|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Triển vọng các nền kinh tế lớn trên thế giới thay đổi như thế nào sau gần nửa năm?

13:50 | 12/06/2024
Chia sẻ
IMF ước tính nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2024 và 2025, tương tự tốc độ trong năm 2023. Dự báo cho năm 2024 được điều chỉnh tăng 0,1 điểm % so với báo cáo vào tháng 1.

Cửa sáng cho nền kinh tế toàn cầu

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều lao dốc trong phiên 25/4 sau khi chính phủ tiết lộ GDP quý I chỉ tăng 1,6%. Tăng trưởng quý I thấp hơn hẳn dự báo 2,4% của các chuyên gia và chững lại đáng kể so với tốc độ trong hai quý liền trước.

Cùng với số liệu lạm phát nóng hơn dự kiến trong ba tháng liên tiếp, các chuyên gia đột nhiên lo ngại lẽ nào nền kinh tế lớn nhất thế giới đang rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ - tức tăng trưởng thấp, lạm phát cao.

Song, một vài báo cáo khó có thể kể hết câu chuyện bởi gần đây nhiều tổ chức đã nâng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu, bao gồm Mỹ. Trong báo cáo mới nhất vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đặc biệt đề cập đến sức mạnh của nền kinh tế Mỹ cùng một số thị trường mới nổi.

IMF ước tính nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2024 và 2025, tương tự tốc độ trong năm 2023. Dự báo cho năm 2024 được điều chỉnh tăng 0,1 điểm % so với báo cáo vào tháng 1.

 

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu sắp “hạ cánh mềm”, IMF cho biết ưu tiên ngắn hạn của các ngân hàng trung ương (NHTW) là đảm bảo lạm phát tiếp tục giảm, đồng thời không nới lỏng chính sách quá sớm cũng như không trì hoãn quá lâu.

Bên cạnh đó, IMF dự đoán lạm phát toàn cầu sẽ giảm từ mức trung bình hàng năm là 6,8% vào năm ngoái xuống còn 5,9% vào năm 2024 và 4,5% vào năm 2025.

Dự kiến lạm phát ở các nền kinh tế phát triển sẽ giảm mạnh hơn và quay về gần mức trung bình trước đại dịch sớm hơn các thị trường mới nổi và đang phát triển khoảng một năm. 

Thương mại thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2024 và 3,3% vào năm 2025. Những thay đổi trong mô hình thương mại sẽ tiếp tục diễn ra, đáng chú ý là tình trạng căng thẳng địa chính trị và sự tăng tốc của xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các thị trường như Ấn Độ, Việt Nam và Mexico.

 

Bất chấp những diễn biến đáng hoan nghênh này, IMF cảnh báo nền kinh tế toàn cầu vẫn đương đầu với nhiều thách thức.

Trước hết, dù số liệu có phần đáng khích lệ, lạm phát vẫn chưa quay về mức mục tiêu của các NHTW. Điều đáng lo ngại là lạm phát lõi đang đi lên, tuy có thể chỉ là tạm thời nhưng vẫn cần tiếp tục cảnh giác.

Xung đột tại Trung Đông và Đông Âu có khả năng leo thang hơn nữa. Vì vậy, các nước cần cẩn trọng với nguy cơ xảy ra các cú sốc mới về nguồn cung, khiến chi phí thực phẩm, năng lượng và vận tải tăng cao.

Thứ hai, ngay cả khi lạm phát đi xuống, lãi suất thực vẫn đang tăng lên, tác động đến chi phí đi vay của nhiều quốc gia. 

Thứ ba, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài ở Trung Quốc có thể làm suy yếu hơn nữa niềm tin và sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng. Khi Trung Quốc “hắt hơi”, nền kinh tế toàn cầu có thể “sổ mũi”.

Thứ 4, IMF lưu ý rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn vẫn yếu so với mức trung bình lịch sử. Cơ quan này ước tính nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,1% vào năm 2029 - thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Các nhà kinh tế đang đặt nhiều hy vọng vào trí tuệ nhân tạo (AI). Họ coi đây là động lực có thể thúc đẩy mạnh mẽ năng suất lao động nhưng các nước cần chú ý đến rủi ro AI gây gián đoạn nghiêm trọng cho thị trường lao động và tài chính.

Cuối cùng, IMF kêu gọi các quốc gia nên mạnh tay đầu tư cho một tương lai xanh và bền vững. Cắt giảm càng nhiều khí thải, tăng trưởng kinh tế sẽ càng ổn định.

Triển vọng của một số nền kinh tế nổi bật

Mỹ

Số liệu GDP quý I gây thất vọng nhưng các nhà đầu tư đã lấy lại tinh thần sao báo cáo việc làm tháng 4. Các chuyên gia có thêm bằng chứng rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chậm lại nhưng hoạt động nói chung vẫn lành mạnh, mở ra cánh cửa để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm giảm lãi suất.

Mỹ tạo ra thêm 175.000 việc làm trong tháng 4, thấp hơn ước tính 240.000. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,9% nhưng Bộ Lao động Mỹ lưu ý rằng thước đo này đã dao động trong phạm vi hẹp 3,7 - 3,9% kể từ tháng 8 năm ngoái.

Một dấu hiệu đáng hoan nghênh dưới góc nhìn của Fed là tốc độ tăng trưởng tiền lương đã chậm lại, thể hiện qua việc thu nhập trung bình hàng giờ chỉ đi lên 3,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn số liệu của hai tháng liền trước. Điều này chứng tỏ áp lực giá có thể tiếp tục suy yếu.

Cho đến nay, các thước đo chính cho thấy lạm phát vẫn đang cao hơn mức mục tiêu 2% của NHTW Mỹ. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI, thước đo lạm phát ưa thích của Fed) tăng 2,8% so với cùng kỳ vào tháng 3.

Fed đang giữ lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong hơn 22 năm qua. Các quan chức nhấn mạnh Fed nên thận trọng, tiếp tục chờ đợi cho đến khi đủ tự tin rằng lạm phát chắc chắn đang quay về mức mục tiêu.

Tuy vậy, một số người lại tỏ ra diều hâu hơn. Chẳng hạn, Thống đốc Michelle Bowman nhận định Fed sẽ không giảm lãi suất trong năm nay hoặc thậm chí có thể nâng lãi suất.

Song, ở cuộc họp chính sách gần nhất, dù lưu ý lạm phát “vẫn còn quá cao”, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã loại trừ khả năng tăng lãi suất. Ông và nhiều đồng nghiệp vẫn để ngỏ kịch bản giảm lãi suất trong thời gian tới.

Theo dữ liệu từ CME Group, thị trường đang nghiêng về khả năng Fed hạ lãi suất ít nhất hai lần trong năm 2024, lần đầu vào tháng 9 với xác suất khoảng 49,1%.

Trong báo cáo tháng 4, IMF đánh giá nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 2,7% trong năm nay, sau đó chững lại còn 1,9% vào năm 2025.

 

Ngoài kế hoạch lãi suất của Fed, kết quả bầu cử tổng thống và đáng ngại hơn là khối nợ công ngày càng phình to là hai rủi ro khác tới triển vọng tăng trưởng của Mỹ thời gian tới.

Nợ công đã vượt quá 34.000 tỷ USD vào đầu năm 2024 và Văn phòng Ngân sách Quốc hội cảnh báo thâm hụt ngân sách sẽ nhảy vọt từ mức 1.580 tỷ USD trong năm nay lên 2.560 tỷ USD vào năm 2034.

Trong môi trường lãi suất cao như hiện nay, gánh nặng tài chính của chính phủ Mỹ sẽ càng lớn hơn. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ, Washington đã chi 659 tỷ USD để trả lãi vay vào năm ngoái - tương đương 240% số tiền đã chi cho giao thông, thương mại và nhà ở cộng lại.

Trung Quốc

GDP quý I của Trung Quốc tăng 5,3% so với cùng kỳ, vượt xa ước tính 4,6% của các nhà kinh tế.

Sản lượng công nghiệp mở rộng 6,1% trong quý đầu năm, trong khi giá sản xuất sụt 2,7% do áp lực giảm phát tiếp tục đè nặng lên lĩnh vực chế tạo. Đầu tư cho tài sản cố định đi lên 4,5% nhờ đầu tư cho sản xuất tăng 9,9%, giúp bù đắp cho mức giảm 9,5% của đầu tư cho bất động sản. Doanh số bán lẻ tăng 4,7%.

Số liệu xuất khẩu cũng khởi sắc trong quý đầu năm. Tuy kim ngạch xuất khẩu yếu hơn nếu tính theo đồng USD, các nhà phân tích cho biết khối lượng xuất khẩu đang tiếp tục tăng khi doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng thị phần trên toàn cầu, đặc biệt là ở các sản phẩm năng lượng sạch giá rẻ như tấm pin mặt trời và xe điện.

Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản - một trong các trụ cột của nền kinh tế - có rất ít dấu hiệu phục hồi. Hầu như toàn bộ thước đo đều giảm so với một năm trước, từ đầu tư cho bất động sản nhà ở, giá nhà,...

Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đánh giá nền kinh tế đã khởi đầu năm mới thuận lợi, tạo nền tảng tốt cho cả năm. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP quý I phù hợp với mục tiêu, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không bơm thêm kích thích.

Theo IMF, nếu Bắc Kinh không thực hiện một cuộc tái cơ cấu toàn diện cho lĩnh vực bất động sản, đầu tư vào bất động sản cùng với giá nhà và nhu cầu nhà ở đều sẽ đi xuống. Vì lẽ đó, nhu cầu và niềm tin của người tiêu dùng sẽ còn suy yếu, khiến tình trạng giảm phát khó chấm dứt.

Các nhà phân tích của IMF dự đoán nền kinh tế tỷ dân sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2024, thấp hơn tốc độ 5,2% đạt được vào năm ngoái và nằm dưới mức mục tiêu mà chính phủ đề ra là “khoảng 5%”. 

 

Châu Âu 

Trong quý đầu tiên của năm 2024, sản lượng kinh tế của khu vực đồng euro đã tăng 0,3% so với quý liền trước. Nếu so với cùng kỳ, GDP của eurozone tăng 0,4%.

Dữ liệu mới cho thấy nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đã phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến và chấm dứt suy thoái. Chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang phát huy tác dụng, giúp lạm phát đi xuống.

Trong khi các nền kinh tế nhỏ hơn như Tây Ban Nha, Pháp và Italy ghi nhận kết quả tích cực, Đức lại biến từ một đầu tàu thành quả tạ kìm hãm khối kinh tế chung. Tình trạng này sẽ khó mà thay đổi trong một sớm một chiều.

ECB đang giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục 4% để khống chế lạm phát. Vào tháng 4, lạm phát khu vực đồng euro đã hạ xuống còn 2,4%. Lạm phát lõi ở mức 2,7%.

Triển vọng tăng trưởng cả năm nay của eurozone phụ thuộc vào thời điểm ECB giảm lãi suất. ECB có thể cắt giảm lãi suất vào ngày 6/6 nếu không có diễn biến bất ngờ về tiền lương hoặc giá cả. 

Tuy nhiên, dù ECB khẳng định không chịu nhiều tác động từ chính sách tiền tệ của Fed, chênh lệch lãi suất ngày càng lớn giữa hai NHTW lớn nhất thế giới sẽ làm suy yếu đồng euro và thúc đẩy lạm phát ở châu Âu, có khả năng khiến ECB khó hành động một mình.

IMF ước tính tăng trưởng ở khu vực đồng euro sẽ phục hồi từ mức thấp 0,4% vào năm 2023 lên 0,8% vào năm 2024 và 1,5% vào năm 2025. Cú sốc năng lượng dịu bớt là động lực chính cho tăng trưởng khu vực.

Một nền kinh tế phát triển khác ở lục địa già là Anh cũng vừa thoát khỏi suy thoái. Dữ liệu chính thức cho thấy GDP nước này tăng 0,6% trong quý I, đảo ngược mức giảm 0,3% và 0,1% trong hai quý cuối năm ngoái.

Có một số dấu hiệu cho thấy triển vọng của nền kinh tế Anh đang trở nên sáng sủa hơn. Theo kết quả khảo sát của S&P Global, vào tháng 4, tổng sản lượng công nghiệp và dịch vụ của Anh đã tăng mạnh nhất trong gần một năm. Một lần nữa, lĩnh vực dịch vụ dẫn đắt đà tăng.

Dù vậy, so với các nền kinh tế phát triển khác, Anh vẫn hoạt động kém hơn. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Anh từ 0,6% xuống 0,5%. Đây là tốc độ tăng trưởng dự kiến thấp nhất trong nhóm G7, chỉ trên Đức.

Nhật Bản và các nền kinh tế mới nổi châu Á

Theo ước tính của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters, nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới là Nhật Bản sẽ giảm 1,5% trong quý I do tất cả động lực tăng trưởng chính đều suy yếu. Kế hoạch tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể sẽ bị trì hoãn.

Tiêu dùng cá nhân, hiện chiếm hơn 50% nền kinh tế Nhật Bản, có thể giảm 0,2% trong quý đầu năm do người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng trước đà tăng của chi phí sinh hoạt.

Trong bối cảnh lạm phát đã duy trì trên mức 2% trong hơn hai năm qua, tiền lương của người dân địa phương không thể theo kịp. Vào tháng 3, mức lương thực tế đã điều chỉnh cho lạm phát giảm 2,5% so với một năm trước - đánh dấu năm thứ hai liên tiếp sụt giảm.

 

Vấn đề nóng nhất của Nhật Bản hiện nay là sự mất giá của đồng yen. Từ đầu năm đến nay, đồng nội tệ của Nhật Bản đã giảm 10,4% so với đồng bạc xanh và đang giao dịch quanh mức 156,5 yen đổi 1 USD.

Sự trượt dốc của đồng yen là tin xấu với người dân Nhật Bản. Đồng tiền yếu gây áp lực lên các hộ gia đình khi làm tăng chi phí nhập khẩu, mà Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng và thực phẩm mua từ nước ngoài.

BoJ được cho là đã can thiệp thị trường ngoại hối hai lần vào đầu tháng 5 để hỗ trợ đồng yen, nhưng động thái đó có vẻ không hiệu quả bởi chênh lệch lãi suất với Mỹ vẫn rất lớn. Có thể nói, tương lai của đồng yen đang nằm trong tay Fed.

Xét đến những vấn đề của nền kinh tế, IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản sẽ chững từ mức 1,9% năm 2023 xuống còn 0,9% vào năm 2024, sau đó mới khởi sắc lên 1% vào năm 2025.

Giữa lúc đó, hai nền kinh tế mới nổi tại châu Á là Ấn Độ và Việt Nam đều đang hưởng lợi từ chiến lược “Trung Quốc +1”. Cả hai được kỳ vọng sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất hàng hoá giá trị cao như xe điện, bán dẫn.

Hồi đầu năm, South China Morning Post từng nhận định Việt Nam, Philippines, Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan là “những con rồng nhỏ châu Á đang chuẩn bị cất cánh”. Các nền kinh tế này có điểm chung là lực lượng lao động lớn và thị trường tiêu dùng tiềm năng, mang lại cơ hội tăng trưởng ở cả trong nước và quốc tế.

Khảo sát do hãng tư vấn Rhodium Group công bố vào tháng 9 năm ngoái chỉ ra bên cạnh 10% doanh nghiệp Mỹ, 20% doanh nghiệp Đức và Anh có ý định giảm đầu tư vào Trung Quốc.

Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đã ngừng sản xuất smartphone, TV và PC ở Trung Quốc từ gần 5 năm trước, sau đó chuyển dây chuyền sang Việt Nam. Tương tự, Apple cũng đã chọn Việt Nam làm cơ sở chính để sản xuất các dòng AirPods, đồng thời có kế hoạch sản xuất MacBook tại đây.

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng chuyển một phần dây chuyền iPhone sang Ấn Độ. JPMorgan dự đoán tỷ lệ iPhone sản xuất bên ngoài Trung Quốc sẽ tăng từ mức 5% năm 2022 lên 25% vào năm 2025.

IMF đánh giá hai nền kinh tế Ấn Độ và Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. GDP Ấn Độ dự kiến sẽ mở rộng 6,8% trong năm 2024 và 6,5% vào năm 2025. 

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 5,8% trong năm 2024 và 6,5% vào năm 2025, cao hơn mức 5% của năm 2023.

Tuy nhiên, tương tự các nền kinh tế châu Á khác, đồng nội tệ của hai quốc gia mới nổi cũng gặp áp lực khi đồng USD mạnh lên.

Bên cạnh vấn đề chênh lệch lãi suất, nhu cầu nhập khẩu mạnh trong các tháng đầu năm của cả hai cũng cao hơn. Vì thế, nhu cầu ngoại tệ cho việc nhập khẩu cũng nhiều hơn.

Trong thời gian tới, cả hai nước được cho là sẽ theo dõi sát sao biến động lãi suất tại Mỹ và sức mạnh của đồng bạc xanh. Một số nhà phân tích dự đoán các nhà chức trách có thể sẽ can thiệp tỷ giá khi cần thiết.

(Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 6/2024)

Yên Khê

NĐT cá nhân giải ngân gần 16.000 tỷ đồng trong tháng 6, rót hơn 40% vốn vào FPT
Cá nhân trong nước tiếp đà mua ròng gần 16.000 tỷ đồng trong tháng 6, trong đó tâm điểm là FPT với hơn 6.317 tỷ đồng. Tổng giá trị vào ròng của mã này chiếm hơn 40% quy mô giải ngân của các NĐT cá nhân.