|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sàn giao dịch quần, áo cũ góp phần làm giảm tội lỗi của ngành thời trang với môi trường

06:04 | 30/12/2019
Chia sẻ
Mua sản phẩm từ những sàn giao dịch quần, áo cũ là một trong những cách để người tiêu dùng thể hiện mối quan tâm của họ đối với tương lai của Trái đất.

Thương hiệu thời trang xa xỉ Burberry tiêu hủy hàng tồn. Họ đã tiêu hủy lượng hàng tồn trị giá 38 triệu USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2018. Các nhà đầu tư đã đặt câu hỏi về cách làm ấy vào năm ngoái, trong cuộc họp thường niên của Burberry, theo Bloomberg. 

Hai tháng sau, Burberry tuyên bố họ sẽ ngừng tiêu hủy sản phẩm. Thay vào đó, họ quyên góp hoặc tái chế các sản phẩm tồn.

Sàn giao dịch hàng thời trang cũ có thể là cứu cánh của môi trường - Ảnh 1.

Một cửa hàng thời trang của thương hiệu Burberry ở thành phố London, Anh. Ảnh: Independent

Người mua hàng, trong khi đó, đang chuyển sang những nhà bán lẻ không sản xuất: Những người bán hàng thời trang cũ. Các chợ trực tuyến như ThredUp Inc. và Poshmark đã trở nên phổ biến trong thập kỉ này kể từ khi chúng ra đời. 

Mọi người đưa thông tin về quần áo cũ nhưng vẫn còn tính thời trang lên các chợ trực tuyến và người tiêu dùng mua chúng với giá thấp hơn nhiều giá bán lẻ ban đầu.

ThredUp tiết lộ họ nhận 100.000 sản phẩm quần áo phụ nữ và trẻ em mỗi ngày. Người bán đóng sản phẩm vào một túi vừa gửi tới ThredUp. Công ty xử lí sản phẩm và mua những mặt hàng họ muốn, sau đó niêm yết thông tin trên chợ trực tuyến.

Khách hàng độ tuổi thiếu niên là nhóm người mua quan tâm tới môi trường và giá hơn so với các nhóm tuổi khác, theo Sam Blumenthal, người phát ngôn của ThredUp. 

Sàn giao dịch quần, áo cũ góp phần làm giảm tội lỗi của ngành thời trang với môi trường - Ảnh 2.

Một khách hàng mua quần áo cũ từ sàn giao dịch ThredUp. Ảnh: LA Times

Giới đầu tư cũng có mối quan tâm giống khách hàng ở độ tuổi thiếu niên, theo Crunchbase. Bằng chứng là ThredUp đã huy động hơn 380 triệu USD trong các vòng gọi vốn.

"Chúng ta đang chứng kiến sự lên ngôi của tiêu dùng có ý thức. Vài năm trước, người tiêu dùng không nhận ra tác động xấu của quần áo đối với môi trường. Nhưng giờ đây họ đang bắt đầu hiểu rằng thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm lớn nhất", Sam nói.

Karl-Johan Persson, giám đốc điều hành của tập đoàn thời trang H&M, phản đối những phong trào chống chủ nghĩa tiêu dùng. Tháng trước, ông nói với Bloomberg rằng nỗ lực giảm tác động môi trường bằng cách giảm mức mua sản phẩm hay tránh những hoạt động làm tăng khí phát thải carbon sẽ dẫn tới những hậu quả xã hội tai hại.

"Chúng ta phải giảm tác động môi trường, nhưng đồng thời cũng phải tiếp tục tạo việc làm, cải thiện hệ thống y tế và những thứ giúp nền kinh tế phát triển", Persson phát biểu.

Nhạc Phong