|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Người Mỹ cực kỳ ghét lạm phát, nền kinh tế có nguy cơ bị đặt vào tình huống nguy hiểm

10:06 | 10/06/2024
Chia sẻ
Trong hơn chục năm qua, Fed đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%. Một số nhà kinh tế cho rằng Fed nên nâng mục tiêu lên 4% để có thể duy trì lãi suất cao hơn, giúp các quan chức có dư địa để nới lỏng chính sách khi nền kinh tế sa sút.

 

Tòa nhà Fed. (Hình minh họa: Financial Times). 

Rắc rối của lạm phát thấp

Lạm phát tại Mỹ hiện vẫn cao hơn mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhắm đến. Một số nhà kinh tế cho rằng điều này không phát sinh vấn đề gì đáng ngại, nhưng rất nhiều người Mỹ thì không.

Dự kiến các quan chức Fed sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ tại cuộc họp ngày 12/6. Động lực chính đằng sau quyết định này là lạm phát.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 4. Đây là sự cải thiện lớn so với tháng 4/2023, khi mức tăng của PCEPI là 4,4%. Tuy nhiên, lạm phát vẫn chưa xuống đủ thấp để Fed hạ lãi suất.

Trước đại dịch COVID-19, lạm phát cao là kiểu rắc rối mà nhiều nhà kinh tế coi là xa xỉ. Lạm phát thấp, lãi suất cực thấp và cuộc phục hồi kinh tế mờ nhạt sau khủng hoảng tài chính 2008 đã khiến một số nhà kinh tế nổi tiếng kêu gọi Fed nâng mục tiêu lạm phát lên cao hơn nhiều con số 2%.

Các nhà kinh tế này cho biết thời điểm đó, lãi suất tự nhiên thực tế - mức lãi suất sau khi điều chỉnh cho lạm phát, vừa đủ để giữ cho nền kinh tế vận hành trơn tru - đã giảm xuống. Điều này đặt nền kinh tế vào tình cảnh nguy hiểm.

Nếu suy thoái ập đến, Fed sẽ không có nhiều dư địa để giảm lãi suất. Một khi lãi suất xuống gần bằng 0, Fed sẽ phải dựa vào những biện pháp kém hiệu quả hơn để thúc đảy tăng trưởng, ví dụ như mua tài sản tài chính. Kết quả là cuộc phục hồi kinh tế sẽ bị cản trở, hàng triệu người có nguy cơ mất việc trong thời gian dài.

Song, môi trường lạm phát cao hơn sẽ cho phép Fed ấn định lãi suất ở mức cao hơn. Và khi nền kinh tế gặp rắc rối, Fed cũng có nhiều dư địa để giảm lãi suất hơn.

Ông Olivier Blanchard, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đề xuất vào năm 2010 rằng 4% sẽ là mức mục tiêu lạm phát thích hợp. Nhà kinh tế Laurence Ball của Đại học Johns Hopkins có chung quan điểm, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết. 

Ông Jón Steinsson, nhà kinh tế tại Đại học California, cũng từng ủng hộ Fed nâng mục tiêu lạm phát. Nhưng ông đã đổi ý vì một lý đơn giản. Ông nhận ra rằng người Mỹ căm ghét mức lạm phát mà nhiều nhà kinh tế cho là tương đối khiêm tốn.

Tâm lý người tiêu dùng tại Mỹ vẫn đang ở mức cực kỳ bi quan, bất chấp tỷ lệ thất nghiệp thấp và tiền lương tiếp tục tăng trưởng. Lý do chính có vẻ là lạm phát.

Dù lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể so với năm 2022, giá cả hiện nay vẫn cao hơn nhiều trước đại dịch. Và dù các mô hình kinh tế gợi ý rằng công chúng không nên ghét lạm phát đến mức đó, suy nghĩ thực tế của họ cũng không thay đổi.

 

Gánh nặng kép

Các công trình nghiên cứu gần đây do nhà kinh tế Stefanie Stantcheva thuộc Đại học Harvard và các đồng nghiệp tiến hành đã nêu bật lên tâm lý chán ghét của người Mỹ với lạm phát.

Họ phát hiện công chúng coi mức tăng 1 điểm % của lạm phát tệ hại bằng mức tăng 2 điểm % của tỷ lệ thấp nghiệp. Để so sánh, nếu tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng từ mức 4% như hiện nay lên 5%, số người mất việc sẽ tăng thêm 1,7 triệu.

Người tham gia khảo sát căm ghét lạm phát không chỉ vì họ lo ngại rằng giá cả cao sẽ bào mòn sức mua. Lý do khác là lạm phát khiến tinh thần họ kiệt quệ. Tìm cách xoay xở với ngân sách eo hẹp hơn trước kia là gánh nặng tâm lý lẫn tài chính.

Bà Stantcheva giải pháp: “Lạm phát đòi hỏi người tiêu dùng phải tính toán lại về mọi thứ trong mọi thời điểm, lập lại ngân sách cho mọi khoản chi tiêu. Về cơ bản, đó là một gánh nặng lớn đối với tâm lý”.

Bất chấp các nghiên cứu gần đây, nhà kinh tế Blanchard vẫn cho là Fed nên điều chỉnh mục tiêu lạm phát để phòng ngừa rắc rối phát sinh khi lãi suất quá gần mức 0. Nhưng để bảo vệ uy tín của ngân hàng trung ương Mỹ, ông đoán rằng Fed vẫn phải đưa được lạm phát về 2% trước khi viễn cảnh này thành hiện thực.

Các quan chức Fed bao gồm Chủ tịch Jerome Powell vẫn kiên quyết rằng ngân hàng trung ương Mỹ không thể xem xét thay đổi mục tiêu khi lạm phát vẫn còn cao như hiện nay.

Ông Powell phát biểu trước các nhà lập pháp hồi năm ngoái: “Giờ không phải là lúc chúng ta có thể bắt đầu nói về việc thay đổi mục tiêu lạm phát. Chúng tôi không hề có ý định làm vậy”.

Giang