|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đầu tàu kinh tế của Trung Quốc thấm thía nỗi đau khi nền kinh tế suy yếu

07:27 | 14/06/2024
Chia sẻ
Tỉnh Quảng Đông được coi là nơi có tinh thần kinh doanh làm giàu mạnh mẽ nhất Trung Quốc. Nhưng những cư dân tham vọng và đầy hoài bão ở nơi này giờ cũng cảm thấy nhụt chí khi trải qua giai đoạn kinh tế đầy thách thức.

Những người đi làm buổi sáng tại ga tàu điện ngầm Gangxia Bei ở Thâm Quyến vào tháng 5/2024. (Ảnh: Bloomberg). 

Yêu đương cũng phải tính đến tiền

Năm 2021, cô Lydia Dong chuyển từ Hong Kong đến Thâm Quyến - nơi được mệnh danh là thủ phủ công nghệ của Trung Quốc. Đối với cô gái 27 tuổi, thành phố 18 triệu người này có nhiều tiềm năng kinh tế hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Cô muốn khai thác tiềm năng đó thông qua công việc phát triển kinh doanh tại một startup xe tự lái.

Bây giờ, ở độ tuổi 30, cô Dong lại chuẩn bị bắt đầu một công việc mới. Sự lạc quan của cô đã tan biến. Cô nói với Bloomberg: “Nếu ngồi ở một quán cà phê ở Thâm Quyến, bạn sẽ nghe thấy mọi người luôn miệng nói về tiền. Ngay cả vào cuối tuần, mọi người cũng bàn luận về giá bất động sản, tiền học phí”.

Tiền lương của các lao động cổ cồn trắng đang bị trì trệ và nhiều người không đủ khả năng mua nhà. Áp lực tài chính thậm chí còn ảnh hưởng đến cuộc sống hẹn hò của cô Dong. Những người đàn ông mà cô biết đều đang cân nhắc cẩn thận về mức lương và hoàn cảnh gia đình của bạn đời tiềm năng.

Người yêu cuối cùng của cô Dong đã bỏ rơi cô để tập trung cho cơ hội thăng tiến. Cô than thở: “Việc hẹn hò không còn xoay quanh tình yêu nữa, chỉ còn là toan tính”.

Cô Dong là một trong số rất nhiều người lo ngại về tương lai trong bối cảnh đà tiến suốt 4 thập kỷ của chất lượng sống tại Trung Quốc có dấu hiệu chững lại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm sự già hóa của dân số, cuộc khủng hoảng bất động sản và xung đột thương mại Mỹ - Trung.

Đầu tàu kinh tế chững lại

Các công ty công nghệ như Tencent - có trụ sở tại Thâm Quyến - đã cắt giảm hàng chục nghìn việc làm trong vài năm qua. Tháng 6 năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ của Trung Quốc vọt lên trên 20%, sau đó giảm xuống còn khoảng 15% sau khi chính phủ công bố phương pháp tính mới.

Kể từ năm 2021 đến nay, giá bất động sản dân cư - tài sản quan trọng nhất của một bộ phận lớn dân thành thị trung lưu - đã giảm tới 50% tại một số thành phố, theo ước tính của Bloomberg Intelligence.

Trong khoảng thời gian đó, chứng khoán Trung Quốc mất hơn 30%. Khoảng 32% nhân viên văn phòng được khảo sát bởi nền tảng tuyển dụng Zhaopin cho biết lương của họ bị cắt giảm vào năm ngoái.

Tâm lý thất vọng trở nên đặc biệt rõ rệt ở Thâm Quyến và các thành phố khác tại Quảng Đông. Tỉnh phía nam này từng là động cơ chủ chốt trong khoảng thời gian nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ.

Hầu hết các công ty có vai trò quan trọng trên trường quốc tế mà bạn biết tên đều có trụ sở tại Quảng Đông, ví dụ như hãng smartphone Huawei, công ty xe điện BYD và nhà sản xuất drone DJI.

Tòa nhà ở Thâm Quyến nơi từng là trụ sở của Evergrande. (Ảnh: Bloomberg). 

Sự lao dốc của giá nhà đất là cú đánh đặc biệt nặng nề với Quảng Đông. Nhà phát phát triển bất động sản “khét tiếng” Evergrande nằm tại Quảng Châu, thành phố lớn nhất tỉnh này. Hai công ty bất động sản lớn gặp rắc rối nghiêm trọng khác là Country Garden và Vanke cũng có trụ sở tại Quảng Đông.

Cú lao dốc của thị trường bất động sản không chỉ gây khó khăn cho khu vực kinh tế tư nhân mà còn ảnh hưởng tới tài chính công. Các chính quyền địa phương Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ việc bán đất.

Sự sụt giảm của nguồn doanh thu này đã buộc một số nơi phải cắt giảm lương công chức. S&P Global Ratings cho biết nếu không kể tới các khoản chuyển nhượng của chính phủ trung ương, gần 40% doanh thu năm 2020 của chính quyền Quảng Đông đến từ việc bán đất. Đến năm 2023, con số này giảm còn 25%.

Bất an

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 5% và các chuyên gia nhận định con số này là khả thi.

Tuy nhiên, GDP không thể hiện mọi mặt về nền kinh tế. Doanh số bán lẻ tháng 4 của Trung Quốc chỉ tăng 2,3% so với một năm trước, trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 chỉ nhích nhẹ 0,3%. Hai số liệu này báo hiệu nhu cầu nội địa vẫn còn yếu.

Trường hợp của anh Arron Lau ở Thâm Quyến là ví dụ cho thấy vì sao nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đang rất thận trọng. Vợ chồng anh Lau có mức lương tổng cộng lên đến 100.000 USD, nhà vợ anh đủ giàu có để lo hộ con cái các khoản chi lớn.

Dẫu vậy, anh Lau cho biết: “Tôi không hề cảm thấy lạc quan”. Điều khiến anh lo nhất là mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây. Mỹ đang hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc tới các loại chip bán dẫn tiên tiến nhất và thiết bị sản xuất chip. Điều này sẽ cản trở Trung Quốc đạt được thành tựu trong những lĩnh vực công nghệ cao như trí tệ nhân tạo.

Anh Lau phàn nàn: “Trung Quốc không mua được chip tiên tiến, do đó con đường của Trung Quốc đến tương lai gặp phải vật cản khổng lồ". 

Nỗi lo trước mắt của anh Lau là sự nghiệp cá nhân. Việc kinh doanh tại công ty hàng điện tử tiêu dùng mà anh làm quản lý đang chậm lại, anh không chắc mình nên tìm việc mới hay cố bám trụ. Tạm thời, anh và vợ cố gắng bảo vệ những gì mình có bằng cách tiết kiệm hơn một nửa tiền lương mỗi tháng.

Một số người trẻ Trung Quốc nghĩ rằng họ đã bỏ lỡ những năm tháng tốt đẹp nhất của nền kinh tế. Cô Dong cho biết: “Đối với những người lớn lên tại Trung Quốc những năm 2000 và 2010, chúng tôi nhắm đến các thương hiệu hàng đầu, các công ty ngoại cao cấp nhất. Chúng tôi muốn ra nước ngoài và học lên cao. Giờ đây, tôi thấy đáng tiếc cho thế hệ của mình và lứa tiếp theo”.

Giang