Sản xuất quá nhanh và nhiều, thời trang nhanh đang đắc tội với môi trường
Các nhà bán lẻ thời trang trở thành tập đoàn lớn bằng cách nhanh chóng tung ra những sản phẩm giá rẻ mới mẻ để kéo những người "đú trend" vào các cửa hàng.
Nhưng việc đó dẫn tới một hậu quả. Sản xuất nhanh quần, áo theo lô lớn có thể tiết kiệm chi phí, song nếu những sản phẩm không được bán hết, chúng sẽ trở thành rác.
Hàng tồn trở thành rác
Khuyến khích người tiêu dùng mua thường xuyên khi xu hướng thay đổi đồng nghĩa với việc quần, áo cũ có thể kết thúc cuộc đời ở bãi rác.
Liệu thời trang nhanh có thể tồn tại trong một thế giới bền vững hơn chăng? Câu trả lời tương đối phức tạp, theo Los Angeles Times.
"Nếu mô hình kinh doanh của bạn dựa trên khối lượng, nó không phải là một phần của phong trào bền vững trong bất kì ngành nào", Dana Thomas, một nhà báo kiêm tác giả cuốn sách "Fashionopolis: The Price of Fast Fashion and the Future of Clothes".
Ngành thời trang tạo ra 10% khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu và tiêu thụ nhiều năng lượng hơn ngành hàng không và vận tải biển, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc. Cứ mỗi giây, một lượng rác dệt may có thể chất đầy xe tải bị đốt hoặc đưa ra bãi rác, theo Liên Hợp Quốc.
Stefano Ricci, thương hiệu thời trang xa xỉ không chấp nhận giảm giá trị sản phẩm bằng việc chiết khấu, từng tiết lộ với báo The Wall Street Journal rằng năm ngoái, họ thường xuyên đốt hàng tồn.
Compagnie Financiere Richemont, tập đoàn sở hữu thương hiệu đồng hồ cao cấp Cartier, mua lại những đồng hồ tồn và nung chảy chúng để dùng trong các mẫu thiết kế mới. Hành động đó tái chế nguyên liệu, song vẫn làm tăng gấp đôi qui trình sản xuất.
Hennes & Mauritz, tập đoàn thời trang nhanh ở Thụy Điển, từng cảnh báo các nhà đầu tư vào năm ngoái bằng việc báo cáo rằng giá trị hàng tồn kho của họ đã lên tới 4,3 tỉ USD và con số vẫn tiếp tục tăng. Đó là dấu hiệu cho thấy mức sản xuất của hãng đã vượt khả năng bán hàng.
Tập đoàn phải chiết khấu nhiều hơn để giải phóng hàng tồn, và họ không thể ngừng sản xuất mẫu. Trong nhiều tháng, hãng phải tìm cách để thoát khỏi tình trạng nguy cấp đó.
Sự thay đổi trong ý thức của người mua
Người tiêu dùng đang để ý tới rác của ngành thời trang. Dân Mỹ ngày càng thể hiện sự quan tâm tới việc mua sản phẩm bền vững, và dữ liệu bán hàng cho thấy xu hướng ấy.
Năm ngoái, người tiêu dùng Mỹ chi 128,5 tỉ USD cho những sản phẩm tiêu dùng nhanh bền vững như hàng tạp hóa và giấy vệ sinh, theo một khảo sát của Nielsen. 48% người Mỹ tham gia khảo sát trả lời rằng họ sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng để giảm tác động môi trường.
Giới tiêu dùng trẻ đặc biệt quan tâm tới ảnh hưởng của bản thân họ đối với môi trường. Theo khảo sát của Nielsen, 53% thanh niên trong độ tuổi 21-34 nói họ đã từ bỏ hàng hiệu để mua những sản phẩm thân thiện môi trường, so với tỉ lệ 34% người trong độ tuổi 50-64.
Natan Reddy, nhà phân tích dữ liệu cao cấp của công ty phân tích dữ liệu CB Insights, nhận định rằng các thương hiệu sẽ không tự trở nên thân thiện với môi trường.
"Tôi nghĩ phần lớn thương hiệu tỏ ra thân thiện môi trường do nhu cầu của người tiêu dùng", Natan phát biểu. .