|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các nhà sản xuất ô tô chôn chân ở Trung Quốc: Thua lỗ nhưng chẳng nỡ rời đi

17:35 | 18/08/2024
Chia sẻ
Trung Quốc chẳng còn là mỏ vàng cho các nhà sản xuất ô tô toàn cầu như cách đây một thập kỷ.

Một nhà máy của Volkswagen. (Ảnh: Getty Images).

Cách đây một thập kỷ, Trung Quốc từng là mỏ vàng cho các nhà sản xuất ô tô toàn cầu. Song, thời thế bây giờ đã đổi khác.

“Rất ít công ty kiếm được tiền ở Trung Quốc”, CEO Mary Barra của General Motors (GM) chia sẻ với các nhà đầu tư vào tháng 7.

Sang đầu tháng 8, thị trường lại nhận được một thông tin gây sốc khi gã khổng lồ Volkswagen của Đức báo cáo quý thua lỗ đầu tiên sau ít nhất 15 năm từ các liên doanh và công ty liên kết của hãng.

Các liên doanh lớn tại Trung Quốc góp phần không nhỏ vào khoản lỗ. Từ lâu, các nhà đầu tư đã coi kết quả kinh doanh của các liên doanh này như một thước đo quan trọng cho hoạt động của Volkswagen tại đất nước tỷ dân.

 

Lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tại Trung Quốc bị ảnh hưởng khi doanh số bán hàng sụt giảm. Người tiêu dùng Trung Quốc đang ưa chuộng các mẫu xe điện từ các thương hiệu trong nước như BYD.

Năm ngoái, BYD đã thay thế Volkswagen trở thành nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất Trung Quốc, Wall Street Journal (WSJ) cho hay.

Hồi tháng 7, xe điện và xe plug-in hybrid chiếm hơn một nửa tổng số xe bán ra tại Trung Quốc, lần đầu tiên trong lịch sử. Trong khi đó, thị phần của các thương hiệu ngoại giảm từ mức 50% của hai năm trước xuống còn 33%.

 

Một vấn đề khác là giá xe đang giảm trên diện rộng do cạnh tranh leo thang. Theo công ty môi giới Bernstein, vào tháng 6, giá bán xe tại Trung Quốc đã tụt hơn 6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo WSJ, Volkswagen đã chi tiêu mạnh tay để giành lại thị phần. Hãng tập trung phát triển mối quan hệ với các đối tác địa phương theo chiến lược “tại Trung Quốc, vì Trung Quốc”.

Tương tự Volkswagen, GM cũng từng là một khổng lồ trên thị trường ô tô Trung Quốc. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2017, GM bán được hơn 4 triệu xe tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Doanh số bán xe của GM giảm gần một nửa vào năm ngoái và năm nay các liên doanh của ông lớn công nghiệp nước Mỹ đã tiếp tục báo lỗ.

 

Tại Trung Quốc, GM liên doanh với ông lớn SAIC để sản xuất các dòng xe như Buick, Chevrolet và Cadillac. Liên doanh đang gặp trục trặc này sẽ hết hạn vào tháng 5/2027.

Ban lãnh đạo GM cho biết họ đang làm việc với các đối tác để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, thị trường mà công ty tiết lộ là có lãi.

Khó rút chân

Các nhà sản xuất xe khó rời khỏi Trung Quốc hơn các thị trường khác vì đây là trung tâm sản xuất toàn cầu và họ đang xuất khẩu ngày càng nhiều xe ra thế giới.

“Bạn không thể rời khỏi Trung Quốc một cách dễ dàng. Không chỉ hoạt động kinh doanh đặt ở đó, mà bạn còn phải cân nhắc đến các nhà cung ứng và người tiêu dùng Trung Quốc”, nhà phân tích Philippe Houchois của Jefferies lý giải.

Stellantis, tập đoàn sở hữu thương hiệu Chrysler, rút khỏi Trung Quốc vào năm 2022 sau khi liên doanh sản xuất xe Jeep nộp đơn xin phá sản.

Nhưng một năm sau, Stellantis đã quay trở lại bằng cách mua khoảng 20% cổ phần của startup xe điện Zhejiang Leapmotor Technology. Tháng trước, một liên doanh giữa hai doanh nghiệp đã vận chuyển lô Leapmotor đầu tiên sang châu Âu.

 

Hoạt động kinh doanh của Tesla tại Trung Quốc khởi sắc vào năm 2020 sau khi Bắc Kinh chấp thuận cho công ty này xây dựng siêu nhà máy tại Thượng Hải. Song, Tesla cũng đang gặp khó khăn.

Vì không bắt buộc phải hợp tác với một nhà sản xuất ô tô địa phương, Tesla không phải báo cáo kết quả kinh doanh từ các liên doanh như những đối thủ khác.

Tuy nhiên, thị phần của Trung Quốc trong tổng doanh thu của Tesla đã giảm xuống dưới 20% trong nửa đầu năm 2024. Vào thời điểm đỉnh cao năm 2021, tỷ lệ này là trên 25%.

Theo báo cáo tài chính mới nhất, các nhà sản xuất châu Á khác cũng không khá hơn. So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận từ liên doanh Trung Quốc của Toyota đã giảm 73% trong quý II, trong khi lợi nhuận của Honda gần như bị xoá sổ.

Ông Tu Le, Giám đốc cấp cao của công ty nghiên cứu Sino Auto Insights, đánh giá: “Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu vẫn chưa tìm thấy đáy ở Trung Quốc”.

 

Yên Khê