Thương hiệu thời trang nhanh biến quần áo cũ thành sản phẩm mới ngay trước mắt khách hàng
CNN đưa tin tập đoàn H&M cho phép người tiêu dùng ở Stockholm (thủ đô Thụy Điển) sẽ có thể biến quần, áo cũ thành sản phẩm mới trong vòng 5 giờ từ hôm 12/10.
Khách hàng có thể mang quần, áo, đồ vải cũ mà họ không còn muốn sử dụng tới cửa hàng của H&M tại thành phố Stockholm - nơi máy giặt sẽ làm sạch chúng trước khi cho chúng vào một cỗ máy có tên Looop. Nó sẽ phân rã đồ cũ thành các sợi, rồi sử dụng các sợi để tạo ra sản phẩm mới.
Sáng kiến của H&M ra đời trong bối cảnh lượng rác thải có nguồn gốc từ ngành thời trang đang tăng nhanh trên toàn cầu.
H&M tuyên bố quá trình tái chế không dùng hóa chất và nước. Looop có thể xử lí nhiều hơn một sản phẩm cùng lúc. Thời gian tái chế trung bình khoảng 5 giờ và khách hàng có thể quan sát quá trình ấy.
Hiện tại, khách hàng có thể chọn một trong 3 sản phẩm để Looop tái chế - gồm áo len, chăn trẻ em hoặc khăn quàng. Mức phí cho mỗi lần tái chế từ 11 tới 16 USD.
"Chúng tôi muốn mở rộng hoạt động tái chế với Loop", H&M khẳng định với CNN. Họ nói thêm rằng họ mới chỉ triển khai dịch vụ tái chế ở Thụy Điển, và không cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch mở rộng dịch vụ sang những nước khác.
Mặc dù Looop có thể lan truyền ý thức về việc tái sử dụng và tái chế quần, áo cũ, giới quan sát nhận định H&M chưa có đủ nguồn lực để nhân rộng mô hình. Vì thế, sáng kiến của họ chưa thể tác động tới lượng rác thải khổng lồ từ sản phẩm thời trang nhanh trên toàn cầu.
Dữ liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cho thấy, trong năm 2017, người dân Mỹ đã thải ra 16,9 triệu tấn rác từ hàng dệt may. Tỉ lệ tái chế hàng dệt may cũ chỉ đạt 15,2%, tương đương 2,6 triệu tấn.
Các thương hiệu thời trang nhanh không thiết kế quần áo của họ để tồn tại lâu (và họ không thể), nhưng khi là các sản phẩm của thời đại cuồng tiêu thụ, chúng có thể trở thành một phần quan trọng của nhiên liệu hóa thạch.
Vi sợi tổng hợp cũng sẽ kết thúc vòng đời của chúng ở biển, hồ, sông và các nơi khác, bao gồm cả những phần sâu nhất của đại dương và các đỉnh núi băng cao nhất.
Hơn 60% sợi vải hiện là chất tổng hợp, có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, nếu và khi quần áo của chúng ta rơi vào bãi rác (khoảng 85% chất thải dệt ở Mỹ đi đến bãi rác hoặc được đốt), chúng sẽ không phân hủy.
Vấn đề cơ bản mà mô hình kinh doanh thời trang nhanh không thể giải quyết là: Muốn tăng thu nhập, họ phải bán nhiều sản phẩm hơn, nghĩa là phải đẩy các bộ sưu tập mới ra thị trường càng nhanh càng tốt.
"Kì vọng người tiêu dùng ngừng mua sản phẩm thời trang là điều phi thực tế. Vì vậy, chúng ta cần áp dụng những phương pháp sản xuất bền vững như nhuộm không nước, biến phế liệu thành nguyên liệu thôi, phát triển những giải pháp để xử lý rác thải dệt may", Patsy Perry, giảng viên bộ môn Tiếp thị thời trang của Đại học Manchester (Anh), bình luận.