Một NHTW lớn đi trước Fed, lần đầu hạ lãi suất kể từ năm 2019
Hôm 6/6, bất chấp áp lực lạm phát kéo dài dai dẳng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất đúng như dự đoán của các nhà đầu tư.
Cụ thể, ECB vừa đẩy lãi suất chuẩn trong khối đồng tiền chung châu Âu từ mức kỷ lục 4% xuống 3,75%. Các nhà hoạch định chính sách đã giữ lãi suất ở mức kỷ lục này kể từ tháng 9/2023.
Trong một tuyên bố, ECB cho biết: “Dựa trên đánh giá mới về triển vọng lạm phát, các động lực thúc đẩy lạm phát và sức mạnh truyền tải của chính sách tiền tệ, đây là thời điểm phù hợp để điều chỉnh chính sách sau 9 tháng giữ nguyên lãi suất”.
Tại cuộc họp lần này, ECB cũng công bố loạt dự báo kinh tế mới mà thị trường tài chính sẽ quan tâm sát sao. Theo đó, ECB dự kiến lạm phát trung bình năm 2024 là 2,5%, tăng so với mức 2,3% trước đó.
Ngoài ra, ngân hàng trung ương này cũng nâng ước tính lạm phát trung bình năm 2025 từ 2% lên 2,2%. Dự báo cho năm 2026 vẫn ở mức 1,9%.
Theo CNBC, các nhà đầu tư đã chắc chắn rằng ECB sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 6. Đây là lần giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 9/2019.
Giờ đây, các nhà đầu tư kỳ vọng ECB sẽ nới lỏng chính sách thêm một lần nữa trong năm nay. Song, các nhà kinh tế được Reuters khảo sát vào tuần trước dự báo sẽ có hai đợt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2024.
Ông Dean Turner, nhà kinh tế trưởng khu vực đồng euro tại UBS Global Wealth Management, chia sẻ với CNBC rằng các quan chức ECB sẽ khó mà “nới tay” tại cuộc họp tháng 7, thay vào đó sẽ giảm lãi suất vào tháng 9.
Mặc dù ECB tăng lãi suất sau Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), động thái tại cuộc họp tháng 6 đã giúp ngân hàng trung ương châu Âu đi trước trong chu kỳ giảm lãi suất. Hiện tại, Fed vẫn đang bị trói tay vì lạm phát tại Mỹ.
Hôm 5/6, Canada đã trở thành quốc gia G7 đầu tiên cắt giảm lãi suất. Trước Canada, Thuỵ Điển và Thuỵ Sỹ là hai nền kinh tế lớn khác đã nới lỏng chính sách tiền tệ.