|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH: Cơ chế tính giá đất bồi thường sát giá thị trường nhưng phải tính đúng, tính đủ cho người dân

14:53 | 03/11/2022
Chia sẻ
Theo các đại biểu, để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và người dân thì cơ chế tính giá đất bồi thường phải sát giá thị trường và phải bảo đảm tính đúng, tính đủ cho người bị thu hồi. Các tiêu chí xác định giá thị trường cũng cần phải được quy định thật cụ thể.

Sáng ngày 3/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa nêu vấn đề về việc bồi thường đất. Cụ thể, việc giao Chính phủ quy định chưa phù hợp, thay vào đó dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định cụ thể luôn để tránh việc lạm dụng việc thu hồi đất tại các địa phương, đặc biệt là đối với đất nông nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người nông dân.

Tại Khoản 2, Điều 97 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Theo đó, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Đại biểu cho rằng, nội dung này cũng đã được đề cập tại Luật cũ cũng như các Văn kiện của Đảng, tuy nhiên, trên thực tế để triển khai là cực kỳ khó.

Trong khi đó, thực tế cho thấy giá đất bồi thường đất thường thấp hơn với các khoản hỗ trợ, bồi thường, chưa bảo đảm được sinh kế lâu dài cho người bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, phần lớn chưa quan tâm đúng mức đến việc tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề cho người có đất bị thu hồi trong độ tuổi lao động.

Cũng theo ông Trí, người dân khi bị thu hồi đất thì dẫn đến mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, phần lớn lại không có cơ hội và không đủ điều kiện để tìm được việc làm mới, do vậy dễ phát sinh khiếu kiện,... Vì vậy, cần có chính sách và thể chế đầy đủ các nội dung bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất, của nhà đầu tư trong việc thu hồi đất. 

Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: Quốc hội).

Liên quan đến vấn đề này, tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, việc đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và người dân là bài toán rất khó. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi, cơ chế tính giá đất bồi thường phải sát giá thị trường và phải bảo đảm tính đúng, tính đủ cho người bị thu hồi. Các tiêu chí xác định giá thị trường cũng cần phải được quy định cụ thể.

Các Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về phương án ổn định nghề nghiệp cho người bị thu hồi đất theo hướng nâng cao hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đảm bảo bằng với tài chính, mức sống của người có đất nông nghiệp trước khi bị thu hồi; bổ sung quy định hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng tại khu tái định cư để bảo đảm ổn định chỗ ở cho người có đất bị thu hồi.

Do đó, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ các nguyên tắc được tái định cư, thu hồi đất khi dự án tái định cư đã hoàn thành hay chưa hoàn thành, nếu dự án tái định cư chưa hoàn thành có được thu hồi đất không? 

Đại biểu Lương Quốc Đoàn, ĐBQH tỉnh An Giang (Ảnh: Quốc hội).

Còn theo đại biểu Lương Quốc Đoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, vướng mắc hiện hành như chênh lệch địa tô là một trong những vấn đề bức xúc khá lớn, đặc biệt là đối với người dân trong diện và bị thu hồi đất trong quá trình phát triển xây dựng các đô thị.

Chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư có những điểm không nhất quán dẫn đến chênh lệch. Vấn đề bảo đảm kế sinh nhai cho người dân, nhiều vùng tái định cư không bảo đảm đời sống cho người dân; việc đền bù, hỗ trợ để người dân có ở nơi ở mới tương đương hoặc tốt hơn nơi ở cũ là rất khó xác định. Do đó, đại biểu đề nghị quan tâm cụ thể đến khảo sát, đánh giá tạo sinh kế cho những người mà bị mất đất, đặc biệt là trong sản xuất.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cũng đánh giá, vấn đề thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng của Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy cùng thực hiện dự án tại Việt Nam nhưng những dự án sử dụng vốn ODA hay của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có công tác chuẩn bị dự án mất nhiều thời gian hơn nhưng công tác tái định cư làm rất tốt.

Theo đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo tiền khả thi làm đồng thời với báo cáo xã hội và tái định cư. Trong khi đó các dự án đầu tư công tại Việt Nam lại thường giao việc tái định cư cho địa phương, nên gây ra bất cập.

Đại biểu Huân cho rằng, về nguyên tắc là bảo đảm người dân vùng dự án sau khi di dời có được cuộc sống ít nhất bằng hoặc tốt hơn nhưng nếu không đánh giá kỹ sẽ không biết được người dân có thực sự có cuộc sống tốt hơn hay không.

Hạ An