Gượng dậy sau phá sản, Forever 21 thể hiện trách nhiệm với môi trường để kéo giới trẻ tới cửa hàng
Forever 21, chuỗi bán lẻ thời trang, đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ vào mùa thu năm ngoái do gánh nặng nợ nần và sự thờ ơ ngày càng tăng của giới trẻ. Hãng đã đóng một số cửa hàng trong tổng số hơn 800 điểm bán đang hoạt động.
Các sáng kiến bảo vệ môi trường
Mặc dù vậy, trong quá trình khôi phục kinh doanh, ban lãnh đạo Forever 21 tuyên bố họ vẫn tiếp tục thực hiện những giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của hoạt động kinh doanh đối với môi trường.
Báo Los Angeles Time đưa tin, Forever 21 đang thử nghiệm chương trình đổi giày và hàng dệt may cũ lấy phiếu giảm giá 15% tại các cửa hàng của họ ở thành phố Los Angeles. Với phiếu giảm giá, người mua sẽ hưởng mức chiết khấu 15% trong giao dịch tương lai.
100% túi giấy và túi nilon mà Forever 21 sử dụng sẽ là loại túi được tái chế và tái sử dụng. Họ tái chế hộp đựng hàng ở các điểm phân phối hàng ngày.
Trụ sở của tập đoàn ở bang California lấy điện từ các tấm pin mặt trời. Tập đoàn tiếp tục vận chuyển hàng bằng đường biển và hàng không để giảm thiểu lượng phát thải khí carbon.
Mọi nỗ lực mới nhất của Forever 21 đều nhắm tới việc thu hút sự chú ý của thế hệ Z (những người sinh sau năm 1997). Hàng loạt khảo sát và nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế hệ Z rất quan tâm tới bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Họ sẽ ưu tiên những sản phẩm, dịch vụ của những thương hiệu mà họ cảm thấy có trách nhiệm với xã hội và thế giới.
Sai lầm khiến Forever 21 tuột mất sự ủng hộ của giới trẻ
Sự phá sản của Forever 21 từng xuất phát từ một sai lầm chiến lược: Họ đánh giá thấp sự tinh tế và thông minh của những người trẻ tuổi hiện tại.
Từ khi mở rộng thị trường nhanh chóng vào đầu những năm 2000, Forever 21 đã trở thành một trong những thương hiệu thời trang nhanh thống trị tại Mỹ.
Nhờ bắt chước các mẫu mã từ các nhãn hàng thời trang cao cấp, quần áo giá rẻ chỉ mất vài tuần từ khâu thiết kế, sản xuất đến phân phối tại khắp các cửa hàng trên thế giới. Ở Forever 21, một áo phông có giá chưa đến 3 USD.
Sản phẩm ra đời liên tục với nhiều kiểu dáng phong phú của Forever 21 từng là thứ đặc biệt lôi cuốn thế hệ Millennials (hay Gen Y, những người sinh từ năm 1981-1996), những người chạm ngưỡng tuổi thiếu niên vào những năm đầu thế kỷ 21.
Đối với họ, bước chân vào cửa hàng Forever 21 cũng giống như lạc bước vào thiên đường với nhiều món đồ hấp dẫn.
Tại thời kỳ hoàng kim, Forever 21, cùng với các đối thủ như Zara và H&M đã thành công vì nó mang đến cho giới trẻ sự hứng thú hơn bất kỳ mô hình kinh doanh thời trang nào khác.
Song dần dần đó chỉ còn là câu chuyện quá khứ.
Khác với thế hệ Millennial, những người phát cuồng trước sự phong phú của Forever 21 và coi việc cập nhật thời trang nhanh là cách để bắt kịp các xu hướng hiện hành, người tiêu dùng thế hệ Z lại coi quần áo của các hãng này chỉ là đồ “rẻ tiền và ai cũng mặc”.
Thomai Serdari, một chuyên gia về thương hiệu thời trang và giáo sư tại Đại học New York (Mỹ), cho biết sự trùng lặp trong cách ăn mặc đã trở nên nhàm chán với người mua sắm trẻ tuổi ngày nay.
“Một sự khác biệt lớn với thế hệ Z so với thế hệ trước là họ không cố gắng để trông giống nhau. Forever 21 đã quá coi thường điều này và đi đến kết cục phá sản”, cô nói.
“Gen Z thích tìm tòi hơn là bắt chước. Ngân sách eo hẹp nên họ thích mua sắm online vì có nhiều ưu đãi tốt hơn. Nói cách khác, việc bán quần áo giá rẻ trong những mặt bằng rộng, thuận tiện về mặt đi lại không còn là ưu điểm nổi bật trong mắt người trẻ”, nữ chuyên gia đánh giá.
Trong thời kỳ bùng nổ của Internet và người trẻ nào cũng sở hữu smartphone, các nhà bán lẻ thời trang nhanh trực tuyến coi việc tận dụng sức mạnh của mạng xã hội và hiểu rõ về xu hướng thiết kế là yếu tố then chốt quyết định thành bại của việc kinh doanh.