|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khi nào đồng bạc xanh suy yếu?

20:02 | 11/06/2024
Chia sẻ
Nhiều người đặt câu hỏi rằng khi nào sức mạnh khủng khiếp của đồng bạc xanh mới suy giảm? Xét trong tương lai gần, để đồng USD hạ nhiệt thì Fed phải sớm hạ lãi suất hoặc nền kinh tế Mỹ phải yếu đi.

Nguy cơ xảy ra chiến tranh tiền tệ ở châu Á

Đầu tháng 5, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) được cho là đã can thiệp thị trường ngoại hối để kéo đồng yen ra khỏi mức đáy 34 năm so với đồng USD. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia, bao gồm cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Larry Summers, đều cho rằng động thái của BoJ sẽ không tạo ra tác động lâu dài.

Trong bối cảnh đồng yen chìm dưới đáy sâu, các nhà đầu tư đã nghĩ đến một kịch bản rất khó tin. Họ lo sợ các nền kinh tế khác trong khu vực sẽ phá giá đồng nội tệ, từ đó châm ngòi cho một cuộc chiến tiền tệ mới ở châu Á.

Trên thực tế, đồng yen giảm mạnh có thể làm tăng áp lực cạnh tranh lên các nền kinh tế thiên về xuất khẩu như Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. Về lý thuyết, các nền kinh tế này có thể phải hành động cực đoan, ngay cả khi họ vẫn đang nỗ lực củng cố đồng nội tệ.

Tuy không phải nhận định của số đông nhà đầu tư, kịch bản táo bạo đó vẫn thu hút được sự quan tâm nhất định bởi đồng bạc xanh đang thể hiện sức mạnh quá vượt trội. 

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, so với đồng USD, đồng yen Nhật Bản, nhân dân tệ Trung Quốc, won Hàn Quốc và đô la Đài Loan đã giảm lần lượt 11%, 2,2%, 5,8% và 5,7%. Theo xu hướng chung, tiền đồng của Việt Nam cũng sụt 4,6%.

Chia sẻ với hãng tin Bloomberg, ông Henry Quek - trưởng bộ phận thị trường toàn cầu tại State Street, cho hay: “Rất lâu rồi chúng tôi mới nghe thấy cụm phá giá cạnh tranh. Trong tình huống hiện nay, có khả năng các nền kinh tế sẽ thực hiện một chuỗi phá giá cạnh tranh nếu đồng yen tiếp tục suy yếu”.

Bên cạnh áp lực tỷ giá và rủi ro chiến tranh tiền tệ, nguy cơ khủng hoảng nợ công đang lớn dần ở các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguyên nhân chủ yếu là do đồng nội tệ của các nước này mất giá so với USD, làm tăng gánh nặng trả nợ bằng đồng bạc xanh. 

Ngay cả các doanh nghiệp Mỹ cũng thấm thía nỗi đau vì họ chẳng ngờ đồng USD sẽ tăng vũ bão. Nhiều công ty từ Apple, IBM đến Proter & Gamble coi biến động trên thị trường ngoại hối là trở ngại với triển vọng kinh doanh vì quá trình chuyển đổi lợi nhuận ở nước ngoài sang USD sẽ khó khăn hơn.

Các nhà phân tích tại BofA Global Research nước tính nếu đồng USD tăng 10% so với cùng kỳ năm trước thì thu nhập của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 sẽ giảm khoảng 3%.

 

Tại sao đồng USD mạnh mẽ đến thế?

Dễ hiểu tại sao đồng bạc xanh lại bật lên như vậy. Trước hết, USD mạnh vì nhiều người muốn đồng tiền này. Tương tự với mọi thứ khác, từ vé xem concert của Taylor Swift đến vàng, nhu cầu USD càng lớn thì đồng USD càng đắt đỏ.

Điều này gắn liền với thực tế Mỹ là nền kinh tế lớn nhất hành tinh và USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu, không chỉ dùng trong thanh toán quốc tế mà còn để mua bán thực phẩm, dầu mỏ,... Nhiều quốc gia còn neo đồng tiền của họ với USD hoặc sử dụng USD làm đồng tiền chính thức.

Tiếp theo phải nói đến chuyện lãi suất. Hiện tại, lãi suất tại Mỹ đang thuộc nhóm cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Để khống chế lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phải kéo chi phí đi vay lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ. 

Và giữa lúc Fed ngần ngại về việc nới lỏng chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương khác đã bắt đầu cân nhắc giảm lãi suất. Đơn cử, Ngân hàng Trung ương châu Âu có vẻ sẽ hành động vào tháng 6 tới.

Sau ba tháng liên tiếp lạm phát tăng nóng hơn dự báo, Fed đang phải đương đầu với thử thách. Hầu hết các thước đo đều cho thấy lạm phát vẫn cao hơn đáng kể mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương này. 

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) - thước đo ưa thích của Fed - đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 3. Nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, PCEPI lõi tăng 2,8%. 

Lạm phát “vẫn còn quá cao”, như nhận xét của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo sau quyết định chính sách tháng 4, buộc các quan chức phải lùi thời điểm và nhiều khả năng là cả quy mô giảm lãi suất. 

Nhiều người đặt câu hỏi rằng khi nào sức mạnh khủng khiếp của đồng bạc xanh mới suy giảm? Xét trong tương lai gần, để đồng USD hạ nhiệt thì Fed phải sớm hạ lãi suất hoặc nền kinh tế Mỹ phải yếu đi.

Triển vọng Fed hạ lãi suất

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế nói chung vẫn ở mức lành mạnh và một số tín hiệu hạ nhiệt rất được các nhà đầu tư hoan nghênh, bởi chúng giúp Fed có thể sớm giảm lãi suất.

Chỉ báo rõ ràng nhất gần đây là báo cáo việc làm tháng 4. Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế đã tạo thêm 175.000 việc làm trong tháng trước, giảm đáng kể so với con số 315.000 vào tháng 3. Điểm đáng chú ý là lĩnh vực giải trí và khách sạn chỉ bổ sung thêm 5.000 nhân sự, so với 53.000 trong tháng 3.

Các dữ kiện trên phù hợp với báo cáo tài chính của các công ty cung cấp dịch vụ thực phẩm như Starbucks và McDonald’s, cả hai đều đề cập đến tâm lý ngày càng thận trọng của người tiêu dùng. 

 

Tất nhiên, bức tranh kinh tế không chỉ toàn màu xám. Quả thực tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 3,9% nhưng Bộ Lao động Mỹ cho biết thước đo này đã dao động trong phạm vi hẹp 3,7% - 3,9% kể từ tháng 8/2023.

Áp lực giá có vẻ sẽ dịu bớt trong thời gian tới, khi tăng trưởng tiền lương chững lại. Thu nhập trung bình hàng giờ của người Mỹ chỉ đi lên 3,9% so với cùng kỳ, thấp hơn tốc độ 4,1% của tháng 3 và 4,3% của tháng 2.

Trước đó không lâu, báo cáo do Cục Phân tích Kinh tế Mỹ chỉ ra tăng trưởng GDP I đạt 1,6% (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm). Tăng trưởng chững lại nhiều khả năng là do tác động từ các đợt tăng lãi suất của Fed và sự phục hồi của chuỗi cung ứng.

Thật vậy, báo cáo việc làm và GDP nhẹ nhàng hơn đã khiến các nhà đầu tư một lần nữa nghĩ đến viễn cảnh ngân hàng trung ương giảm lãi suất. Nếu dữ liệu kinh tế tiếp tục củng cố, xác suất Fed hành động vào tháng 7 có thể tăng lên.

Hiện tại, dữ liệu từ công cụ FedWatch của CME Group cho thấy xác suất Fed giảm chi phí đi vay vào tháng 7 là 24,6%. Trong khi đó, xác suất cho đợt giảm vào tháng 9 lên đến 49,1%.

 

Viễn cảnh nền kinh tế Mỹ yếu đi

Điểm khó cho kế hoạch của Fed là lạm phát đang cao dai dẳng. Nếu số liệu tương lai quay lại xu hướng hạ nhiệt trước đó, sức mạnh của đồng USD nhiều khả năng sẽ giảm bớt khi các quan chức bắt đầu nới lỏng tiền tệ.

Song, nếu kịch bản trái ngược xảy ra, nền kinh tế số một thế giới có thể đang hướng đến một viễn cảnh còn tồi tệ hơn cả suy thoái.

Trong trường hợp thứ hai, nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ như những năm 1970. Một bộ phận nhà đầu tư đã bất an hơn kể từ khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng nóng hơn dự kiến.

Một số nhà kinh tế vẫn hạ thấp rủi ro lạm phát đình trệ. Đi đầu là Chủ tịch Fed, người đã nhấn mạnh trong cuộc họp báo vừa qua rằng không có dấu hiệu nào chứng tỏ nền kinh tế bị đình trệ, ngay cả khi lạm phát vẫn ở mức cao và các dấu hiệu tăng trưởng chững lại xuất hiện.

Tuy nhiên, ông Tom Essaye - nhà sáng lập hãng nghiên cứu Sevens Report Research - cảnh báo trong một lưu ý mới: “Tuy tăng trưởng kinh tế không thấp đến mức có thể gây ra đình lạm, dữ liệu ngày càng thuyết phục rằng các động lực kinh tế đang chậm lại”.

Theo ông Essaye, mặc dù viễn cảnh tồi tệ đó chưa thành hiện thực, dữ liệu cho thấy khả năng cao là đình lạm sẽ xuất hiện trong tương lai.

Chỉ số PMI sản xuất do Viện Quản lý Cung ứng (ISM) tổng hợp đã rơi khỏi mốc 50 vào tháng 4 sau khi mở rộng vào tháng 3, còn PMI dịch vụ vừa thu hẹp lần đầu tiên kể từ tháng 12/2022. 

Số đơn đặt hàng đối với các hàng hoá lâu bền tăng vọt trong tháng 3. Song, đơn hàng hầu như không khởi sắc ở các lĩnh vực khác ngoại trừ vận tải, cho thấy ngành sản xuất đang tiếp tục suy yếu.

 

Khối nợ công ngày càng phình to

Xét trong dài hạn, đồng bạc xanh cũng có thể yếu đi khi sức mạnh tài khoá của Mỹ sụt giảm, khiến nhà đầu tư quốc tế lo ngại về các tài sản tài chính liên quan đến nền kinh tế này. Trên thực tế, khối nợ của Mỹ đã và đang phình to một cách không bền vững.

Nói một cách dễ hiểu, các quốc gia cũng giống như con người. Một số chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được và vung tay quá trán dễ sinh ra nợ nần. Trong trường hợp của Mỹ, họ đã chi tiêu quá mức trong nhiều năm và khối nợ cũng lớn lên theo thời gian. 

Nợ công của Mỹ tăng chóng mặt từ 269 tỷ USD vào tháng 6/1946 lên kỷ lục mới hơn 34.500 tỷ USD vào tháng 3/2024. Nói cách khác, nợ công của Mỹ hiện đã vượt xa tổng quy mô của các nền kinh tế xếp sau là Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Ấn Độ.

Hồi tháng 2, Văn phòng Ngân sách Quốc phòng dự đoán thâm hụt ngân sách liên bang sẽ tăng mạnh từ mức 1.580 tỷ USD năm nay lên khoảng 2.560 tỷ USD vào năm 2034.

 

Trong một báo cáo vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chỉ trích thói quen vay nợ của Mỹ. Ông Vitor Gaspar, Giám đốc bộ phận tài khoá của IMF, đánh giá: “Chính sách tài khoá lỏng lẻo ở Mỹ gây áp lực gia tăng (upward pressure) lên lãi suất toàn cầu và đồng USD. Nó kéo chi phí tài trợ ở phần còn lại của thế giới lên cao, làm trầm trọng thêm những bất ổn và rủi ro hiện tại”.

(Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 6/2024)

Yên Khê

NĐT cá nhân giải ngân gần 16.000 tỷ đồng trong tháng 6, rót hơn 40% vốn vào FPT
Cá nhân trong nước tiếp đà mua ròng gần 16.000 tỷ đồng trong tháng 6, trong đó tâm điểm là FPT với hơn 6.317 tỷ đồng. Tổng giá trị vào ròng của mã này chiếm hơn 40% quy mô giải ngân của các NĐT cá nhân.