Thị trường Việt Nam - Mỏ vàng cho các thương hiệu thời trang xa xỉ toàn cầu
Bên ngoài cửa hàng Burberry tại Tràng Tiền Plaza. (Ảnh: Shutterstock)
Kể từ khi bắt đầu mở cửa hàng cho các thương hiệu xa xỉ trên toàn cầu tại Việt Nam năm 2007, CEO Trần Thị Hoài Anh của công ty GlobalLink đã mang nhiều thương hiệu như Balenciaga, The Row và Celine về với người tiêu dùng Việt Nam.
"Mong muốn sở hữu những món đồ hàng hiệu thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết ở Hà Nội và TP HCM", bà Trần Thị Hoài Anh - chủ sở hữu của nhiều cửa hàng đa thương hiệu cao cấp ở hai thành phố trên cho hay.
"Chỉ một thập kỉ trước, khách hàng chỉ phân vân giữa Gucci và Prada, thì thế hệ người tiêu dùng giàu có và trẻ tuổi hiện nay lại tìm kiếm các sản phẩm xa xỉ chất lượng tốt, độc lạ và gia công chỉn chu", CEO GlobalLink chia sẻ với tờ Business of Fashion.
Việt Nam từng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới cách đây gần ba thập kỉ, tuy nhiên tăng trưởng GDP trong quí III/2019 đạt 7,31%, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.
Business of Fashion dẫn số liệu cho biết ngành thời trang Việt Nam tạo ra khoảng 2.500 tỉ USD doanh thu mỗi năm và con số này sẽ tăng gấp đôi trong thập kỉ tới.
Ngoài ra, Việt Nam còn sở hữu dân số trẻ và có trình độ học vấn cao nhất châu Á, với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng lên. Đây là ba yếu tố cần thiết để thị trường hàng hóa xa xỉ phát triển mạnh mẽ.
Mặc dù các thương hiệu châu Âu vẫn tiếp tục tập trung vào khách mua sắm giàu có ở các thị trường châu Á khác như Trung Quốc và Nhật Bản, họ ngày càng chú ý đến các chỉ số đáng khích lệ ở Việt Nam như kinh tế tăng trưởng mạnh, đô thị hóa nhanh, doanh nghiệp địa phương "ăn nên làm ra" và bộ phận người tiêu dùng trẻ tuổi.
Tuy nhiên, tương tự ở bất kì quốc gia nào khác, làm quen với khách mua hàng địa phương và nghiên cứu đặc điểm của thị trường là yếu tố quan trọng để làm kinh doanh.
Tầng lớp trung lưu mới nổi ý thức về địa vị xã hội, tích cực mua sắm hàng hiệu
Theo Boston Consulting Group (BCG), 16% dân số Việt Nam sẽ trở nên giàu có vào năm 2030, so với tỉ lệ 5% năm 2018. BCG nhận định khái niệm "người tiêu dùng giàu có" là các đối tượng "có sức mua tốt và sẵn sàng tiêu tiếp nhận nhiều sản phẩm, dịch vụ cao cấp và xa xỉ".
Ông Long Nguyễn - nhà tư vấn sáng tạo người Mỹ gốc Việt kiêm đồng sáng lập Flaunt Magazine, cho biết: "Tầng lớp trung lưu mới nổi tại Việt Nam rất ý thực về địa vị kinh tế - xã hội của họ. Các thương hiệu hàng xa xỉ giúp họ khẳng định đẳng cấp xã hội của bản thân".
Bà Trần Thị Hoài Anh cho biết ngành thời trang Việt Nam đã đạt được bước ngoặt lớn khi các thương hiệu xa xỉ cuối cùng cũng đã hiểu được khách hàng mới của họ.
Một góc trong cửa hàng Runway Rex (Rex Hotel, TPHCM). (Ảnh: Courtesy)
"Chúng tôi bắt đầu quan sát thấy một thế hệ sinh viên Việt Nam xuất thân từ những gia đình giàu có, du học nước ngoài, lấy bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ và trở về nước. Họ có sức mua và đang ở độ tuổi mà bản thân muốn tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình", CEO GlobalLink nói.
Các thương hiệu thời trang xa xỉ của nước ngoài đã tìm ra cách mới để khai thác nhóm khách hàng giàu có và trẻ tuổi này. Chẳng hạn, vào cuối tháng 10, Hermès đã tổ chức triển lãm "Hermès Heritage - In Motion" tại Văn miếu Quốc Tử Giám.
Theo bà Trần Thị Hoài Anh, khách mua sắm hàng hiệu tại Việt Nam ngày càng ý thức về địa vị và dễ tiếp nhận các thương hiệu xa xỉ "lạ" như Comme des Garçons và Gabriela Hearts - hai thương hiệu có mặt tại chuỗi cửa hàng đa thương hiệu Runway và RRR của GlobalLink.
"Chuỗi cửa hàng Runway là bằng chứng sống cho thấy các thương hiệu thời trang xa xỉ độc đáo có thể bán chạy tại thị trường Việt Nam, bất chấp việc các thương hiệu lớn khác liên tục mở rộng và phủ sóng mạnh mẽ", bà cho biết.
"Tôi có nhiều khách hàng sẵn lòng mua một chiếc áo thun trị giá 1.000 USD không có logo chỉ vì họ thích vẻ độc đáo của sản phẩm", bà Trần Thị Hoài Anh nhấn mạnh.
Hàng hiệu nhưng phải có nét "địa phương"
Ngay cả với các thương hiệu xa xỉ hàng đầu, cuộc chơi cũng không hề dễ dàng. Bà Trần Thị Hoài Anh cho hay việc các thương hiệu mải cạnh tranh nhưng không nâng cao độ phủ sóng đối với người tiêu dùng có thể khiến những thương hiệu tiếng tăm ở nước ngoài khó tìm chỗ đứng tại thị trường bán lẻ phân mảnh của Việt Nam.
"Tên tuổi mang tầm quốc tế không đảm bảo thành công cho thương hiệu tại Việt Nam. Rất nhiều hãng thời trang xa xỉ đã thất bại ở thị trường Việt Nam", bà nhấn mạnh.
Giá cả là một phần quan trọng của cuộc chơi.
Theo bà Trần Nguyễn Thiên Hương - Tổng biên tập Harper's Bazaar Việt Nam kiêm Chủ tịch công ty truyền thông Sun Flower Media, người tiêu dùng Việt Nam thường chọn mua sắm hàng hiệu ở nước ngoài trong khi đi du lịch tại London hay Paris, vì chỉ riêng thuế nhập khẩu tại Việt Nam đã chiếm 30 - 45% tổng số tiền họ bỏ ra khi ở nước ngoài.
Bà Trần Nguyễn Thiên Hương nhận định giá hàng hiệu tại Việt Nam đã đắt hơn 10 - 15% so với các thành phố khác trên thế giới.
"Phần lớn người giàu đều đi du lịch, mỗi tuần hoặc mỗi tháng. Những doanh nhân thực thụ không mua hàng hiệu tại Việt Nam, họ mua chúng ở nước ngoài", Tổng biên tập Harper's Bazaar tiết lộ.
Tuy nhiên, điều này sắp sửa thay đổi. Vào tháng 6, Ủy ban châu Âu (EC) và chính phủ Việt Nam đã kí kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
"Các công ty hàng hiệu của châu Âu sẽ được hưởng lợi từ chính sách miễn thuế quan, nhờ đó một chiếc túi Dior tại Việt Nam sẽ có giá tương đương ở Paris", bà Trần Nguyễn Thiên Hương cho hay.
Khi cơ hội đến, các thương hiệu thời trang xa xỉ cần phải sẵn sàng tiếp đón khách hàng VIP của mình. "Người tiêu dùng Việt Nam muốn mua nhiều thứ, nhưng cái họ muốn nhất là trả ít tiền hơn so với ở nước ngoài".
Ngoài ra, thương hiệu hàng xa xỉ nên bắt lấy cơ hội thương mại trực tuyến khi mà lĩnh vực này đang dần bùng nổ tại Việt Nam, trong khi chi phí thuê mặt bằng để mở cửa hàng truyền thống tại các trung tâm thương mại thường khá cao.