|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Liệu cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc có thể vận hành trơn tru nếu thiếu mất phương Tây?

07:04 | 20/06/2024
Chia sẻ
Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Đông Nam Á và các thị trường mới nổi trong bối cảnh một số mặt hàng của nước này bị Mỹ và châu Âu tăng mạnh thuế quan.

(Hình minh họa: Shutterstock). 

Phương Tây xây hàng rào thuế quan

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc vẫn đang rất mạnh mẽ. Điều này gây ra căng thẳng với phương Tây và dẫn đến làn sóng thuế quan mới đối với xe điện của Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng định hình lại dòng chảy thương mại toàn cầu.

Câu hỏi đặt ra cho Bắc Kinh là liệu việc chuyển hướng sang các thị trường đang phát triển có đủ để giữ cho cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc hoạt động trơn tru hay không.

Dữ liệu thương mại mới nhất của Trung Quốc cung cấp rất nhiều thông tin. Kim ngạch xuất khẩu tính theo USD trong tháng 5 đi lên 7,6% so với một năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng 1,8% của nhập khẩu.

Cuộc khủng hoảng của thị trường nhà đất khiến nhu cầu trong nước ảm đạm theo, vậy nên Bắc Kinh đang củng cố cỗ máy xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên theo tờ Wall Street Journal (WSJ), chiến lược của Trung Quốc khiến cho các chính phủ phương Tây thấy quan ngại. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố thuế quan 100% lên xe điện Trung Quốc và 25% lên linh kiện và pin xe điện. Chính sách mới sẽ có hiệu lực trong vài tháng tới.

Tuần trước, Ủy ban châu Âu cũng tăng thuế lên xe điện Trung Quốc từ mức 17,4% đến 38,1% sau cuộc điều tra chống trợ cấp. Ủy ban cho biết họ đã phát hiện ra các khoản trợ cấp không công bằng trong toàn bộ chuỗi giá trị xe điện của Trung Quốc và nhận định chúng “là mối đe dọa” tới ngành công nghiệp của châu Âu.

 

Tầm quan trọng của Đông Nam Á

Xét trên tổng thể, Trung Quốc đang bán ít hàng cho phương Tây hơn và cung cấp nhiều sản phẩm tới Đông Nam Á và Mỹ Latinh hơn.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Đông Nam Á trong 5 tháng đầu năm nay tăng 12% so với cùng kỳ hai năm trước. Trong cùng khoảng thời gian đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sụt 17%. Chỉ tính riêng năm 2023, xuất khẩu của Trung Quốc tới Mỹ giảm 14%.

Một trong những lý do có thể là doanh nghiệp Trung Quốc đang định tuyến lại hoạt động giao thương thông qua một số nước như Mexico. Tuy nhiên, những quốc gia đó cũng đang xây dựng ngành sản xuất cấp thấp hơn trong khi Trung Quốc tiến lên phía trên trong chuỗi giá trị.

Trung Quốc cũng đang kiếm tìm thị trường mới. Kim ngạch xuất khẩu sang Nga tăng vọt 70% trong hai năm qua. Trung Quốc đang vận chuyển rất nhiều ô tô chạy xăng sang Nga - lĩnh vực mà Trung Quốc đang dư thừa công suất bởi sự phổ biến của xe điện trên thị trường nội địa.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là Trung Quốc đang xuất khẩu ra thế giới các sản phẩm khác biệt so với trước đây. Morgan Stanley cho biết những phân khúc mới như pin, xe điện, tấm pin mặt trời và chip 28nm chiếm 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc năm ngoái, cao hơn đáng kể so với tỷ trọng 4,5% 5 năm trước.

Theo WSJ, các mặt hàng xuất khẩu trên vấp phải phản ứng dữ dội từ Mỹ và châu Âu bởi những nước này cũng đang cố gắng xây dựng công nghệ cần thiết cho cuộc chuyển đổi sang năng lượng xanh và sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI).

Tuy nhiên, hàng hóa Trung Quốc với giá cả phải chăng có thể sẽ được hoan nghênh tại những nước có thu nhập thấp hơn phương Tây. Doanh số bán xe điện và xe hybrid của Brazil gần như tăng gấp đôi trong năm 2023, theo hiệp hội đại lý ô tô Fenabrave.

Trong đó, BYD chiếm hơn một nửa doanh số xe thuần điện. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thuộc nhóm bán được nhiều xe hybrid nhất.

Đối với Trung Quốc, Đông Nam Á hiện là thị trường xuất khẩu lớn hơn Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU). Tính từ đầu năm đến nay, Đông Nam Á và Mỹ Latinh đã mua tổng cộng 25% hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Tuy con số này vẫn thấp hơn tổng tỷ trọng 29% của Mỹ và châu Âu, nó cho thấy các nền kinh tế đang phát triển là thị trường lớn và có tiềm năng tăng trưởng tốt.

So với phương Tây, nhiều nước đang phát triển có thái độ thân thiện với Trung Quốc hơn. Tuy nhiên, những quốc gia này vẫn có thể thiết lập rào cản đối với hàng hóa Trung Quốc.

Nhiều nước Mỹ Latinh đã tăng thuế quan đối với thép nhập khẩu để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa. Brazil gần đây đã tái áp đặt thuế quan lên xe điện để khuyến khích sản xuất trong nước, bắt đầu ở mức 18% và tăng lên 35% vào năm 2026.

Gần đây, doanh nghiệp Trung Quốc - bao gồm BYD - đã xây dựng cơ sở sản xuất tại Brazil. Động thái này có thể nhắm đến việc xoa dịu căng thẳng thương mại bằng cách việc tạo ra việc làm.

Cho đến nay, việc chuyển hướng xuất khẩu sang các nước đang phát triển của Trung Quốc đã phát huy hiệu quả. Nhưng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy trên thế giới, chiến lược đó cũng sẽ phải đối mặt với giới hạn.

Giang