|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc đang sa chân vào cuộc suy thoái mà Nhật Bản chật vật mãi mới thoát ra?

20:12 | 20/08/2024
Chia sẻ
Báo cáo do ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố vào đầu tuần trước đã chỉ ra một vài thông tin gây lo ngại, đặc biệt là về nhu cầu đi vay trong nền kinh tế.

Một con phố tại Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Bước thụt lùi gợi lên nhiều nỗi lo

Báo cáo do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố vào đầu tuần trước đã tiết lộ một vài thông tin gây lo ngại.

Trong tháng 7, các ngân hàng Trung Quốc chỉ phê duyệt khoảng 260 tỷ nhân dân tệ (tương đương 36,3 tỷ USD) các khoản vay mới, giảm gần 88% so với con số 2.130 tỷ nhân dân tệ trong tháng 6.

Đặc biệt, nếu không tính đến tín dụng dành cho các tổ chức tài chính, các khoản cho vay mới đã giảm 77 tỷ nhân dân tệ so với một tháng trước. Đây là lần đầu tiên thước đo này thu hẹp kể từ tháng 7/2005.

Hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại suy yếu bất chấp việc PBoC đã cắt giảm một loạt lãi suất quan trọng vào tháng 7 để thúc đẩy niềm tin và nhu cầu của người dân trong nước.

Bản báo cáo là bằng chứng mới nhất cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản đã để lại những vết thương khó lành cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

 

Hiện tại, các hộ gia đình đang rất quan tâm tới việc tiết kiệm. Theo dữ liệu của PBoC, tiền gửi của các hộ gia đình đã vọt lên mức kỷ lục - hơn 147.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 20.200 tỷ USD) - vào cuối quý II.

Chỉ riêng trong tháng 6, tiền gửi đã tăng thêm 2.140 tỷ nhân dân tệ - cao hơn 10,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng nhìn chung vẫn ở gần mức thấp nhất trong ít nhất ba năm.

Vấn đề là, mặc dù gần đây người dân gửi ít tiền vào ngân hàng hơn, chi tiêu tiêu dùng không hề khởi sắc. Doanh số bán lẻ tháng 7 tăng 2,7% so với cùng kỳ nhưng chủ yếu là nhờ vào mức nền so sánh thấp.

Hồi tháng 6, thước đo này còn ghi nhận mức tăng trưởng yếu nhất trong một năm rưỡi trong bối cảnh áp lực giảm phát buộc doanh nghiệp phải mạnh tay hạ giá bán mọi sản phẩm, từ ô tô cho đến quần áo.

Không chỉ tập trung tiết kiệm phòng bất trắc, các hộ gia đình còn ưu tiên trả nợ hoặc chí ít là không phát sinh thêm nợ. Dường như người Trung Quốc không còn muốn bản thân bị trói buộc bởi gánh nặng tài chính.

Theo một nghiên cứu do công ty môi giới chứng khoán Guotai Junan Securities công bố vào đầu tháng 6, tỷ lệ trả trước hạn các khoản vay mua nhà đã chạm mức đỉnh lịch sử là 37% vào tháng 4.

Số liệu của PBoC cũng chỉ ra xu hướng tương tự. Trong khi tỷ lệ nợ/GDP của khu vực doanh nghiệp - bao gồm các công ty nhà nước - tiếp tục tăng kể từ đại dịch, mức nợ của khu vực hộ gia đình lại đi ngang.

 

Hệ quả là, thái độ dè dặt của người tiêu dùng khiến nhu cầu trong nền kinh tế chùng xuống, bằng chứng là các dữ liệu về giá, chỉ số nhà quản trị mua hàng trong lĩnh vực dịch vụ,...

Vào tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng vượt dự báo của các chuyên gia. Tuy nhiên, thời tiết bất lợi kéo giá thực phẩm đi lên, cùng với mức nền thấp vào năm ngoái, là động lực chính giúp giá cả bật tăng chứ không phải do nhu cầu phục hồi.

Hay như trước kia, hình ảnh các cặp đôi cầm những bó hoa hồng khổng lồ, khoe những chiếc iPhone mới hay túi Louis Vuiton là chuyện phổ biến trong ngày lễ Thất tịch.

Lễ hội năm nay diễn ra vào thứ Bảy (ngày 10/8) nhưng câu chuyện rất khác. Các chủ tiệm phàn nàn khi không khí lễ hội ảm đạm, các cặp đôi không còn tặng quà cho nhau. Hashtag “tiêu dùng giảm mạnh vào ngày lễ tình nhân Trung Quốc” trở thành chủ đề xu hướng số một trên Weibo, thu hút 200 triệu lượt xem.

Chẳng phải chỉ các chủ cửa hàng hoa than ế ẩm. Nhu cầu yếu đang tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, nhiều công ty bị đẩy đến bờ vực phá sản hoặc phải giảm sâu giá bán để bám trụ thị trường.

Vào giữa tháng 8, Chủ tịch nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới China Baowu Steel Group cảnh báo ngành thép Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn cả cuộc suy thoái năm 2008 và 2015.

Nhìn lại thì quyết tâm trả nợ của người dân Trung Quốc sau sự sụp đổ của thị trường bất động sản có phần tương đồng với Nhật Bản trong thập niên 1990.

Điều này khiến các nhà kinh tế lo ngại có phải Trung Quốc cũng đang đối mặt với một “cuộc suy thoái bảng cân đối kế toán” giống như Nhật Bản hay không.

Nỗi lo giảm phát vẫn đeo bám nền kinh tế Trung Quốc, một phần do nhu cầu suy yếu.

Trung Quốc nên làm gì?

Suy thoái bảng cân đối kế toán là thuật ngữ mà ông Richard Koo, nhà kinh tế trưởng của Nomura Research, sáng tạo ra để giải thích cho “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản.

Lý thuyết của ông Koo là các hộ gia đình và doanh nghiệp, vì hoảng hốt trước đà lao dốc của giá tài sản tại Nhật Bản, đã tập trung trả nợ và ngừng chi tiêu tiêu dùng. Hậu quả là nền kinh tế phải chịu thêm căn bệnh “giảm phát” khó chữa.

Trao đổi với Bloomberg, ông Ren Zeping, nhà phân tích nổi tiếng trước đây từng là chuyên gia kinh tế trưởng của "bom nợ" Evergrande, cảnh báo tình hình của Trung Quốc “có điểm tương đồng với cuộc suy thoái bảng cân đối kế toán của Nhật Bản”.

Trong một lưu ý vào tuần trước, ông Ren cho biết các điểm tương đồng bao gồm tiết kiệm hộ gia đình cao, nhu cầu vay vốn yếu, giá tiêu dùng và giá tài sản thấp.

Trong khi đó, nhà kinh tế Lynn Song của ING Bank cho rằng tình huống của Trung Quốc có một số khác biệt với Nhật Bản, nhưng quốc gia tỷ dân vẫn có nguy cơ dẫm vào vết xe đổ của nước láng giềng.

Để tránh nguy cơ suy thoái bảng cân đối kế toán hoặc để thoát khỏi suy thoái (trong trường hợp nền kinh tế đã thực sự rơi vào tình cảnh đó), Bắc Kinh nên làm gì? Ông Koo có một vài gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách.

Trong cuộc phỏng vấn vào cuối tháng 5 với South China Morning Post, ông Koo nói Trung Quốc nên tập trung kích thích tài khoá mạnh tay ngay từ đầu, vì suy thoái bảng cân đối kế toán có thể giết chết nền kinh tế rất nhanh.

Những người hoài nghi về khái niệm trên cho rằng một gói kích thích quy mô lớn sẽ gây ra đủ loại rắc rối như nợ nần hay đầu tư lãng phí và Bắc Kinh không nên mắc sai lầm.

Để phản bác, ông Koo đã nhắc lại thành tích của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

 

Vào tháng 11/2008, để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP, Trung Quốc đã bơm 4.000 tỷ nhân dân tệ vào nền kinh tế. Không ít chuyên gia cười nhạo cách làm của Bắc Kinh vì đa phần đều nghĩ Trung Quốc sẽ gục ngã như các nền kinh tế Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản.

Nhưng một năm sau, hầu như không ai cười nữa. Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 11,9% vào quý I/2010, dần dần khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Niềm tin trở lại đã giúp tiêu dùng và đầu tư phục hồi.

“Vì vậy, bài học rút ra là bạn cần phải đưa ra một gói kích thích lớn để giành lại niềm tin của người dân. Và sau đó, khi nền kinh tế chuyển động trở lại, bạn bắt đầu thu hẹp gói kích thích”, nhà kinh tế trưởng của Nomura Research nhấn mạnh.

Một điểm mà ông Koo lưu ý là Trung Quốc không nên cắt giảm kích thích quá sớm, vì đó là một sai lầm lớn mà Nhật Bản đã mắc phải vào năm 1997.

Khi bong bóng tài sản đổ vỡ vào năm 1990, Nhật Bản tung kích thích tài khoá, giúp tăng trưởng GDP được duy trì. Nhưng vào năm 1997, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo thâm hụt ngân sách của Nhật Bản quá lớn và Tokyo nên ngừng chi tiêu.

“Tôi đã tư vấn cho Thủ tướng Ryutaro Hashimoto vào thời điểm đó và tôi là người duy nhất phản đối việc giảm kích thích. Tôi nói nếu chính phủ giảm kích thích, nền kinh tế sẽ sụp đổ nhưng không ai nghe”, ông Koo tiết lộ.

Sau đó, Nhật Bản có 5 quý tăng trưởng âm liên tiếp và hệ thống ngân hàng hoàn toàn sụp đổ. “Chỉ khi khu vực tư nhân đã sửa chữa xong bảng cân đối kế toán và các doanh nghiệp sẵn sàng vay nợ trở lại, đó mới là lúc loại bỏ các biện pháp kích thích”, ông lưu ý.

 

Yên Khê