|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giảm phát tại Trung Quốc có thể đang bước vào giai đoạn nguy hiểm

08:14 | 10/09/2024
Chia sẻ
Giảm phát đã xuất hiện tại Trung Quốc kể từ năm ngoái và đang có dấu hiệu xấu đi. Tình trạng này đe doạ triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nhiều chuyên gia kêu gọi Bắc Kinh nên hành động ngay lập tức.

(Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Dữ liệu do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào đầu tuần xác nhận rằng ngoài chi phí thực phẩm, giá tiêu dùng hầu như không tăng trong thời điểm thu nhập của người dân giảm sút.

Trong 4 tháng qua thì lạm phát tăng thấp hơn dự báo trong ba tháng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ vào tháng 8 và chủ yếu là nhờ giá thực phẩm đi lên 2,8%. CPI lõi chỉ tăng 0,3% và vẫn ở dưới mức 1% trong tháng thứ 18 liên tiếp.

Trong khi đó, giá sản xuất đã trên đà giảm phát kể từ cuối năm 2022. Dữ liệu cho thấy giá nguyên liệu thô và giá bán của các nhà sản xuất đều tụt tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 8, trong phi chi phí của các công ty dịch vụ và xây dựng giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4/2020.

Theo Bloomberg Economics và các nhà phân tích tại BNP Paribas, chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) - một thước đo về giá cả trên toàn nền kinh tế - có khả năng sẽ kéo dài đà giảm sang năm 2025.

Hiện tại, thước đo này đã giảm 5 quý liên tiếp. Nếu dự đoán của Bloomberg và BNP Paris là chính xác, Trung Quốc sẽ rơi vào chuỗi giảm phát dài nhất kể từ khi các nhà phân tích thu thập dữ liệu vào năm 1993.

Giảm phát cũng đang tác động đến các nhà đầu tư. Đợt tăng giá gần đây của trái phiếu đã đẩy lợi suất xuống mức thấp kỷ lục và làm dấy lên mối lo ngại rằng các ngân hàng đã trở nên quá nhạy cảm với rủi ro lãi suất.

Áp lực giá suy yếu còn thể hiện rõ trong tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa. GDP chỉ tăng 4,2% trong quý II, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng kinh tế thực tế cả năm 2024 là khoảng 5%.

Vào thời điểm giá cả không thể đi lên, tăng trưởng danh nghĩa là một chỉ báo hữu ích hơn vì nó phản ánh tốt hơn những thay đổi về tiền lương của người lao động, lợi nhuận của doanh nghiệp và doanh thu của chính phủ, nhà kinh tế Luo Zhiheng của Yuekai Securities cho hay.

Đối với Jack Liu, một nhân viên bán hàng chuyên về các sản phẩm nhôm ở miền nam Trung Quốc, giảm phát đã ảnh hưởng đến gia đình anh sau khi người đàn ông 37 tuổi nhận ra mình không còn gọi thêm trứng cho bữa sáng nữa.

Nhu cầu thị trường giảm mạnh đã buộc công ty của Liu phải hạ giá bán và chấp nhận lỗ vào năm ngoái. Thu nhập của anh giảm từ hơn 1 triệu nhân dân tệ (tương đương 141.000 USD) xuống còn chưa đến 1/10. Gia đình Liu phải chật vật thanh toán nợ vay mua nhà.

 

Giai đoạn thứ hai

“Chúng ta chắc chắn đang giảm phát và có thể đang trải qua giai đoạn thứ hai của quá trình giảm phát”, nhà kinh tế Robin Xing của Morgan Stanley nhận định.

“Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy giảm phát càng kéo dài thì cuối cùng Trung Quốc sẽ càng phải bơm nhiều kích thích hơn để đẩy lùi thách thức nợ - giảm phát”, vị chuyên gia cảnh báo.

Mối nguy hiểm đối với Trung Quốc là giảm phát có thể gây ra hiệu ứng lan toả. Các hộ gia đình đang lao đao vì tiền lương hao hụt có thể sẽ cắt giảm chi tiêu hoặc trì hoãn việc mua hàng vì họ kỳ vọng giá cả sẽ giảm thêm.

Khi doanh thu bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp sẽ kìm chế kế hoạch đầu tư và dẫn đến việc cắt giảm lương cũng như sa thải lao động. Điều này sẽ khiến nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản hơn.

Các cuộc khảo sát tư nhân cho thấy điều đó đã bắt đầu xảy ra. Trong các lĩnh vực kinh tế được chính phủ ưu ái như sản xuất xe điện và năng lượng tái tạo, mức lương khởi điểm đã giảm gần 10% trong tháng 8 so với mức đỉnh vào năm 2022, theo Caixin Insight Group và Business Big Data.

Một cuộc khảo sát do Trường Kinh doanh Cheung Kong thực hiện trên 300 giám đốc doanh nghiệp cho thấy tăng trưởng chi phí lao động trong tháng 8 là mức yếu nhất kể từ tháng 4/2020.

Dữ liệu khác từ Zhaopin cho thấy mức lương tuyển dụng trung bình tại 38 thành phố lớn hầu như không thay đổi trong quý II, trái ngược với mức tăng trưởng 5% trong hai năm trước đại dịch.

Đây là những gì Nhật Bản từng trải qua kể từ thập niên 1990, giai đoạn nổi tiếng với cái tên “thập kỷ mất mát”. Nền kinh tế Nhật Bản trì trệ hàng chục năm sau khi bong bóng bất động sản và tài chính vỡ tung.

Theo Bloomberg, trong khi giới chức Trung Quốc tìm cách ngăn các chuyên gia thảo luận về giảm phát, vấn đề này đã bắt đầu được đề cập công khai nhiều hơn.

Tuần trước, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang cho biết Bắc Kinh nên ưu tiên loại bỏ giảm phát. Tại hội nghị Bund ở Thượng Hải, ông kêu gọi chính phủ nên áp dụng “chính sách tài khoá chủ động và chính sách tiền tệ thích ứng”.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Ngay cả việc nới lỏng chính sách tiền tệ cũng có thể gây ra giảm phát vì chủ yếu các chính sách vẫn tập trung vào phía cung, ông Michael Pettis, thành viên Quỹ Carnegie vì Hoà bình Quốc tế, lưu ý vào tháng trước.

 

Yên Khê