Lưỡng đảng thúc ép ông Biden cấm nhập khẩu dầu Nga, ‘đánh vào điểm yếu nhất của ông Putin’
Sức ép từ hai phía
Việc ngừng nhập khẩu sản phẩm dầu mỏ của Nga rất có thể sẽ khiến giá xăng ở Mỹ nhảy vọt và do đó là nước đi rủi ro về mặt kinh tế lẫn chính trị với ông Biden. Giá dầu thô đã lên đến gần 110 USD/thùng trong hôm nay (2/3), khiến lo ngại về lạm phát dâng cao.
Tuy nhiên, lưỡng đảng Mỹ đang kêu gọi chính quyền ông Biden cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, làn sóng ủng hộ mạnh mẽ tương tự như khi các đảng viên Dân chủ đề xuất loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Ban đầu Nhà Trắng cũng phản đối biện pháp trục xuất Nga khỏi SWIFT do lo ngại về hậu quả, nhưng sau cùng đã đổi ý khi quân đội Nga tiến sâu hơn vào Ukraine.
Các thành viên Đảng Cộng hòa hàng đầu như Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho rằng ông Biden đang thất bại trong việc "đánh vào điểm yếu nhất nhất của ông Putin". Tuy nhiên, cũng giống như sự đảo chiều của ông Biden về SWIFT, áp lực từ các thành viên cùng Đảng Dân chủ có thể sẽ tạo ra thay đổi lớn.
Hôm 1/3, ông Ed Markey, thuộc Đảng Dân chủ và là thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã giới thiệu dự luật cấm mọi hoạt động nhập khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga vào Mỹ.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Joe Manchin (cũng thuộc Đảng Dân chủ) đang dẫn đầu nỗ lực khác là kêu gọi chính phủ cho phép mở rộng hoạt động khoan dầu trong nước để Mỹ có thể tăng cường xuất khẩu sang các đồng minh NATO.
Ông Manchin gọi việc Mỹ phụ thuộc vào năng lượng của Nga là "lố bịch". Ông không phải là đảng viên Dân chủ duy nhất muốn thay đổi chính sách của chính quyền Biden về dầu khí.
Thượng nghị sĩ Bob Casey sẵn lòng cân nhắc những biện pháp trước đây ông chưa từng nghĩ đến, bao gồm sản xuất thêm năng lượng. Và Thượng nghị sĩ Jon Tester cho biết ông có thể ủng hộ tăng cường khai thác dầu.
Ông Tester giải thích: "Thực tế là chúng ta đang đối mặt với rắc rối khác hẳn trước đây, đó là Mỹ có thể phải cung ứng năng lượng cho châu Âu".
Trong 2021, mỗi ngày Mỹ mua khoảng 600.000 thùng dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga, tăng 24% so với năm trước, theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng (EIA). Con số này tương đương với khoảng 3% tiêu thụ dầu của Mỹ.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng đề xuất lệnh dự luật cấm nhập khẩu Nga của họ vào cuối ngày 1/3.
Tín hiệu đáng chú ý
Chính quyền Biden chưa có động thái nào để chấm dứt nhập khẩu dầu khí Nga. Nhưng hôm 1/3, một quan chức cấp cao đã ra dấu hiệu sẵn sàng thực hiện các bước để giảm thiểu tác động từ việc chấm dứt nhập khẩu dầu thô của Nga.
Cụ thể, Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Bharat Ramamurti nói với Bloomberg TV: "Chúng tôi đã nói với chuyện với OPEC+ về việc tăng cường sản lượng. Đồng thời, chúng tôi cũng đang thảo luận để phối hợp giải phóng dự trữ dầu thô ra thị trường".
Chính quyền ông Biden cũng đang đối mặt với lời kêu gọi từ ngành công nghiệp dầu khí trong nước. Ông Mike Wirth, CEO Chevron, nói rằng bất kỳ biện pháp ngắn hạn nào của chính quyền ông Biden cũng nên đi kèm với cam kết lâu dài về hỗ trợ đầu tư trong ngành dầu khí nội địa.
Song, tăng cường sản xuất nhiên liệu hóa thạch đi ngược với quan điểm của nhiều đảng viên Dân chủ, những người vốn coi biến đổi khí hậu là mối đe dọa và ủng hộ thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer đang hạ thấp vấn đề dầu khí Nga. Ông nói rằng dầu Nga chỉ chiếm phần nhỏ trong nguồn cung năng lượng của Mỹ.
Ở diễn biến khác, ông Manchin, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Thượng viện, đang lên kế hoạch tổ chức các phiên điều trần về khai thác dầu khí. Cú thúc này đến vào lúc lo ngại về lạm phát và giá khí đốt lên cao còn tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Biden đi xuống.
Trong khi đó Đảng Cộng hòa đã yêu cầu tăng cường sản xuất dầu khí trong nước kể từ khi ông Biden nhậm chức và đang đòi hỏi giảm bớt ràng buộc cho ngành này.