|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các nước Đông Nam Á loay hoay giữa làn sóng hàng xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc

16:30 | 31/07/2024
Chia sẻ
Các nước Đông Nam Á đang phải tìm cách cân bằng giữa hai ưu tiên là bảo vệ các nhà sản xuất nội địa và thu hút doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ cao.

(Hình minh họa: Shutterstock). 

Thế tiến thoái lưỡng nan

TikTok Shop ra mắt tại Indonesia vào năm 2021, bán hàng hóa giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc cho người dùng mạng xã hội này.

Chỉ tính riêng trong năm 2024, khoảng 49.000 công nhân trong lĩnh vực dệt may và giày dép đã bị sa thải sau khi nhiều nhà máy ở các tỉnh Banten, Tây Java và Trung Java của Indonesia đóng cửa, tờ Nikkei Asia cho biết.

Đáp lại lời kêu gọi của các nhà sản xuất hàng dệt may, vào tháng 6, Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan cho biết chính phủ sẽ xem xét đánh thuế tới 200% vào vải nhập khẩu, tức tăng thuế suất hiện tại lên gấp bội.

Ông phát tín hiệu rằng các quan chức cũng đang cân nhắc mức thuế mới dành cho những mặt hàng được nhập khẩu ào ạt trong những năm gần đây, bao gồm quần áo, đồ gốm, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử.

Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng có động thái tăng rào cản đối với hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Tháng 1 năm nay, Malaysia áp thuế bán hàng 10% lên hàng hóa nhập khẩu mua qua mạng có giá dưới 500 ringgit (tương đương khoảng 108 USD). Trước đây, những mặt hàng này được miễn thuế bán hàng, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Khoảng 6 tháng sau, Thái Lan cũng học theo Malaysia và mở rộng phạm vi đánh thuế VAT 7% lên hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1.500 baht (khoảng 42 USD). 

Đối với các chính phủ Đông Nam Á, làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ là vấn đề không dễ giải quyết.

Một mặt, các nhà bán lẻ và nhà sản xuất nội địa yêu cầu được bảo vệ; mặt khác, các quan chức cũng muốn mời gọi doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào dây chuyền sản xuất trong nước, đặc biệt là trong những lĩnh vực công nghệ cao.

Việc cân bằng hai ưu tiên trên đang ngày càng trở nên khó khăn trong bối cảnh các rắc rối kinh tế của Trung Quốc làm giảm nhu cầu của người dân nước này dành cho hàng xuất khẩu Đông Nam Á. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc dư thừa hàng tồn kho và rao bán chúng với giá siêu thấp.

Điều này khiến thâm hụt thương mại hàng hoá của các nước Đông Nam Á với Trung Quốc càng nới rộng. Theo lưu ý gần đây của HSBC, thâm hụt của ASEAN với Trung Quốc đã tăng mạnh từ khoảng 80 tỷ USD trong đại dịch COVID-19 lên gần 115 tỷ USD. 

 

Thâm hụt thương mại hàng hoá của ASEAN với Trung Quốc gia tăng một phần là do xu hướng doanh nghiệp Trung Quốc cũng như quốc tế chuyển bớt hoạt động sản xuất và lắp ráp ra khỏi đất nước tỷ dân để đưa sang Đông Nam Á.

Sự thay đổi này làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với vật liệu thô và hàng hóa trung gian ở Đông Nam Á, nhưng lại thúc đẩy dòng chảy hàng hóa theo hướng ngược lại. Và trong nhiều trường hợp, sản phẩm cuối cùng được bán sang thị trường phương Tây.

Các nhà kinh tế HSBC cho rằng đối với khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, sự chuyển đổi của chuỗi cung ứng vẫn đem lại nhiều lợi hơn hại. Họ lưu ý: “Nhờ hoạt động giao thương với Trung Quốc, ảnh hưởng của ASEAN trong thương mại toàn cầu cũng ngày càng trở nên sâu sắc”.

Tuy nhiên, sự thay đổi cũng tạo ra các rắc rối mới. Ông Charles Austin Jordan, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu chính sách Rhodium Group, chỉ ra rủi ro của các nền kinh tế mới nổi là phương Tây sẽ theo dõi chuỗi cung ứng một cách sát sao hơn nhằm ngăn chặn doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách lách thuế quan.

 

Nhiều nước Đông Nam Á đang cố thu hút doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào hàng hóa xanh. Ví dụ, chính phủ Thái Lan tung ra nhiều chính sách trợ cấp để các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc như BYD đầu tư vào nhà máy địa phương.

Tuy nhiên, các công ty xe điện Trung Quốc lại tăng cường nhập khẩu thay vì mua phụ tùng sản xuất trong nước. Và sự cạnh tranh này đã đẩy các nhà sản xuất xe điện đang hoạt động tại Thái Lan vào cảnh khó khăn.

Ông Sompol Tanadumrongsak, Giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Thái Lan, cho biết: “Lượng đơn đặt hàng đã giảm 40% trong năm nay”.

Hậu quả từ hàng hóa Trung Quốc dư thừa

Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc gây hậu quả nặng nề đến các nhà cung cấp vật liệu và sản phẩm xây dựng, bao gồm thép, máy móc và hóa chất.

Để ngăn tình trạng người lao động trong nhà máy bị sa thải hàng loạt, các chính quyền địa phương Trung Quốc đang nỗ lực hết mình nhằm giúp đỡ các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Đông Nam Á.

Thép là ngành chịu tác động lớn nhất của Thái Lan. Sự đổ bộ của hàng giá rẻ Trung Quốc khiến sản lượng thép Thái Lan giảm giảm 7% vào năm ngoái, tương đương 497.000 tấn.  Theo tính toán của Trung tâm Tình báo Kinh tế thuộc ngân hàng Siam Commercial Bank, sản lượng thép giảm 100.000 tấn thì GDP Thái Lan sẽ sụt 0,2%.

Hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc gây hại cho doanh thu nội địa của các công ty Đông Nam Á. Hơn thế nữa, nhà kinh tế Sonal Varma của ngân hàng Nomura chỉ ra rằng những mặt hàng này còn có thể khiến các nhà xuất khẩu Đông Nam Á mất doanh thu ở thị trường nước ngoài.

Sự trỗi dậy của thương mại điện tử

Các nền tảng thương mại điện tử như Shopee của Singapore, Lazada của Alibaba và TikTok Shop của ByteDance mang lại cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc cầu nối mới để tiếp cận khách hàng Đông Nam Á.

Hãng tư vấn Momentum Works cho biết các sàn thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á đã xử lý lượng hàng hóa trị giá tổng cộng 114,6 tỷ USD vào năm 2023, tăng 15% so với năm 2022.

Ông Ristadi, Giám đốc Liên đoàn Lao động Quốc gia Indonesia, cho biết: “Hàng hóa Trung Quốc tràn lan trên cả thị trường trực tuyến lẫn các kênh kinh doanh truyền thống của nước ta”.

Cùng lúc đó, ông William Ng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Malaysia, cho biết mức thuế 10% mà chính phủ áp dụng từ tháng 1 không tạo ra được nhiều tác động lên làn sóng hàng giá rẻ của Trung Quốc.

Mức thuế VAT 7% mà Thái Lan sắp áp dụng lên các đơn hàng nhập khẩu nhỏ có lẽ cũng sẽ không đạt được mấy thành công.

Một chiếc ốp lưng silicon cho smartphone có thể được bán với giá chỉ 35 baht (khoảng 0,98 USD). Trong khi đó, ốp lưng rẻ nhất trong một cửa hàng bách hóa lớn ở Thái Lan thường có giá từ 400 baht. Có thể thấy mức thuế 7% chẳng đáng là bao đối với những người tiêu dùng ưu tiên tiết kiệm tiền.

Giang