|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed khó sớm giảm lãi suất, người Mỹ thà chịu đựng suy thoái còn hơn sống chung với lạm phát

07:28 | 05/06/2024
Chia sẻ
Ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, cảnh báo các quan chức có thể tăng lãi suất lên nữa nếu không cảm thấy chắc chắn rằng lạm phát đang hạ nhiệt.

Ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis. (Ảnh: Bloomberg).

Lạm phát vẫn cao

Người tiêu dùng Mỹ chán ghét lạm phát đến mức họ thà chứng kiến nền kinh tế sụt giảm còn hơn là nhìn thấy giá cả gia tăng cao hơn nữa. Đây là kết luận của ông Neel Kashkari, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Minneapolis.

Sau khi rút ra nhận định trên, ông Kashkari đưa ra một tin buồn cho Phố Wall. Ông không tin rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ sớm giảm lãi suất.

Các nhà đầu tư đang nóng lòng chờ đợi Chủ tịch Fed Jerome Powell xác nhận thời điểm ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu hạ lãi suất.

Trước đây, nhiều người tưởng rằng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ ngay trong cuộc họp đầu tháng 5. Nhưng các nhà phân tích đã phải điều chỉnh kỳ vọng khi lạm phát giá tiêu dùng đầu năm cao hơn dự kiến.

Lạm phát Mỹ tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt 3,4% trong tháng 4 - bằng với tháng 12 năm ngoái. Con số này vẫn cao hơn hẳn mục tiêu 2% của Fed.

 

Ông Kashkari khẳng định công chúng muốn Fed tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn trong cuộc chiến với lạm phát.

Phát biểu trong chương trình podcast của Financial Times, ông Kashkari nói: “Tôi nghiệm ra rằng người Mỹ - và có lẽ là cả người châu Âu - thực sự căm ghét lạm phát cao. Mọi người ghét lạm phát đến tận xương tủy”.

Vị quan chức cho biết nhiều người Mỹ thà chịu đựng suy thoái còn hơn là lạm phát dai dẳng. Trái lại, nhiều nhà nhà kinh tế thấy rằng lạm phát còn dễ chấp nhận hơn suy thoái, tờ Fortune cho hay. 

Ông Kashkari giải thích rằng điều này đặc biệt đúng trong các công đoàn, bởi người lao động đã học cách đối phó với những cuộc suy thoái trước đó và có thể dựa vào sự hỗ trợ của bạn bè và gia đình.

Ông minh họa: “Giả dụ tôi mất việc, khi đó tôi sẽ nhờ vả chị gái, cha mẹ hoặc bạn bè để vượt qua lúc khó khăn. Nhưng lạm phát cao ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Tôi không thể nhờ ai giúp đỡ bởi tất cả mọi người tôi biết đều chịu cảnh tương tự”.

Nền kinh tế “rất mạnh mẽ”

Ô Kashkhari có quan điểm diều hâu hơn về chính sách tiền tệ hơn các đồng nghiệp. Năm nay, ông không phải thành viên có quyền bỏ phiếu trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC). Song, FOMC sẽ tham khảo ý kiến của ông. Và Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis nhấn mạnh nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh khỏe.

Ông giải thích: “GDP của Mỹ rất mạnh mẽ. Thị trường lao động và tốc độ tăng trưởng tiền lương vẫn bền bỉ. Do đó, khi nhìn vào sự bền bỉ này và các hoạt động kinh tế, tôi không cho là nền kinh tế đang chịu áp lực của lãi suất cao hay chính sách tiền tệ thắt chặt quá mức”.

Hiện tại, lãi suất quỹ liên bang đang nằm trong phạm vi 5,25 - 5,5%. Trong khi trước đại dịch, lãi suất chỉ vào khoảng 0,25%.

Ông Kashkari dự đoán lãi suất nằm ở giữa phạm vi nêu trên, có lẽ quanh mức 2,5%. Song, ông nói thêm: “Rất có thể ước tính này không đúng. Lãi suất sẽ phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng và những yếu tố khác. Ví dụ như trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế?”

Vị quan chức lặp lại một khả năng mà CEO Jamie Dimon của ngân hàng khổng lồ JPMorgan nhắc đến, đó là Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất.

Chia sẻ với CNBC tại sự kiện của JPMorgan ở Thượng Hải tháng trước, vị CEO nói: “Liệu tôi có nghĩ rằng lãi suất sẽ lên cao hơn chút ít hay không? Câu trả lời là có. Và nếu Fed làm vậy thì liệu thế giới đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản đó hay chưa? Không hẳn”.

Ông Kashkari tin rằng lãi suất sẽ được duy trì ở mức hiện tại thêm một khoảng thời gian nữa, hoặc “cho đến khi Fed chắc chắn rằng lạm phát đang trên đà giảm xuống mức mục tiêu 2% hoặc bị mắc kẹt ở mức cao hơn”.  Nếu Fed không tin tưởng lạm phát đang hạ nhiệt, ông Kashkari cảnh báo lãi suất có thể đi lên.

Điều chắc chắn là ông sẽ không ủng hộ việc Fed nâng mục tiêu lạm phát từ 2% lên 3% và tuyên bố xong việc.

Ông giải thích: “Đề xuất nâng mục tiêu lạm phát lên 3% là ý tưởng tồi tệ. Lần tới khi Mỹ bước vào giai đoạn lạm phát cao, có thể sẽ có người nghĩ Fed nên tiếp tục nâng con số mục tiêu lên 4%. Cứ như thế, kỳ vọng về lạm phát sẽ tăng vọt không có điểm dừng”.

Giang

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 28/6: Tiếp tục điều chỉnh
Theo dự báo của công ty chứng khoán, rủi ro giảm điểm vẫn đang có phần lấn át hơn khi nhiều cổ phiếu trụ vẫn đang cho thấy quán tính điều chỉnh chưa kết thúc.