|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một tín hiệu đáng lo từ nền kinh tế Trung Quốc

14:30 | 07/08/2024
Chia sẻ
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ chững lại vào tháng 7. Các chuyên gia lo ngại động cơ quan trọng của nền kinh tế trong một năm qua đang gặp trục trặc.

Cảng nước sâu Yangshan ở Thượng Hải. (Ảnh: Bloomberg).

Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa công bố, vào tháng 7, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế tỷ dân đã tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này thấp hơn đáng kể so với ước tính trung vị 9,5% của các nhà kinh tế.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu vượt kỳ vọng và tăng trưởng 7,2% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại hàng hoá của Trung Quốc theo đó thu hẹp còn 84,6 tỷ USD vào tháng 7.

Báo cáo cho thấy kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản, Anh, Nga và Australia đều giảm trong tháng 7, đảo ngược mức tăng vào tháng trước. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang Singapore tiếp tục tụt sâu.

Các nhà kinh tế nhận định giá xuất khẩu đi xuống nhiều khả năng cũng tác động tiêu cực đến lượng hàng hoá xuất khẩu.

Capital Economics ước tính khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm nhẹ trong tháng 7, nhưng vẫn gần mức cao kỷ lục sau khi tính đến những thay đổi về giá xuất khẩu và yếu tố mùa vụ.

 

Xuất khẩu tăng trưởng chậm lại cho thấy nhu cầu toàn cầu đang hạ nhiệt. Trong năm nay, xuất khẩu là động lực chính hỗ trợ cho nền kinh tế Trung Quốc trong lúc người tiêu dùng nội địa thắt chặt hầu bao.

Số liệu thương mại mới đe doạ triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong nửa cuối năm. Vào quý II, nền kinh tế tỷ dân chỉ tăng trưởng 4,7%, tốc độ chậm nhất trong 5 quý vừa qua.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia của ANZ Banking Group, cho hay: “Đánh giá từ tình hình hiện tại, [chúng tôi nhận thấy] nhu cầu quốc tế đang suy yếu”.

Mặc dù lượng hàng hoá nhập khẩu tăng đột biến có thể xoa dịu một số lo ngại về nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu mở rộng một phần là do các yếu tố ngắn hạn.

Theo ông Xing, các nhà sản xuất chất bán dẫn có thể đã vội vã đặt hàng thiết bị do lo ngại Washington có thể sẽ tiếp tục siết chặt các hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc. Nhờ đó, nhập khẩu thiết bị sản xuất chip tăng 15% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc cũng đi lên 8% khi chính phủ gia hạn hạn ngạch nhập khẩu năng lượng cho các doanh nghiệp nội địa trong nửa cuối năm, vị chiến lược gia thông tin thêm.

Trong một phân tích mới, chuyên gia kinh tế Huang Zichun của Capital Economics cho biết gần đây Bắc Kinh đã kêu gọi các chính quyền địa phương tăng cường sử dụng trái phiếu để hỗ trợ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Động thái đó có thể thúc đẩy hoạt động xây dựng và nhu cầu đối với các hàng hoá công nghiệp.

Ở diễn biến khác, vào tháng 6, thặng dư thương mại hàng hoá của Trung Quốc đã vọt lên mức kỷ lục 99 tỷ USD. Sự mất cân bằng này khiến các đối tác thương mại của Trung Quốc lo sợ và buộc phải tìm cách bảo vệ các nhà sản xuất nội địa bằng thuế quan. 

Thặng dư thương mại hàng hoá của Trung Quốc khiến các đối tác của nước này lo sợ.

Khả Nhân

Bức tranh kinh tế Hà Nội 8 tháng đầu năm: IIP tăng 5,4%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 40 tỷ USD
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê TP Hà Nội, nền kinh tế thủ đô đã có những bước tiến đáng kể trong 8 tháng đầu năm nay. Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp ghi nhận tăng 0,1% so với tháng trước và 5,4% cùng kỳ, thu hút FDI vượt 71% so với năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 40 tỷ USD...