|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hết dư thép và xe điện, Trung Quốc có nguy cơ thừa thêm một mặt hàng quan trọng khác

07:00 | 08/09/2024
Chia sẻ
Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã chi 24,7 tỷ USD để mua thiết bị sản xuất chip. Con số này cao hơn mức 23,7 tỷ USD mà Hàn Quốc, Đài Loan, Bắc Mỹ và Nhật Bản chi trong cùng giai đoạn.

Các chuyên gia lo sợ Trung Quốc sẽ dư thừa chất bán dẫn. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Theo một báo cáo được công bố vào ngày 5/9, Trung Quốc đang tăng cường chi tiêu cho thiết bị sản xuất chip, vượt qua tổng mức chi của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản trong nửa đầu năm nay.

Trung Quốc đẩy mạnh chi tiêu trong bối cảnh nước này đang nỗ lực để tự chủ về chất bán dẫn. CNBC nhận định Bắc Kinh đang muốn phòng ngừa những rủi ro khác từ các lệnh hạn chế công nghệ của phương Tây.

Theo dữ liệu từ hiệp hội bán dẫn SEMI, trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc đã chi 24,7 tỷ USD để mua thiết bị sản xuất chip. Con số này cao hơn mức 23,7 tỷ USD mà Hàn Quốc, Đài Loan, Bắc Mỹ và Nhật Bản chi trong cùng giai đoạn. Mỹ chiếm phần lớn chi tiêu của khu vực Bắc Mỹ.

Trung Quốc mua ngày càng nhiều thiết bị kể từ khi Mỹ ban hành các hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt hơn vào tháng 10/2022. Theo SEMI, tổng chi tiêu của Trung Quốc đã nhảy vọt từ 28 tỷ USD vào năm 2022 lên 36,6 tỷ USD vào năm 2023. Dự kiến chi tiêu sẽ vượt 35 tỷ USD trong năm nay.

Chia sẻ với CNBC, ông Clark Tseng, Giám đốc cấp cao tại SEMI, cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục tích trữ thiết bị cho đến nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, ông dự đoán nhu cầu sẽ chững lại vào năm tới vì nước này “cần tiêu hoá công suất mới”.

Nhu cầu cần thiết hay dư thừa công suất?

Ông Tseng cảnh báo việc đầu tư quá mức như vậy cuối cùng sẽ dẫn đến “tình trạng sản xuất kém hiệu quả hoặc dư thừa công suất trong tương lai”. Điều đó có thể gây ra áp lực về giá cho các đối thủ khác.

Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc sản xuất những con chip thế hệ cũ. Những sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện tử tiêu dùng, ô tô và đồ gia dụng.

Ở một góc độ nào đó, Trung Quốc “đang trên đà” trở thành một quốc gia có thể sản xuất những con chip cũ, theo nhận xét của ông Alex Capri - giảng viên của Đại học Quốc gia Singapore và đồng thời là nhà nghiên cứu tại Viện Hinrich.

Thế giới có thể sẽ sớm phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất sản xuất những con chip cũ. Câu chuyện tương tự đang xảy ra trong các ngành công nghiệp khác như thép, xe điện và tấm pin mặt trời.

Các doanh nghiệp nước ngoài khó có thể cạnh tranh với các công ty Trung Quốc khi họ xả hàng hoá giá rẻ hơn ra thị trường quốc tế.

 

Tuy nhiên, “Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước” với các con chip tiên tiến và mạnh mẽ, ông Capri nhấn mạnh.

Vị chuyên gia lưu ý rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ khiến Trung Quốc khó tiếp cận một công nghệ cực kỳ hiện đại gọi là máy quang khắc cực tím. “Trung Quốc đang cố gắng tìm cách chế tạo công nghệ đó, nhưng điều này gần như là không thể”.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu của Viện Hinrich vẫn đề cập đến một trường hợp ngoại lệ là điện thoại Mate 60 Pro của Huawei - sản phẩm được ra mắt vào năm ngoái với con chip 7 nanomet.

Mặc dù ông lớn bán dẫn SMIC của Trung Quốc đã đạt bước đột phá khi sản xuất được chip 7 nanomet mà không cần máy quang khắc cực tím hiện đại, việc sản xuất vẫn kém hiệu quả và tốn kém hơn nhiều.

Khó đẩy lùi Trung Quốc

Ông Capri cho biết các công ty Trung Quốc có thể đang tích trữ thiết bị sản xuất chip như một “động thái phòng ngừa” trước rủi ro Washington có thể áp đặt thêm hạn chế xuất khẩu trước cuộc bầu cử tổng thống.

Tuy vậy, các lệnh hạn chế trước đó cũng không thể ngăn Trung Quốc trở thành nguồn doanh thu lớn nhất của nhiều nhà sản xuất thiết bị hàng đầu thế giới.

Năm ngoái, dưới sự thúc giục của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Hà Lan và Nhật Bản đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất chip tiến tiến sang Trung Quốc.

Song, gã khổng lồ thiết bị bán dẫn của Hà Lan là ASML lại chứng kiến doanh thu từ thị trường Trung Quốc tăng gấp đôi từ 17% trong quý IV/2022 lên 49% vào quý II năm nay.

Cả Tokyo Electron và Screen Holdings của Nhật Bản đều ghi nhận hơn 40% tổng doanh thu từ Trung Quốc trong quý II và dự kiến doanh số sẽ tiếp tục tăng.

Theo số liệu của SEMI, trong quý II, doanh thu bán thiết bị sản xuất chip toàn cầu cho Trung Quốc đạt 12,2 tỷ USD, cao hơn hẳn con số 4,5 tỷ USD cho Hàn Quốc, 3,9 tỷ USD cho Đài Loan và 1,6 tỷ USD cho Nhật Bản.

Yên Khê

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.