|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tương lai ngành thời trang nhanh sau 'cú sốc' từ đại dịch COVID-19

20:20 | 11/06/2020
Chia sẻ
Theo khảo sát của Euromonitor International, gần 40% các doanh nghiệp trong lĩnh vực thời trang cho rằng tác động của đại dịch COVID-19 sẽ nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Những con phố mua sắm ở nhiều nơi trên thế giới đang chứng kiến sự trở lại, dù còn chậm chạp, của những cửa hàng thời trang tên tuổi như Zara, H&M và Gap.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề về tài chính cho lĩnh vực thời trang nhanh đồng thời khuyến cáo ngành này cần một cuộc cải tổ triệt để nếu muốn hồi phục.

Thời trang nhanh là dòng thời trang bắt kịp xu hướng nhanh chóng và có giá cả bình dân.

Theo khảo sát của Euromonitor International, gần 40% các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho rằng tác động của đại dịch COVID-19 sẽ nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Doanh thu từ quần áo và giày dép cũng sẽ giảm ít nhất 12% trong năm nay.

Inditex, tập đoàn Tây Ban Nha đi đầu trong lĩnh vực thời trang nhanh, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang Zara, mới đây công bố báo cáo thua lỗ 409 triệu euro trong quý 1/2020.

Đây là lần đầu tiên tập đoàn báo lỗ kể từ khi bắt đầu phát hành cổ phiếu vào năm 2001.

Thời kỳ lệnh phong tỏa được áp dụng tại hầu hết các quốc gia để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, 88% cửa hàng Zara phải đóng cửa, doanh thu của tập đoàn giảm một nửa.

Tuy nhiên, vốn có tiềm lực tài chính trong khi cổ phiếu của tập đoàn vẫn duy trì sức hút ổn định trên các sàn chứng khoán, Inditex không phải cho nhân viên nghỉ phép và vẫn chi trả cho nhân viên trong giai đoạn khủng hoảng do đại dịch.

Tuy nhiên, các đối thủ của Inditex lại không có được sự may mắn đó. Primark phải cho gần 8.000 nhân viên tại Tây Ban Nha nghỉ phép.

Khoảng 68.000 nhân viên thuộc chuỗi cửa hàng thời trang bình dân này của Anh hiện đang sống nhờ vào các khoản trợ cấp nghỉ phép từ chính phủ.

Giám đốc điều hành Geogre Weston cho biết từ ngày 22/3 đến 21/4, nhãn hàng này không bán được sản phẩm nào. Mango cũng thực hiện chương trình tương tự với 4.700 nhân viên.

Tương lai ngành thời trang nhanh sau 'cú sốc' từ đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Hãng thời trang H&M cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. (Nguồn: Bloomberg)

Hiện hàng chục nghìn nhân viên của H&M trên toàn thế giới vẫn đang trong thời gian tạm nghỉ trong bối cảnh công ty này ước tính quý 2/2020 sẽ thua lỗ do doanh thu giảm 46% trong tháng 3 vừa qua.

Dù đã mở cửa trở lại khoảng 5.000 cửa hàng nhưng hiện số cửa hàng của hãng không thể hoạt động cũng đang ở mức 1.350.

Chuỗi bán lẻ của Mỹ Gap cũng báo lỗ 900 triệu USD trong quý 1/2020.

Khi lệnh phong tỏa dần nới lỏng, các cửa hàng mở cửa trở lại, Uniqlo, nhãn hiệu thời trang nổi tiếng của Nhật Bản, cho biết doanh số bán hàng trong tháng 5 vừa qua ở mức ổn định sau một tháng sụt giảm khoảng 60%.

Inditex cũng cho biết tốc độ phục hồi tăng dần được ghi nhận ở 3/4 số cửa hàng mới mở trở lại.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định sẽ mất khá lâu để thời trang nhanh có thể phục hồi như trước khi dịch bệnh xảy ra.

Benjamin Simmenauer, giáo sư Viện thời trang Pháp ở Paris, cho rằng các nhãn hàng trong tình trạng hàng hóa chất đầy kho, mà các mặt hàng thời trang lại mang tính thời vụ điển hình.

Các bộ sưu tập mới thay đổi rất nhanh trong khi hàng cũ vẫn tồn càng khiến việc phục hồi trở nên khó khăn.

Tương lai ngành thời trang nhanh sau 'cú sốc' từ đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Một cửa hàng của GAP ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Hơn nữa, cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh đã đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu vào tình trạng rối loạn. Một số tập đoàn đã hủy các đơn hàng với các nhà cung cấp châu Á, gây ra những vấn đề lớn cho nhân công dệt may ở nhiều nước.

Theo chuyên gia phân tích Marguerite Le Rolland của Euromonitor, trong ngắn và trung hạn, nhu cầu thời trang của người tiêu dùng có thể sẽ giảm vì thu nhập giảm.

Ngoài ra các yếu tố như khi các biện pháp giãn cách xã hội vẫn cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan thì xu hướng và sở thích đi mua sắm cũng sẽ phần nào bị ảnh hưởng.

Cùng với đó, cuộc khủng hoảng dịch bệnh cũng đã thúc đẩy trào lưu mua sắm trực tuyến.

Hầu hết các tập đoàn thời trang đều báo cáo doanh thu trực tuyến tăng, Inditex tăng 50%, Gap tăng 13% trong khi H&M tăng 17% trong quý 1/2020 và mức tăng trong tháng 4 và tháng 5 dự tính sẽ cao hơn.

Giáo sư Simmenauer tin rằng dịch bệnh sẽ tác động tới xu hướng thời trang của người tiêu dùng nên các nhãn hàng cũng phải chú ý tới điểm này để có những kế hoạch cải tổ toàn diện và bám sát thị hiếu chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi bền vững sau dịch.

Lê Ánh