoảng 47% công suất vận chuyển container toàn cầu, theo Alphaliner. Công ty phân tích Xeneta ước tính xuất nhập khẩu hàng hóa theo container của Nga chiếm khoảng 3% khối lượng hàng hóa thế giới.

Quyết định của các công ty vận tải được đưa ra sau khi các cảng biển của Ukraine đóng cửa và thương nhân ngày càng cảnh giác với việc đặt hàng từ Nga. Điều này đang cản trở hoạt động thương mại lương thực và đẩy giá ngũ cốc giao sau lên cao hơn nữa, trong bối cảnh giá thực phẩm thế giới đang gần đỉnh lịch sử.

Đối với Nga, việc tạm dừng dịch vụ của các công ty vận tải biển sẽ giáng thêm đòn đau vào nền kinh tế và tiêu chuẩn sống của người dân do hàng nhập khẩu có thể sẽ trở nên khan hiếm hơn. Theo bài đăng trên Facebook của giám đốc chuỗi cửa hàng điện tử DNS của Nga thì giá một số mặt hàng điện tử đã nhảy vọt 30% khi đồng ruble mất giá.

Ông Peter Sand, trưởng nhóm phân tích tại Xeneta nhận định: "Bị cô lập trên đường biển sẽ có tác động lớn với Nga hơn là thương mại thế giới. Việc này sẽ ảnh hưởng đến công chúng Nga cũng như doanh nghiệp".

Ông Sand cho biết Nga có thể nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt từ Trung Quốc để giảm thiểu hậu quả, nhưng sẽ mất thời gian để thiết lập quy trình này.

Dường như Nga không chỉ bị cô lập trên thị trường vận tải dành cho hàng hóa thành phẩm. Các công ty môi giới tàu biển tiết lộ chủ tàu đang cảnh giác với việc cung cấp tàu chở dầu để thu gom sản phẩm dầu của Nga cho đến khi chắc rằng nước này sẽ không bị trừng phạt thêm.

Hai công ty điều hành các đội tàu chở dầu lớn cho biết họ sẽ hạn chế giao dịch với Nga. Maersk Tankers, công ty quản lý 230 tàu, sẽ không tham gia hoạt động kinh doanh mới ở Nga. Tương tự, Torm cũng thông báo họ sẽ không tham gia hoạt động kinh doanh mới với các cảng của Nga.

Ngày 1/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng cường trừng phạt Nga bằng việc cấm các chuyến bay của nước này qua không phận Mỹ, quyết tâm "vắt kiệt kinh tế Nga". Lệnh cấm áp dụng cho các chuyến bay chở hàng, chở khách, các chuyến bay được đặt trước hoặc thuê.

Trong những ngày qua, hàng loạt quốc gia châu Âu như Đức, Pháp và Anh cũng đã đóng cửa không phận với máy bay Nga, ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty vận tải và chuỗi cung ứng hàng hóa.

Giang